Ngày 27/3/2013, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 1103/QD-BGDĐT cho phép Học viện Phụ nữ Việt Nam được tổ chức đào tạo bậc Đại học hệ chính quy 2 ngành Công tác xã hội và Quản trị kinh doanh kể từ năm 2013.
Lịch sử hình thành và phát triển
Ngày 8-3-1960, Ban Thường trực Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) ra Quyết nghị thành lập Trường Phụ vận Trung ương, với chức năng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ của Hội LHPNVN các cấp và cán bộ làm công tác Phụ vận ở các ngành. Nhiệm vụ của trường là nâng cao trình độ lý luận và nhận thức tư tưởng cho học viên về cách mạng xã hội chủ nghĩa, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội kịp thời đáp ứng tình hình nhiệm vụ trung tâm của Đảng và phong trào phụ nữ.
Ngay sau khi có nghị quyết thành lập, bộ máy tổ chức và cán bộ Trường cũng đã được thành lập với hơn 10 người, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng Đoàn và Ban Thường trực Hội LHPN Việt Nam. Ban phụ trách, cán bộ, công nhân viên của Trường được điều động từ các Ban của Trung ương Hội và các địa phương. Trong khi chưa có địa điểm, Ban phụ trách trường đã mượn Trường Trung cấp Nông nghiệp Trung ương (tại thị trấn Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội) làm địa điểm để tổ chức khóa học đầu tiên khai giảng vào ngày 20-5-1960 với tổng số 126 học viên. Đến cuối năm 1961, trường đã mở được 2 khóa học.
Năm 1962, Trường được Nhà nước cho phép xây dựng địa điểm tại phường Láng Thượng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Sau khi hoàn thành việc xây dựng cơ sở vật chất, Trường bắt đầu kiện toàn bộ máy Tổ chức, bao gồm: Ban lãnh đạo; bộ phận nội dung và bộ phận phục vụ. Từ một tổ Đảng, Trường đã thành lập một chi bộ đảng trực thuộc Đảng uỷ cơ quan Trung ương Hội LHPN Việt Nam và thành lập tổ công đoàn trực thuộc Công đoàn cơ quan Trung ương Hội LHPN Việt Nam.
Tháng 4-1962, Trường khai giảng khóa học đầu tiên của chương trình dài hạn với nội dung học là Lý luận chính trị và nghiệp vụ phụ vận.
Năm 1964, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của sự nghiệp cách mạng và phong trào phụ nữ, Ban Thường trực Trung ương Hội LHPNVN quyết định đổi tên Trường Phụ vận Trung ương thành Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác Hội các cấp; Việc điều hành và quản lý trường thời kỳ này do 2 đồng chí lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam phụ trách. Trường đã thành lập phòng Tổ chức cán bộ, phòng Hành chính quản trị, Phân hiệu bổ túc văn hoá và bộ phận nội dung. Thời kỳ này, đã có bước chuyển đáng kể, bộ phận nội dung đã thành lập được các tổ bộ môn: triết học, kinh tế chính trị, lịch sử Đảng, đường lối chính sách, quản lý kinh tế, phụ vận. Đây chính là tiền đề cho việc thành lập các khoa chuyên môn sau này.
Đội ngũ cán bộ quản lý và giảng dạy của Trường thời kỳ này rất trẻ, hầu hết ở độ tuổi trên dưới 30, đa số có trình độ văn hoá hết cấp II, cấp III; trình độ lý luận chính trị trung cấp, một số có trình độ cao cấp; cán bộ, công nhân viên đều được bồi dưỡng lý luận chính trị sơ cấp và bổ túc văn hoá.
Từ năm 1960-1964, trường đã tổ chức được 4 khóa đào tạo, bồi dưỡng với tổng số học viên là 600 người, trong đó có 301 học viên lớp dài hạn.
Từ năm 1965-1975
Là thời kỳ củng cố và phát triển của Trường. Năm 1965, bộ máy của Trường được củng cố và kiện toàn. Ban Giám đốc gồm 3 đồng chí (1 giám đốc và 2 phó giám đốc); hình thành các tổ bộ môn (tổ chính sách, tổ Triết học, tổ Kinh tế, tổ Phụ vận); các phòng: Hành chính quản trị, thư viện; Phân hiệu bổ túc văn hoá.
Cũng trong giai đoạn này, để đáp ứng tình hình cách mạng và nhu cầu đào tạo cán bộ miền Nam, Trường Lê Thị Riêng đã được thành lập (8/3/1969).
Đến năm 1971, bộ máy tổ chức ngày càng được hoàn thiện để thực hiện chương trình đào tạo lý luận trung cấp. Từ các tổ bộ môn, Trường đã hình thành các khoa: Triết học; kinh tế chính trị và quản lý kinh tế; chủ nghĩa xã hội khoa học; lịch sử Đảng và xây dựng Đảng; nghiệp vụ phụ vận. Đội ngũ cán bộ giáo viên của Trường ngày càng tăng cường về chất lượng. Trường được bổ sung và tăng cường cán bộ từ các trường lý luận chính trị của Bộ Giáo dục và Ban Tuyên huấn Trung ương.
Trong thời gian này, tình hình chiến tranh phá hoại của Mỹ diễn ra ác liệt, Trường đã tổ chức đi sơ tán để bảo toàn lực lượng. Cán bộ, công nhân viên của Trường đã khắc phục khó khăn, nguy hiểm thực hiện đào tạo tại chỗ, kịp thời đáp ứng nhu cầu huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ tại địa phương. Trường đã tổ chức được 2 khóa huấn luyện ở Việt Bắc và một lớp bồi dưỡng ở Hòa Bình.
Năm 1972, Ngoài việc đào tạo cán bộ Hội phụ nữ trong nước, Trường đã tổ chức huấn luyện cho 133 cán bộ phụ nữ nước cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Nhiều học viên Lào tham dự các khóa bồi dưỡng tại trường sau này đã giữ cương vị chủ chốt lãnh đạo phong trào phụ nữ Lào từ Trung ương đến địa phương.
Từ năm 1975 – 1985
Trước yêu cầu và nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới đòi hỏi phải xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực và trình độ, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ giáo viên và công nhân viên của Trường cũng không ngừng được xây dựng, củng cố và phát triển. Trường đã thành lập thêm Phòng Tổ chức – Giáo vụ. Bộ máy tổ chức của Trường bao gồm Ban Giám đốc; 5 khoa chuyên môn (Triết học; kinh tế chính trị và Quản lý kinh tế; Chủ nghĩa xã hội khoa học; Lịch sử Đảng và xây dựng Đảng; Nghiệp vụ phụ vận) và 2 phòng chức năng (Hành chính – quản trị; Tổ chức – Giáo vụ). Tổng số cán bộ giáo viên của trường lên đến 60 người.
Đội ngũ cán bộ của Trường Lê Thị Riêng cũng đã được củng cố và tăng cường. Từ 13 đồng chí từ chiến khu về, Trường đã tuyển thêm công nhân viên phục vụ, giáo viên giảng dạy, đưa tổng số cán bộ giáo viên của trường lên 45 người. Tổ chức bộ máy của Trường bao gồm Ban giám đốc và 2 bộ phận: Giáo vụ và Tổ chức cán bộ.
Năm 1984, trường Lê Thị Riêng được đổi tên thành Trường Cán bộ Phụ nữ Phân hiệu II với bộ máy tổ chức gồm Ban giám đốc và 2 bộ phận: Hành chính quản trị và Tổ chức cán bộ, với 29 cán bộ công nhân viên.
Từ năm 1986 – 1990
Thời kỳ này tổ chức bộ máy của Trường đã được sắp xếp tinh gọn, theo hướng tích cực, hiệu quả. Căn cứ vào chức năng nhiệm vụ hoạt động đào tạo, Trường đã kiện toàn và sáp nhập, đổi tên 5 khoa chuyên môn thành 2 khoa: Khoa Lý luận Mác – Lê Nin và khoa Phụ vận; thành lập thêm 1 phòng mới là phòng Nữ công – dịch vụ. Tổng số cán bộ công nhân viên của Trường thời kỳ này chỉ còn 40 người.
So với các giai đoạn trước, thời kỳ này, trình độ của đội ngũ cán bộ, giảng viên, công nhân viên trường đã không ngừng được nâng cao. 100% giáo viên tốt nghiệp đại học; 50% đang theo học các chương trình nghiệp vụ chuyên môn, cao học và nghiên cứu sinh, gần 70% có trình độ A, B ngoại ngữ.
Từ năm 1990 – 1996
Là thời kỳ tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ của Trường từng bước được hoàn thiện nhằm nâng cao chất lượng hoạt động. Đội ngũ cán bộ công nhân viên của Trường được tinh giảm theo hướng: giảm cán bộ, nhân viên phục vụ; tăng cường đội ngũ giáo viên và cán bộ nghiên cứu. Tổng số cán bộ nhân viên của Trường đến năm 1996 chỉ còn 28 người, trong đó cán bộ quản lý và giáo viên chiếm 60%.
Trong những năm này, cán bộ giáo viên của Trường cũng đã tích cực học tập nâng cao trình độ: 100% giáo viên có trình độ đại học; 9 đồng chí có 2 bằng đại học; 2 đồng chí có trình độ thạc sỹ, 8 đồng chí học cao học và nghiên cứu sinh; 2 đồng chí có trình độ cao cấp chính trị.
Giai đoạn này, bộ máy tổ chức và cán bộ của Trường Cán bộ phụ nữ Trung ương II cũng được kiện toàn theo hướng tinh gọn và hiệu quả. Tổng số cán bộ nhân viên là 21 đồng chí, trong đó Ban Giám đốc gồm 3 đồng chí và 9 giảng viên, 9 nhân viên phục vụ.
Từ năm 1996-2000
Trường tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức để nâng cao năng lực hoạt động của đội ngũ cán bộ. Trường đã sáp nhập phòng Tổ chức giáo vụ và Hành chính quản trị thành phòng Tổ chức – Hành chính. Bộ máy tổ chức bao gồm Ban Giám đốc và các khoa: Lý luận Mác – Lê Nin; khoa Phụ vận; phòng Tổ chức hành chính. Trình độ cán bộ của Trường đã có bước tiến đáng kể: đến năm 2000, đã có 9 thạc sỹ, 3 cán bộ học cao học và nghiên cứu sinh; 90% giảng viên có trình độ cao cấp và cử nhân chính trị.
Để đáp ứng yêu cầu đổi mới, Trường cán bộ Phụ nữ Trung ương II vẫn tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức và cán bộ. Thành lập Khoa Lý luận chính trị, khoa Phụ vận, tổ Doanh nghiệp và phòng Hành chính – Quản trị. Đến năm 2000, Trường đã có 5 giáo viên đạt trình độ thạc sỹ, 1 giáo viên học cao học và 40% giáo viên có trình độ ngoại ngữ A, B, C.
Từ năm 2000-2004
Là giai đoạn có nhiều thay đổi lớn về tổ chức bộ máy của Trường. Năm 2000, Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương và Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương II được sáp nhập thành Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương.
Từ tháng 7/2002, thực hiện Nghị quyết đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ IX, được sự chỉ đạo trực tiếp của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPNVN, Trường đã tiến hành nghiên cứu, xây dựng Đề án thành lập Học viện Phụ nữ Việt Nam. Để đưa các hoạt động đào tạo đi vào nề nếp và mang tính chuyên nghiệp, Trường đã thành lập phòng Đào tạo.
Nhằm chuẩn bị các điều kiện thành lập Học viện Phụ nữ Việt Nam, thống nhất hoạt động đào tạo và nghiên cứu, tháng 5/2004 Trung ương Hội LHPNVN đã quyết định sáp nhập Ban Nghiên cứu thuộc Trung ương Hội LHPN Việt Nam về Trường và thành lập Trung tâm Nghiên cứu Phụ nữ trực thuộc Trường.
Bộ máy tổ chức được kiện toàn bao gồm Ban Giám đốc (gồm 1 đồng chí giám đốc, 1 phó giám đốc phụ trách hành chính – quản trị; 1 phó giám đốc phụ trách Nghiên cứu; 1 phó giám đốc phụ trách và điều hành các hoạt động của Phân hiệu) và 6 đơn vị trực thuộc: khoa Lý luận Mác-Lê Nin, khoa Nghiệp vụ Phụ vận; phòng Tổ chức – Hành chính; phòng Đào tạo, Phân hiệu Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương và Trung tâm Nghiên cứu phụ nữ. Trường còn hình thành tổ môn Doanh nghiệp.
Tổng số cán bộ nhân viên thời kỳ này là 73 người. Trình độ của đội ngũ cán bộ, giảng viên Trường đã nâng lên vượt trội so với giai đoạn trước. Trường đã có 2 tiến sỹ; 16 thạc sỹ và 18 cử nhân.
Từ năm 2005 – 2010
Để chuẩn bị thành lập Học viện Phụ nữ Việt Nam, cơ cấu tổ chức và cán bộ của Trường đã có bước kiện toàn và thay đổi lớn:
Năm 2007, đổi tên Khoa Nghiệp vụ Phụ vận thành khoa Công tác Phụ nữ; khoa Lý luận Mác-Lê Nin thành khoa Khoa học cơ bản.
Năm 2008, Thành lập khoa Quản trị kinh doanh trên cơ sở tổ môn Doanh nghiệp.
Năm 2009, thành lập Trung tâm Đào tạo & Nâng cao năng lực Phụ nữ; thành lập 3 phòng chức năng trực thuộc Trung tâm Nghiên cứu phụ nữ, đó là Phòng Nghiên cứu Giới và phát triển; phòng Nghiên cứu phong trào phụ nữ; phòng Nghiên cứu gia đình và các vấn đề xã hội.
Phân hiệu tại TP Hồ Chí Minh có: Phòng Tổ chức – Hành chính – Đào tạo và khoa Khoa học cơ bản, khoa Công tác phụ nữ.
Đây là thời kỳ phát triển vượt bậc của Trường về số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ. Ban Giám đốc được bổ sung thêm một phó giám đốc phụ trách đào tạo. Tổng số cán bộ biên chế và hợp đồng của Trường đã lên 85, Trình độ chuyên môn của các cán bộ, giáo viên nhà trường ngày càng được nâng cao; trường đã có 6 tiến sỹ; 7 nghiên cứu sinh; 31 thạc sỹ, 32 cử nhân…
Ngày 03/3/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công văn số 380/TTg-KGVX phê duyệt chủ trương thành lập Học viện Phụ nữ Việt Nam trên cơ sở nâng cấp Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương.
Từ năm 1960 đến năm 2010, tập thể cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên của Trường đã không ngừng đổi mới, đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, phấn đấu thực hiện tốt mục tiêu đào tạo, nghiên cứu, thực hiện tốt nhiệm vụ được Đoàn Chủ tịch Hội LHPNVN giao phó, từng bước đáp ứng yêu cầu của công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ Hội các cấp , nhân kỷ niệm 50 năm thành lập (08/3/960 – 08/3/2010) Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương đã được đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì.
Ngày 18/10/2012 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1558-TTg về việc thành lập Học viện Phụ nữ Việt Nam trên cơ sở nâng cấp Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương.
Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao QĐ thành lập Học viện phụ nữ Việt Nam cho Chủ tịch Hội LHPN Nguyễn Thị Thanh Hòa
Ngày 27/3/2013, Bộ Giáo dục Đào tạo đã ban hành Quyết định số 1103/QĐ-BGDĐT cho phép Học viện phụ nữ Việt Nam đào tạo các ngành có trình độ Đại học.
Đến tháng 7/2013, Học viện phụ nữ Việt Nam có 3 khoa: Khoa Công tác Xã hội (tiền thân là Công tác Phụ nữ), Khoa Quản trị Kinh doanh, Khoa Khoa học Cơ bản; Viện Nghiên cứu Phụ nữ (Tiền thân là Trung tâm Nghiên cứu Phụ nữ); 3 trung tâm: Trung tâm Đào tạo nâng cao năng lực Phụ nữ (Cet-caw), Trung tâm bồi dưỡng cán bộ, Trung tâm Công nghệ – Thông tin và Thư viện; 3 phòng: Phòng Tổ chức Hành chính, Phòng Đào tạo, Phòng Hợp tác Quốc tế và 1 Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tổng số cán bộ, giảng viên của Học viện phụ nữ Việt Nam là 92 người; trong đó đã có 10 Tiến sỹ; 4 nghiên cứu sinh; 28 Thạc sỹ, 50 Cử nhân…