Học viện Phụ nữ Việt Nam đã cử đồng chí Trần Thị Thu Hiền – Chủ tịch Công đoàn của Học viện Phụ nữ Việt Nam tham gia. Đoàn đã đi qua 4 tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An. Nơi nào Đoàn đến cũng là những địa chỉ đỏ có ý nghĩa giáo dục truyền thống và tri ân công lao của các thương binh, anh hùng liệt sĩ đã hy sinh xương máu cho độc lập, thống nhất của tổ quốc.
Nơi đầu tiên Đoàn đến là xã Đăkrông – Huyện Đăkrông của tỉnh Quảng Trị. Đoàn đã thăm và tặng quà cho 20 phụ nữ nghèo tại 20 chi hội phụ nữ thuộc xã Đăkrông. Đó là những phần quà nhỏ bé nhưng mang nặng nghĩa tình của cán bộ trung ương Hội LHPN Việt Nam.
Đoàn đã vào viếng Thành cổ Quảng Trị, thả hoa trên dòng Thạch Hãn. Nghe thuyết minh về sự ác liệt của chiến trường Thành cổ xưa, sự dũng cảm của các chiến sĩ khi vượt qua dòng Thạch Hãn, mỗi người trong đoàn không khỏi bùi ngùi xúc động. Ngắm dòng sông hiền hòa bên Thành cổ, chúng tôi thả những nhành hoa trắng cầu khấn cho hương hồn các anh hùng liệt sĩ được an bình, siêu thoát.
Đoàn cũng tổ chức thăm mẹ Việt Nam anh hùng – Nguyễn Thị Thanh – 92 tuổi tại khu phố 2 – Phường 1, Thành phố Đông Hà – Quảng Trị. Chồng mẹ hi sinh trong kháng chiến chống Pháp khi mẹ mới 26 tuổi. Người con trai duy nhất của mẹ cũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mĩ khi mới 19 tuổi, khi đó mẹ 38 tuổi. Lấy chồng khi 20 tuổi, 26 tuổi mất chồng, 38 tuổi mất con, cuộc đời của mẹ dành trọn cho đất nước.
Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh Hòa thăm hỏi, động viên Mẹ Nguyễn Thị Thanh
Đến thị trấn Cam Lộ – Huyện Cam Lộ – tỉnh Quảng Trị, đoàn thăm và tặng quà cho gia đình chị Trần Thị Cúc, sinh năm 1957 (56 tuổi), tại khu phố 3, Thị trấn Cam Lộ – Huyện Cam Lộ – tỉnh Quảng Trị. Chị là con Liệt sĩ, không lấy chồng ở nhà nuôi mẹ già, chị xin một đứa con gái về nuôi. Cháu gái con chị là Trần Thị Phương Thảo bị chất độc màu da cam. Năm nay cháu đã 19 tuổi. Chị được UBND tỉnh Quảng Trị trao tặng căn nhà tình nghĩa. Khi đoàn chúng tôi vào thăm, cháu Phương Thảo nhận biết được cũng rất vui. Cảm ơn tình cảm của đoàn, chị Cúc rưng rưng xúc động. Đó là một chút nghĩa tình mà đoàn gửi đến chị để mong chị vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống hiện tại.
Trở ra tỉnh Quảng Bình, đoàn đã vào viếng nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn; thăm và tặng quà cho đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy (Đại đội C gái) – Quảng Bình. Đoàn cũng dành thời gian đến viếng khu tưởng niệm đường 20 Quyết Thắng, viếng hang Tám Cô. Nơi nào cũng để lại trong lòng những thành viên trong đoàn sự xúc động, ngưỡng mộ sự hy sinh cao cả, không tiếc máu xương của các thương binh, anh hùng liệt sĩ.
Đến Hà Tĩnh, đoàn viếng nghĩa trang Đồng Lộc – Hà Tĩnh, thắp hương cho 10 cô gái thanh niên xung phong đã trở thành huyền thoại. Đứng trước hương hồn 10 cô gái, cán bộ trong đoàn tự hứa là phải sống để xứng đáng với sự hy sinh anh dũng của các cô.
Về Nghệ An, Đoàn vào viếng khu di tích Truông Bồn – Nghệ An. Nơi đây 13 liệt sĩ đã hy sinh khi tuổi đời mới 18 đôi mươi, để thông đường cho những chuyến hàng ra tuyền tuyến. Những người anh hung nơi đây đã hy sinh trước 1 ngày ngừng bắn của Hiệp định Paris, khi đã có quyết định ra quân đi học nhưng với tâm niệm 1 ngày còn ở chiến trường là 1 ngày còn chiến đấu. Trước hương hồn các liệt sĩ ở ngôi mộ chung, chúng tôi vô cùng khâm phục sự hy sinh cao cả góp phần vào chiến thắng chung của dân tộc.
Trở về Hà Nội, mỗi người trong đoàn về nguồn đều mang nặng một cảm xúc chung về sự biết ơn, ngưỡng mộ và tự hào với thế hệ các mẹ, các chị, các anh hùng liệt sỹ. Đồng thời trong tâm hồn của riêng mỗi người chúng tôi đều cảm thấy chuyến đi này thật ý nghĩa. Thấm thía về sự hy sinh cao cả, đời đời nhớ ơn các thương binh, anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho sự thống nhất và toàn vẹn của đất nước, mỗi cán bộ, hội viên của Hội LHPN Việt Nam nguyện đóng góp nhiều hơn cho công cuộc xây dựng đất nước ngày nay.
Trần Hiền – TTBDCB