Với quan điểm quản lý năng động và hiệu quả, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã và đang hướng đến các giá trị cốt lõi: Đoàn kết, tận tâm, sáng tạo và hiệu quả. Học viện Phụ nữ Việt Nam có đội ngũ giảng viên đạt chuẩn; chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra của tất cả các ngành học được công bố rộng rãi, đảm bảo sự hội nhập và cạnh tranh. Cơ sở vật chất, công tác tổ chức đào tạo của Học viện ngày càng chuyên nghiệp; tạo điều kiện tối đa cho giảng viên và học viên không ngừng sáng tạo, đạt hiệu quả cao trong giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học. Năm 2016 là năm tuyển sinh thứ 4 của Học viện Phụ nữ Việt Nam. Cho đến cuối tháng 5 năm 2016, Học viện Phụ nữ Việt Nam có trên 1000 sinh viên hệ đại học chính quy.
Lễ khai giảng năm học 2014-2015 tại Học viện Phụ nữ Việt Nam
Năm học 2016-2017, Học viện tiếp tục tuyển sinh các ngành Công tác xã hội, Quản trị Kinh doanh, Luật, Giới và Phát triển. Ngày 25/6/2015 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 2181-QĐ-BGDĐT cho phép Học viện Phụ nữ Việt Nam đào tạo ngành Giới và Phát triển hệ đại học chính quy.
Như vậy, ngành Giới và Phát triển (Gender and Development Studies) lần đầu tiên được đào tạo ở Việt Nam, tại Học viện Phụ nữ Việt Nam. Tuy nhiên, ngành Giới và Phát triển đã phổ biến từ những năm 1970 của thế kỷ trước và được ưa chuộng ở nhiều quốc gia.
Theo thống kê không đầy đủ, trên thế giới hiện có hàng trăm trường đại học đào tạo chuyên ngành Giới ở bậc đại học, sau đại học. Tại các nước thuộc Hiệp hội quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), chuyên ngành Giới được đào tạo ở một số trường Đại học của Malaysia, Thái Lan, Philippines dưới nhiều hình thức, trong đó có đào tạo đại học và sau đại học.
Trong nhiều năm qua, các vấn đề giới và phát triển được quan tâm trên bình diện quốc gia lẫn quốc tế; đặc biệt là các vấn đề bình đẳng giới, nâng cao quyền năng phụ nữ, phát triển bền vững.
Bình đẳng giới đã trở thành giá trị toàn cầu, thu hút sự quan tâm của hàng trăm quốc gia trong đó có gần 200 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội – Bà Tôn Nữ Thị Ninh đã từng nói “Bình đẳng giới không đơn thuần là quyền lợi của chị em, mà chính là quyền lợi chung của một đất nước muốn phát triển bền vững.
Bởi nếu một đất nước chỉ sử dụng một nửa dân số, không phát huy được đầy đủ và tối đa năng lực của mọi người, mọi công dân bất kể nam hay nữ thì thật đáng tiếc…”.
Giới và Phát triển là ngành khoa học tiến bộ, tìm hiểu vai trò, trách nhiệm, vị trí xã hội của phụ nữ và nam giới, và mối liên quan tới sự phát triển của cá nhân, cộng đồng. Có thể nói, Giới và Phát triển hướng tới một xã hội công bằng, văn minh và phát triển toàn diện.
Đào tạo cử nhân chuyên ngành Giới ở Học viện Phụ nữ Việt Nam chính là phát huy thế mạnh đặc thù của Học viện và Hội LHPN Việt Nam trong đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và tiến bộ phụ nữ.
Sinh viên Khoa Giới & PT tham gia hội thảo về Giới
Học viện Phụ nữ Việt Nam có đội ngũ giảng viên cơ hữu là tiến sĩ, thạc sĩ chuyên ngành giới, được đào tạo bài bản từ nước ngoài, có trình độ chuyên môn và ngoại ngữ tốt; giảng viên thỉnh giảng là các giáo sư, phó giáo sư có kinh nghiệm đào tạo, nghiên cứu chuyên sâu về giới.
Ngày 14/12/2015, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Học viện Phụ nữ Việt Nam với Cơ quan của Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ UN WOMEN. Sự kiện quan trọng này đánh dấu bước hợp tác chặt chẽ giữa học viện và UN WOMEN trong vấn đề “Xây dựng tài liệu về Giới và An sinh xã hội cho sinh viên hệ cử nhân của Học viện Phụ nữ Việt Nam và cán bộ Hội LHPN Việt Nam cấp cơ sở”.
Ngoài ra, Học viện Phụ nữ Việt Nam có định hướng liên kết đào tạo sau đại học với Học viện Xã hội học Hà Lan (ISS), Đại học KHXH và Nhân văn (ĐH Quốc gia) – là những cơ sở đào tạo uy tín trong và ngoài nước.
Với thời gian đào tạo 4 năm, ngoài các kiến thức giáo dục đại cương, ngành Giới và Phát triển cung cấp cho sinh viên các kiến thức cơ bản về giới, về mối quan hệ liên ngành giữa giới với các lĩnh vực trong đời sống.
Về kỹ năng, cung cấp cho sinh viên một số kỹ năng cơ bản như kỹ năng tư duy, phát hiện vấn đề có nhạy cảm giới, kỹ năng phân tích, lồng ghép giới, kỹ năng tư vấn giới cho các chương trình, dự án phát triển, kỹ năng tham mưu, đề xuất chính sách, kỹ năng phản biện xã hội. v.v.
Sinh viên ngành Giới & PT tọa đàm với Giảng viên Học viện Công nghệ Châu Á – AIT
Trước thực trạng thiếu hụt nguồn nhân lực được đào tạo bài bản về giới và các kiến thức phát triển, cử nhân ngành Giới và Phát triển sau khi tốt nghiệp có nhiều cơ hội việc làm.
Trước hết, cử nhân Giới và Phát triển có thể làm cán bộ, chuyên viên trong các tổ chức chính trị xã hội, đặc biệt là các cấp Hội LHPN Việt Nam, các cơ quan, ban ngành từ Trung Ương đến địa phương; cán bộ, chuyên viên trong các tổ chức chính phủ, phi chính phủ.
Cử nhân chuyên ngành Giới và Phát triển cũng phù hợp với các công việc liên quan đến cộng đồng, phát triển con người, phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, sức khỏe; làm giảng viên, nghiên cứu viên trong các nhà trường, học viện.
Ngoài ra, có thể làm tư vấn giới, tư vấn xã hội cho các chương trình, dự án phát triển – đây là một nghề thú vị và có thu nhập rất cao trên thị trường lao động hiện nay.
Hy vọng các em sẽ phát huy được kiến thức và niềm đam mê của mình, cùng với sinh viên các chuyên ngành khác, tạo nên đội ngũ sinh viên trí thức của Học viện Phụ nữ Việt Nam năng động, sáng tạo và tự tin; góp phần xây dựng đất nước giàu đẹp hơn trong tương lai; đặc biệt là thúc đẩy sự phát triển bình đẳng và toàn diện của các cá nhân, gia đình và xã hội.
Năm học 2015 – 2016, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã tuyển sinh được 80 sinh viên ngành Giới & Phát triển. Được sự cho phép của Bộ GD & ĐT, năm học 2016 – 2017, học viện tiếp tục tuyển sinh 100 chỉ tiêu cho ngành theo hình thức xét tuyển tổ hợp các khối thi tốt nghiệp PTTH A, A1, D, C.
Các thí sinh, phụ huynh quan tâm đến ngành Giới và Phát triển của Học viện Phụ nữ Việt Nam, có thể liên lạc qua địa chỉ:
Khoa Giới & Phát triển:
Điện thoại: 04.38355243
Email: gioivapt_gad@vwa.edu.vn
Hoặc thông tin chung về Tuyển sinh:
Phòng Đào tạo:
Điện thoại: (043) 775 1750
Email: tuyensinh@vwa.edu.vn;