1. Phụ nữ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp

Trong thời gian gần đây, phụ nữ tham gia hoạt động kinh doanh có xu hướng tăng lên. Ở Việt Nam, theo số liệu của Tổng cục thống kê năm 2013, số doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ chiếm 25% các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động tại Việt Nam. Đội ngũ doanh nhân nữ ngày một khẳng định được các vai trò quan trọng như vai trò kinh tế, vai trò xã hội và vai trò chính trị đối với sự phát triển của đất nước. Sự tham gia của phụ nữ trong các doanh nghiệp không chỉ góp phần gia tăng doanh thu mà còn tăng cường việc giám sát quản trị, đặc biệt khi họ hiện diện trong hội đồng quản trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng nhìn thấy khoảng cách giới trong lĩnh vực này. So với nam giới, các doanh nghiệp do nữ làm chủ có quy mô nhỏ hơn, thường là vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Phụ nữ làm chủ doanh nghiệp lớn chỉ chiếm 13,6%. Phần lớn các công ty của doanh nhân nữ là công ty cổ phần, trách nhiệm hữu hạn hoặc doanh nghiệp gia đình. Lĩnh vực kinh doanh của phụ nữ thường tập trung vào dịch vụ như: Dịch vụ lưu trú, ăn uống, bán buôn và bán lẻ…Trong các doanh nghiệp lớn, phụ nữ ít làm lãnh đạo mà đảm nhận vai trò kế toán nhiều hơn. Bên cạnh đó, tỷ lệ phụ nữ tham gia hội đồng quản trị của doanh nghiệp khá thấp. Theo số liệu năm 2011, 51% các doanh nghiệp được khảo sát (tương ứng 239/472 doanh nghiệp) có ít nhất một thành viên nữ trong hội đồng quản trị, có ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính doanh nghiệp (Nguyễn Văn Tuấn, 2017)[1]. Thu nhập của cá nhân và của doanh nghiệp do nữ làm chủ thấp hơn nam giới (Nguyễn Hoàng Ánh & Hoàng Bảo Trâm, 2017)[2].

Bên cạnh việc chỉ ra thực trạng trên, các bài viết hội thảo khá đã bàn luận về các yếu tố ảnh hưởng đến việc tham gia hoạt động kinh doanh của phụ nữ, bao gồm: yếu tố cá nhân, yếu tố tổ chức, yếu tố kinh tế, yếu tố xã hội, yếu tố pháp lý. Các tác giả đã chỉ ra một số rào cản của doanh nhân nữ dựa trên những yếu tố này, trong đó nổi bật là yếu tố kinh tế, pháp lý và xã hội. Về mặt pháp lý, nước ta đã có nhiều văn bản luật tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển kinh tế nói chung và hoạt động kinh doanh nói riêng, ví dụ: Luật Doanh nghiệp năm 2014; Quyết định số 844/QĐ-TTg, ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”; Quyết định số 939/QĐ-TTg, ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025”, Luật hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ… Tuy nhiên, một số văn bản còn trung tính giới, chưa giúp giải quyết các vấn đề giới nảy sinh trên thực tế. Chẳng hạn, Luật Doanh nghiệp 2014 chưa có định nghĩa doanh nghiệp nữ và các ưu tiên với loại hình doanh nghiệp này; chưa có quy định về tỷ lệ lãnh đạo nữ trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thực thi các quy định của pháp luật vẫn là vấn đề cần phải quan tâm nhiều hơn để mang lại lợi ích cho phụ nữ. Về yếu tố xã hội, doanh nhân nữ chịu ảnh hưởng bởi các khuôn mẫu giới, vai trò giới phổ biến mà xã hội gán cho. Nhiều phụ nữ kinh doanh không được gia đình ủng hộ. Bởi lẽ, kinh doanh vốn được coi là phù hợp với nam giới hơn nữ. Phụ nữ cũng thiệt thòi hơn trong việc tạo dựng các mạng lưới xã hội để phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Do có quy mô nhỏ, phụ nữ không phải là thành viên của các tổ chức nghề nghiệp do đó khó tiếp cận các thông tin về đầu tư, thị trường. Mặt khác, họ cũng hạn chế tham gia mạng lưới một cách thường xuyên bởi vì nó thường diễn ra sau giờ làm việc. Vào thời gian này, phụ nữ phải trở về nhà để đảm nhận vai trò nội trợ và chăm sóc con cái, người thân. Vì vậy, phụ nữ ít cơ hội tiếp xúc với những người mang lợi ích cho việc kinh doanh, chẳng hạn: các nhà hoạch định chính sách hay đại diện cho cơ quan hoạch định chính sách. Về yếu tố kinh tế, phụ nữ gặp khó khăn khi tiếp cận với các nguồn lực như tài chính, tín dụng, công nghệ thông tin. Nhiều chị em thiếu tài sản thế chấp hoặc cùng đứng tên với chồng trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng một số ngân hàng thích làm việc với nam giới hơn phụ nữ. Về yếu tố cá nhân, nhân cách, lối sống, kinh nghiệm, sự kiên trì, chấp nhận rủi ro, động lực cao cũng có ảnh hưởng đến dự định khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và sự thành công của doanh nghiệp do nữ làm chủ. Các gợi ý về mặt chính sách mà các tác giả đưa ra nhằm khuyến khích, hỗ trợ doanh nhân nữ vươn lên, vượt qua các rào cản để đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển xã hội. Một số các khuyến nghị đáng chú ý là: Lồng ghép giới trong các chính sách kinh tế, doanh nghiệp; Chính sách để nữ giới có thời gian làm việc liên tục vì lao động nữ thường kết hôn, sinh con và nghỉ thai sản; Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nữ tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn; Đào tạo doanh nghiệp về các kỹ năng mềm, đào tạo tại chỗ và kinh nghiệm thực tiễn; Chính sách chia sẻ việc nhà (chăm sóc trẻ em, chăm sóc gia đình) giữa nam và nữ, cơ sở hạ tầng cho dịch vụ chăm sóc trẻ em, mẫu giáo.

2. Giới và việc làm trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0

Vấn đề việc làm nói chung và việc làm bền vững nói riêng của phụ nữ đã nhận được sự quan tâm của nhiều học giả. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, việc làm bền vững cho phụ nữ càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Ở Việt Nam, số lượng lao động của nữ và nam có việc làm hàng năm có xu hướng tăng nhưng số lượng nữ có việc làm luôn thấp hơn nam giới. Nữ giới chiếm tỷ trọng cao ở những nghề không đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật, các công việc không ổn định, dễ bị tổn thương hơn nhiều so với nam. Mặc dù thời gian gần đây, nữ có xu hướng thất nghiệp ít hơn nam nhưng nữ chấp nhận làm những công việc phi chính thức, lương thấp, trình độ chuyên môn thấp. Đáng chú ý, nữ thanh niên thất nghiệp nhiều hơn phản ánh khởi nghiệp của nữ thấp hơn nam. Khoảng cách tiền lương giữa nam và nữ dường như được thu hẹp nhưng lương của nam giới vẫn cao hơn của phụ nữ. Thực tế cho thấy, phụ nữ gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận việc làm. Theo Nguyễn Đức Hữu (2017), trong nhiều gia đình, nếu công việc của người vợ có mức lương thấp, họ chọn nghỉ ở nhà để chăm sóc gia đình để không phải thuê người giúp việc, ưu tiên người chồng ra ngoài kiếm sống[3]. Mặc dù đóng góp nhiều công sức và thời gian, nhưng phụ nữ không được thừa nhận các giá trị kinh tế mà họ mang lại cho gia đình, xã hội. Ngoài ra, phụ nữ thường tham gia tích cực vào một số công việc không được trả công như: doanh nghiệp gia đình, hoạt động nông nghiệp tự cung, tự cấp … Ngay cả khi có việc làm, phụ nữ cũng phải đối mặt với nhiều rào cản tại nơi làm việc như: kỳ thị xã hội, đánh giá và phân biệt đối xử, quấy rối tình dục, bạo lực và các hành vi thù địch khác.

Vấn đề việc làm của phụ nữ lao động ở nước ngoài cũng nhận được sự quan tâm của các đại biểu hội thảo. Theo thống kê, số lượng nữ lao động ở nước ngoài theo hợp đồng chiếm 33,32% năm 2015, số lao động có xu hướng tăng (Nguyễn Khắc Tuấn, 2017)[4]. Tuy nhiên, không có số liệu về phụ nữ đi lao động nước ngoài theo con đường phi chính thức. Chất lượng việc làm của họ chứa đựng nhiều vấn đề cần bàn luận như: Thường làm việc trong các nhà máy, nông nghiệp, dịch vụ và giúp việc gia đình. Phụ nữ có tay nghề thấp, không có chuyên môn kỹ thuật, không biết tiếng địa phương nên làm công việc thu nhập thấp, nguy hiểm, bẩn thỉu, những việc người dân bản địa không muốn làm. Vị thế pháp lý của phụ nữ ở nước bạn là không có vì không đi theo con đường chính thức mà thường không hợp đồng, không có giấy tờ nên họ không được bảo vệ khi ở nước ngoài. Nhiều trường hợp bị phân biệt đối xử trong lao động như bị khám xét, bị hạn chế đi lại, bị thu hộ chiếu, ăn ở nghèo nàn, tồi tệ, làm nhiều giờ, bị quỵt lương, bị lạm dụng, bạo lực…

Bên cạnh đó, các nhà khoa học còn chú ý tới những cơ hội, thách thức từ cách mạng công nghiệp 4.0 đối với việc làm của phụ nữ. Về cơ hội, phụ nữ có cơ hội giảm gánh nặng việc nhà nhờ sự hỗ trợ của công nghệ tự động và sự chia sẻ việc nhà của nam giới. Nhờ đó, họ có nhiều thời gian tham gia vào nền kinh tế chính thức và tiếp cận việc làm tốt, mức lương cao, có nhiều cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp. Tuy nhiên, phụ nữ phải đối mặt với khác nhiều thách thức, nổi bật là nguy cơ mất việc làm do trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp. Phụ nữ là lực lượng lao động chiếm ưu thế trong một số ngành như hành chính, văn phòng, sản xuất, chế tạo… Dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, nhân lực của những ngành này có khả năng bị thay thế bởi trí tuệ nhân tạo. Trong đó, ngành dệt may và da giày là hai ngành có tỷ lệ lao động nữ đông ở Việt Nam (tỷ trọng nữ là 76,06% lao động của hai ngành). Những ngành ngày được đầu tư công nghệ mới thay thế lao động kỹ năng thấp hoặc các nước công nghiệp có khả năng đưa sản xuất dệt may – da giày, điện tử về nước sở tại để sản xuất. Do đó, lao động nữ có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp dễ có nguy cơ bị mất việc làm trong ngành công nghiệp này. Theo dự báo, 86% và 75% lao động tương ứng trong các ngành có thể có nguy cơ mất việc nếu không có các chính sách phù hợp và kịp thời. Ngược lại, một số ngành như kiến trúc, toán, tin, kỹ thuật bổ sung việc làm mới vốn là các ngành nam giới có ưu thế. Do đó, nữ mất việc làm nhiều hơn nam. Cứ 3 việc làm nam giới tham gia nhiều bị mất thì được tạo ra 1 việc làm trong khi đó ở nữ con số này là 5:1 (nghĩa là cứ 5 việc làm mất đi mới tạo ra 1 việc làm mới). Phụ nữ chủ yếu làm việc ở các ngành kỹ thuật bậc trung và thấp nên mức lương và điều kiện làm việc kém hơn nam giới. Ở hầu hết các ngành, phụ nữ chiếm 33% tổng số nhân viên có trình độ thấp; 24% trong tổng số nhân viên có trình độ CMKT bậc trung, 15% trong tổng số nhân viên có trình độ cao và 9% tổng số CEOs hiện có. Các nghiên cứu đã đưa ra một số hàm ý chính sách góp phần tạo ra việc làm bền vững cho phụ nữ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 như: Tạo điều kiện cho phu nữ tham gia đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng qua các chương trình thúc đẩy đào tạo và cố vấn thực hành; Có chính sách và cam kết tăng cường tính đa dạng giới trong môi trường làm việc, giữa các ngành nghề và loại hình công việc, đặc biệt là ở những vị trí cao (vị trí lãnh đạo); Chính sách hỗ trợ phụ nữ cân bằng công việc và cuộc sống cá nhân của lao động nam và nữ ví dụ: Giờ làm việc linh hoạt, nơi làm việc linh hoạt; Lồng ghép giới vào quá trình triển khai thực hiện các chính sách lao động xã hội có liên quan đến lao động việc làm…

3. Trao quyền kinh tế cho phụ nữ

Các đại biểu hội thảo đều thống nhất khẳng định trao quyền cho phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế có vai trò quan trọng góp phần đạt được bình đẳng giới. Trao quyền kinh tế giúp tăng khả năng tiếp cận của phụ nữ đến các nguồn lực kinh tế và cơ hội như việc làm, dịch vụ tài chính, tài sản và các nguồn lực sản xuất khác, phát triển kỹ năng và thông tin thị trường (OECD, 2011). Về mặt khái niệm, có sự tranh luận về việc sử dụng khái niệm “trao quyền” hay “tăng quyền năng” kinh tế cho phụ nữ. Những người ủng hộ sử dụng khái niệm “tăng quyền năng” cho rằng các quyền của phụ nữ vốn sẵn có nên chỉ cần giúp họ nâng cao việc sử dụng các quyền đó. Sử dụng “trao quyền” dễ dẫn đến sự hiểu lầm, định kiên coi phụ nữ như đối tượng yếu thế. Tuy nhiên, cũng có đại biểu nhất trí với khái niệm “trao quyền” vì “tăng quyền năng” chỉ có thể thực hiện được trên cơ sở họ đã nắm giữ các quyền này. Trong khi đó, quan sát trên thực tế không thấy rõ điều này. Trong vấn đề trao quyền/tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ, lao động việc làm được nhiều người coi là yếu tố then chốt. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên vấn đề lao động, việc làm của phụ nữ còn tồn tại nhiều hạn chế về khả năng tiếp cận việc làm, khoảng cách giới trong vị thế việc làm, tiền lương… Bên cạnh đó, một số rào cản đối với việc trao quyền/tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ cũng được chỉ ra. Trước hết, trình độ và kỹ năng nghề nghiệp của phụ nữ còn thấp. Do vậy, nhiều phụ nữ không đủ điều kiện và khả năng để tìm kiếm được việc làm đòi hỏi trình độ chuyên môn kỹ thuật cao. Bên cạnh đó, mặc dù có nhu cầu vay vốn cao nhưng phụ nữ gặp khó khăn khi vay vốn ở các ngân hàng và các quỹ tín dụng. Điều đó hạn chế cơ hội phát triển kinh tế của họ. Một rào cản khá lớn trong việc trao quyền/tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ là sự tồn tại của định kiến giới. Phụ nữ bị “trói chân” trong các hoạt động ở phạm vi gia đình. Họ vẫn là người chịu trách nhiệm chính trong công việc chăm sóc gia đình và nuôi dạy con cái. Mặt khác, hệ thống chính sách chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế của phụ nữ. Chẳng hạn, quy định về tuổi nghỉ hưu, danh mục cấm sừ dụng lao động nữ trong một số ngành nghề đã hạn chế cơ hội tiếp cận việc làm của nhiều phụ nữ. Hơn nữa, luật pháp mới áp dụng với khu vực chính thức trong khi tỉ lệ phụ nữ trong khu vực phi chính thức nhiều chịu nhiều thiệt thòi, không đảm bảo điều kiện lao động. Từ các vấn đề đặt ra cho việc trao quyền/tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ, các tác giả đã đưa ra một số khuyến nghị như sau. Trước hết, nâng cao nhận thức xã hội về vai trò, tiềm năng của phụ nữ; Lồng ghép giới trong chính sách về lao động việc làm; Sửa đổi chính sách gây bất lợi cho phụ nữ; Tuyên truyền xóa bỏ định kiến giới trong lĩnh vực việc làm; Biện pháp hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp.

Như vậy, mặc dù nội dung các bài viết và thảo luận chưa bao phủ hết các vấn đề trong chủ đề “Giới trong phát triển kinh tế bền vững” nhưng đã cho thấy phụ nữ ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh và phát triển kinh tế; tuy phải đối mặt với nhiều rào cản, khó khăn nhưng họ vẫn muốn khẳng định mình trong lĩnh vực kinh tế, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Hội thảo đã mở ra cơ hội cho những diễn đàn khoa học về phụ nữ và bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế của Học viện trong thời gian tới.


[1] Nguyễn Văn Tuấn. (2017). Từ rào cản vô hình đối với nữ giới đến sự đa dạng giới trong hội đồng quản trị doanh nghiệp: Các luận chứng khoa học cho quá trình thảo luận chính sách. Hội thảo khoa học quốc gia Giới trong phát triển kinh tế bền vững do Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức vào ngày 23 tháng 11 năm 2017.

[2] Nguyễn Hoàng Ánh, Hoàng Bảo Trâm. (2017). Những gợi ý chính sách cải thiện môi trường kinh doanh nhằm khuyến khích tinh thần khởi nghiệp của nữ doanh nhân. Hội thảo khoa học quốc gia Giới trong phát triển kinh tế bền vững do Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức vào ngày 23 tháng 11 năm 2017.

[3] Nguyễn Đức Hữu. (2017). Chính sách việc làm đối với lao động không được trả công ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương – Tiếp cận từ góc độ giới. Hội thảo khoa học quốc gia Giới trong phát triển kinh tế bền vững do Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức vào ngày 23 tháng 11 năm 2017.

[4] Nguyễn Khắc Tuấn. (2017). Một số vấn đề bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động việc làm giai đoạn 2010 – 2016. Hội thảo khoa học quốc gia Giới trong phát triển kinh tế bền vững do Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức vào ngày 23 tháng 11 năm 2017.