Trong 3 năm tham gia xét giải thưởng, sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam đều đạt giải. Đặc biệt, trong 2 năm 2019 và 2020 Khoa Giới và Phát triển đều có sinh viên đạt giải của cuộc thi.
Với mục đích tạo ra phong trào nghiên cứu khoa học mạnh mẽ, rộng rãi trong sinh viên, giải thưởng ‘Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2020’ đã thu hút 461 đề tài của 103 học viện, trường đại học trong toàn quốc đăng ký tham gia giải thưởng tại 6 lĩnh vực khoa học công nghệ: khoa học tự nhiên (66 đề tài), khoa học kỹ thuật công nghệ (114 đề tài), khoa học y dược (32 đề tài), khoa học nông nghiệp (22 đề tài), khoa học xã hội (198 đề tài), khoa học nhân văn (29 đề tài) .Vòng chung khảo của Giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” 2020 có 75 đề tài thuộc các lĩnh vực: Khoa học Tự nhiên, Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ, Khoa học Y Dược, Khoa học Nông nghiệp, Khoa học Xã hội và Khoa học Nhân văn.
Đề tài do sinh viên H’ Grêi Niê, Nguyễn Thị Ngân và Lê Thị Thanh lớp K6 Giới & Phát triển thực hiện với sự hướng dẫn của Ths. Nguyễn Phương Chi, Giảng viên khoa Giới và phát triển. Đây là 1 trong 8 đề tài tham gia hoạt động Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2020 của Học viện Phụ nữ Việt Nam. Xuất sắc vượt qua các đề tài khác, đề tài “Thực trạng phân công lao động theo giới trong gia đình của người dân tộc Ê-đê tại xã CưM’ta – huyện M’Đrăk – tỉnh Đăk Lăk” đã giành giải Nhất Học viện và đạt giải Ba khi xét giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2020” toàn quốc.
TS. Dương Kim Anh trao giải cho đại diện các nhóm nghiên cứu khoa học SV năm 2020
Đề tài “Thực trạng phân công lao động theo giới trong gia đình của người dân tộc Ê-đê tại xã CưM’ta – huyện M’Đrăk – tỉnh Đăk Lăk” có nhiều đóng góp cho cơ sở lý luận về giới trong các nghiên cứu liên quan đến phân công lao động của người dân tộc thiểu số, cụ thể là người Ê-đê trong bối cảnh xã hội mẫu quyền nhưng mang mang đặc điểm nam quyền.
Nghiên cứu này xuất phát từ trải nghiệm cũng như cuộc sống của H’Grêi Niê, nữ sinh viên K6 Giới & phát triển người dân tộc Ê-đê. Trong quá trình nghiên cứu, H’Grêi Niê gặp rất nhiều khó khăn và thử thách do bối cảnh dịch bệnh COVID19, tuy nhiên nghiên cứu này thể hiện một sự đồng cảm rất lớn đối với cuộc sống người phụ nữ Ê-để ở xã CưM’ta nói riêng và phụ nữ Ê-đê nói chung. H’Grêi Niê cùng nhóm nghiên cứu đã dành nhiều thời gian phỏng vấn, trò chuyện và quan sát phân công lao động giữa vợ và chồng trong các gia đình người Ê-đê. Nghiên cứu cũng là tiếng nói của H’Grêi Niê, với tư cách là một phụ nữ người Ê-đê khao khát phá bỏ các khuôn mẫu gắn liền cuộc sống phụ nữ trong gia đình, mong muốn được phát triển bản thân, trở nên tự tin mạnh mẽ và đóng góp năng lực của mình vào sự phát triển của xã hội.
Sau thời gian thực hiện và hoàn thiện nghiên cứu từ tháng 1/2019 đến tháng 4/2020, kết quả nghiên cứu đã chỉ ra những khác biệt căn bản của phân công lao động theo giới trong xã hội mẫu hệ – nơi mà xã hội tin rằng phụ nữ và nam giới được bình đẳng. Nghiên cứu đã chỉ ra những đặc điểm phụ hệ trong xã hội mẫu hệ khi nam giới là người đứng sau điều hành quản lý và ra quyết định và có uy tín rất lớn trong công việc sản xuất gia đình tới công việc chính trị trong cộng đồng. Khi đóng vai trò sản xuất chính trong gia đình, năng lực, kinh nghiệm và trải nghiệm của nam giới dần tạo nên uy tín lớn trong gia đình và xã hội .
Nghiên cứu phân tích chi tiết vai trò của nam và nữ trong xã hội mẫu hệ cân nhắc yếu tố văn hoá, truyền thống, luật tục. Đặc biệt, dữ liệu định tính của nghiên cứu được thực hiện bởi ngôn ngữ Ê-đê. Nghiên cứu sẽ là nguồn dữ liệu ban đầu thúc đẩy các nghiên cứu sâu hơn về giới trong cộng đồng Ê-đê, để từ đó phát hiện các vấn đề giới cấp thiết nhằm bổ sung chương trình, chính sách và dự án can thiệp về giới và có lồng ghép giới cho cộng đồng này. Để làm được điều này, các nghiên cứu về giới – các căn cứ lý luận thực tiễn tại các dân tộc mẫu hệ cần được phát triển sâu hơn và rộng hơn. Kết quả nghiên cứu về thực trạng phân công lao động theo giới trong gia đình của người dân tộc Ê-đê tại xã CưM’ta đã góp một bước tiến nhỏ trong cả tiến trình đó.
Ba thành viên của nhóm nghiên cứu đề tài: Thực trạng phân công lao động theo giới trong gia đình của người dân tộc Ê-đê tại xã CưM’ta – huyện M’Đrăk – tỉnh Đăk Lăk
Chúc mừng nhóm nghiên cứu đề tài “Thực trạng phân công lao động theo giới trong gia đình của người dân tộc Ê-đê tại xã CưM’ta – huyện M’Đrăk – tỉnh Đăk Lăk”. Thành quả của giảng viên và sinh viên khoa Giới sẽ là động lực để thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên Học viện. Đây không chỉ là niềm vui của nhóm nghiên cứu mà còn là niềm vui chung của Học viện Phụ nữ Việt Nam. Chúc các bạn sinh viên ngày càng có nhiều nghiên cứu thiết thực, ý nghĩa và được vận dụng vào các chương trình thực tế.