Đây là một trong những hoạt động thường niên thuộc khuôn khổ hợp tác giữa KIGEPE và Học viện nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên của Học viện; nắm bắt và cập nhật các chủ đề quan trọng về bình đẳng giới cũng như áp dụng kiến thức mới trong quá trình dạy học và nghiên cứu.
Tại buổi khai mạc khoá học, TS. Cho Haelim, Giám đốc Trung tâm Giao lưu Hợp tác Quốc tế – Viện KIGEPE và TS. Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện đã có bài phát biểu chào mừng các học viên, giảng viên, giới thiệu về khoá học và những đánh giá cao về mối quan hệ hợp tác gần 13 năm giữa hai tổ chức.
Bà Cho Haelim (Helen), Giám đốc Trung tâm Giao lưu Hợp tác Viện Thúc đẩy Bình đẳng giới KIGEPE và bà Dương Kim Anh, Phó Giám đốc
Học viện Phụ nữ Việt Nam
Sau phần khai mạc, đại diện hai bên là TS. Cho Haelim và TS. Trần Thị Thu Hiền, Phó Khoa Giới và Phát triển của Học viện đã có bài diễn thuyết về hiện trạng các vấn đề về bình đẳng giới và phụ nữ cũng như các báo cáo phân tích về giới của Hàn Quốc và Việt Nam.
Bà Cho Haelim trình bày về Hiện trạng và Các vấn đề về Giới ở Hàn Quốc
TS.Trần Thị Thu Hiền, Phó Khoa Giới và Phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam giới thiệu về Học viện và các số liệu của Việt Nam
liên quan đến bình đẳng giới
Sau hai bài trình bày, giảng viên của Viện KIGEPE và các cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên của Học viện đã cùng nhau thảo luận sôi nổi xoay quanh các nội dung về phân biệt đối xử tại Hàn Quốc cũng như một nước phát triển và xung đột giới ở Hàn Quốc ở độ tuổi 20.
Vào chiều cùng ngày, bà Eom Eunhui, Nghiên cứu viên cao cấp, Trung tâm Châu Á – Đại học Quốc gia Seoul đã có bài chia sẻ về “Biến đổi khí hậu và Giới ở khu vực sông Mekong”, bài thuyết trình cũng bàn luận sâu về nhận thức của cộng đồng trong ứng phó với biến đổi khí hậu; các công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và lồng ghép giới; biến đổi khí hậu trong khu vực Mekong và các dự án hợp tác phát triển giữa Hàn Quốc và khu vực Mekong liên quan đến biến đổi khí hậu và giới.
Bà Eom Eunhui, Nghiên cứu viên cao cấp, Trung tâm Châu Á – Đại học Quốc gia Seoul trình bày về “Biến đổi khí hậu và Giới ở khu vực sông Mekong”
Ngày tập huấn thứ hai về vấn đề “Sức khỏe Tình dục và Sinh sản” được bà Kim Saerom, Giám đốc, Viện Sức khỏe Nhân dân đưa ra, tập trung vào các quyền và chính sách quốc gia về sức khỏe của người phụ nữ. Bà cũng đề cập về thực trạng vấn đề ở Hàn Quốc cũng như xu hướng toàn cầu về vấn đề sức khỏe của phụ nữ.
Bà Kim Saerom, Giám đốc, Viện Sức khỏe Nhân dân chia sẻ về “Sức khỏe Tình dục và Sinh sản: Đặt phụ nữ làm trọng tâm”
Bà Kim cũng thảo luận với học viên về dịch vụ y tế toàn diện ở Việt Nam dành cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ đang mang thai; phá thai ở Việt Nam và Hàn Quốc; vấn đề thiếu hụt phụ nữ trên thế giới; chính sách và vấn đề nữ quyền, thực trạng gia trưởng tại hai quốc gia… Qua bài trình bày của bà Kim Saerom, các cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên của Học viện đã cái nhìn rõ nét hơn về vấn đề sức khỏe của phụ nữ nói chung và sức khỏe tình dục, sinh sản của phụ nữ nói riêng. Cũng trong buổi chia sẻ này, học viên cũng cung cấp thông tin giúp các chuyên gia, cán bộ Hàn Quốc có cái nhìn sâu hơn về dịch vụ y tế dành cho phụ nữ ở Việt Nam.
Buổi chiều cùng ngày, bà Lim Soyeon, Giáo sư, Đại học nữ Sookmyung đã trình bày về các khoảng cách giới trong kỹ thuật số; vấn đề công nghệ thông tin truyền thông và trao quyền cho phụ nữ: vấn đề quá ít/nhiều phụ nữ trong lĩnh vực công nghệ thông tin hay vấn đề phụ nữ có sợ công nghệ hay không. Bà Lim đã đặt ra các câu hỏi thảo luận về yếu tố ảnh hưởng đến khoảng cách giới tới kỹ thuật số, thảo luận sâu về nhiều vấn đề xoay quanh khoảng cách giới trong STEM nói riêng và công nghệ thông tin và truyền thông nói chung…
“Công nghệ Thông tin & Truyền thông, Khoảng cách Giới và Trao quyền cho Phụ nữ” – bà Lim Soyeon, Giáo sư, Đại học nữ Sookmyung trình bày
Bài chia sẻ cuối cùng về “Tìm hiểu các quy tắc và chuẩn mực quốc tế, đặc biệt chú trọng đến Công ước CEDAW vì sự tiến bộ của bình đẳng giới” được bà Jang Eunha, Giám đốc, Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc. Bà Jang đã chia sẻ về lịch sử phát triển chương trình nghị sự về giới ở Liên hợp quốc, đặc biệt tập trung vào Công ước về xóa bỏ phân biệt đối xử với phụ nữ; xây dựng Chương trình nghị sự của Phụ nữ tại Liên hợp quốc; và Công ước về xóa bỏ phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW).
Bà Jang Eunha, Giám đốc, Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc – “Tìm hiểu các quy tắc và chuẩn mực quốc tế, đặc biệt chú trọng đến Công ước CEDAW vì sự tiến bộ của bình đẳng giới”
Không khí đầy hứng khởi của khóa tập huấn
Kết thúc khóa tập huấn, từng học viên đã chia sẻ về kế hoạch hành động cũng như rút được những bài học quý báu từ chương trình như: giáo dục về bình đẳng giới từ ngay chính trong gia đình; lồng ghép bình đẳng giới và quá trình dạy học và trong đời sống; đưa những thông tin tiếp cận được từ lớp tập huấn này vào bài giảng cho sinh viên và hiểu được tầm quan trọng của việc thường xuyên nâng cao kiến thức về bình đẳng giới. Chương trình tập huấn cũng đã gợi mở một số chủ đề mà các học viên rất hứng thú, quan tâm như giới với góc nhìn khoa học thần kinh hay nhóm phụ nữ khuyết tật và dân tộc thiểu số.