Khung cam kết thực hiện SDGs được chia thành 5 nhóm về con người (từ mục tiêu 1 đến 6 chấm dứt đói nghèo, phát huy tiềm năng, nhân phẩm và tăng cường bình đẳng giới); thịnh vượng (từ mục tiêu 7 đến 11 đảm bảo cuộc sống của mọi người ấm no, thịnh vượng); hành tinh (từ mục tiêu 12 đến 15 bảo vệ hành tinh khỏi sự suy thoái, chống biến đổi khí hậu; thúc đẩy tiêu dùng, sản xuất bền vững); hòa bình (mục tiêu 16 xây dựng xã hội bình đẳng, công bằng, không có bạo lực) và đối tác (mục tiêu 17 tình đoàn kết quốc tế, đoàn kết con người)
Việt Nam đạt nhiều thành công trong việc thực hiện MDGs, trong đó có nhiều điểm sáng được Liên Hợp Quốc và các quốc gia đánh giá cao. Trên cơ sở SDGs, Việt Nam đã ban hành Nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững (năm 2020); 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch hành động quốc gia và lộ trình thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (năm 2017 và 2019), 01 Thông tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam (năm 2019)
Khung cam kết thực hiện SDGs của Việt Nam (VSDGs) được chia thành 04 nhóm về đầu tư vào con người (từ mục tiêu 1 đến 6 cung cấp các dịch vụ và bảo trợ xã hội có chất lượng, công bằng, bao trùm và toàn diện cho những người sống ở Việt Nam để đảm bảo sức khỏe, giáo dục, thoát nghèo và trao quyền để họ phát huy đầy đủ tiềm năng); đảm bảo khả năng thích ứng với khí hậu và môi trường bền vững (mục tiêu 2, 5, 6, 7, 9, 11 đến 15 đáp ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai, cũng như quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên và môi trường); thịnh vượng và hợp tác (mục tiêu 5, 8, 10, 12, 17 chuyển sang mô hình tăng trưởng toàn diện, bền vững và năng suất, tạo ra một thị trường lao động công bằng hơn, hiệu quả hơn và toàn diện, đảm bảo công việc và cơ hội tốt cho tất cả mọi người); thúc đẩy công lý, hòa bình và quản trị toàn diện (mục tiêu 5, 10, 16 tăng cường quản trị và tuân thủ các quy định của pháp luật, đảm bảo tôn trọng và bảo vệ quyền con người và tự do khỏi phân biệt đối xử, và hướng tới một xã hội công b��ng hơn và toàn diện hơn)
Với khung cam kết này, VSDGs xác định mục tiêu 5 “Đạt được bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái” xuyên xuốt trong cả 4 nhóm hành động thực hiện SDGs. Đây là cách tiếp cận lồng ghép giới dựa trên những điểm tương đồng và khác biệt trên tương đồng của nam, nữ về mặt sinh học tác động, chi phối các khía cạnh xã hội của họ, đồng thời cũng quan tâm đến biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới dựa trên khoảng cách tham gia, đóng góp, hưởng lợi thực tế giữa nam và nữ; đặc thù giới tính nữ và thiên chức người mẹ của phụ nữ. Theo đó cần thúc đẩy trách nhiệm giới trong việc thực hiện SDGs ở Việt Nam.
Tác giả tại Hội thảo: Vai trò Giới trong gia đình hiện đại
Trách nhiệm giới được hiểu là việc tổ chức, cá nhân nhận thức được các nhu cầu, vai trò, trách nhiệm mang tính xã hội của phụ nữ và nam giới nảy sinh từ những đặc điểm sinh học vốn có của họ. Đồng thời, hiểu được điều này dẫn đến khác biệt giới về khả năng tiếp cận, kiểm soát nguồn lực và mức độ tham gia, đóng góp và hưởng lợi trong quá trình phát triển của nam giới và phụ nữ. Từ đó, có những biện pháp hoặc hành động thường xuyên, tích cực, nhất quán trong công việc để loại trừ nguyên nhân bất bình đẳng giới nhằm đạt bình đẳng giới thực chất. Do vậy, có thể hiểu việc thúc đẩy trách nhiệm giới trong thực hiện VSDGs cần được quan tâm như sau:
Thứ nhất, các Bộ và Ủy ban nhân dân được giao nhiệm vụ theo từng VSDGs (cơ quan có trách nhiệm) thực hiện đúng trách nhiệm lồng ghép giới trong từng chỉ tiêu cụ thể, trong đó có cả các khía cạnh của mục tiêu 5 VSDGs.
Để có thể lồng ghép giới hiệu quả, bước khó khăn nhất là cơ quan có trách nhiệm phải xác định được vấn đề giới. Vấn đề giới chính là những khoảng trống hoặc mâu thuẫn thực tế về quyền và cơ hội; những điểm bất lợi đã hoặc có thể xảy ra với nam hoặc nữ hoặc cả hai; những khía cạnh liên quan đến việc bảo đảm quyền và lợi ích thực tế của nam hoặc nữ hoặc của cả hai. Các khía cạnh này thường được biểu hiện là nam hoặc nữ tham gia hoặc không tham gia; đóng góp hoặc không đóng góp; chịu ảnh hưởng, tác động có lợi hoặc bất lợi; lợi ích vật chất, tinh thần thực tế có hoặc chưa hoặc không nhận được.
Trên cơ sở kết quả xác định vấn đề giới, cơ quan có trách nhiệm tiến hành xác định các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới về kinh tế, xã hội, hành chính, tư pháp và biện pháp thúc đẩy phù hợp. Các biện pháp này phải rõ ràng, cụ thể, bảo đảm giải quyết được nguyên nhân sâu xa và nguyên nhân gốc làm xuất hiện vấn đề giới, phù hợp với mục tiêu, yêu cầu về nguồn lực, năng lực bộ máy thực thi. Đồng thời cũng xác định các chính sách dành cho người mẹ, người cha.
Từ các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới, việc thiết kế quy định hoặc tổ chức các hoạt động bảo đảm bình đẳng giới đòi hỏi cơ quan có trách nhiệm phải tính toán kỹ nhiều phương án khác nhau trước khi lựa chọn để bảo đảm bình đẳng về quyền, cơ hội theo hướng không chuyển giao cơ hội phái sinh cho một bên nam hoặc nữ (trừ những cơ hội phụ nữ sẽ trao cho con trong thời kỳ mang thai và nuôi con bằng sữa mẹ); không làm nảy sinh bất bình đẳng mới; không làm nảy sinh khả năng chênh lệch về quyền của người này đối với người khác; xem xét hài hòa trên tất cả các khía cạnh thực tế của nam và nữ. Đồng thời, tăng các quy định dành cho nam giới để bảo vệ quyền lợi cho họ và có cơ hội chia sẻ với phụ nữ. Ngoài ra, cũng phải bảo đảm các quy định thúc đẩy bình đẳng giới theo Điều 19 Luật Bình đẳng giới. Trong quá trình này, lưu ý cách tiếp cận trung tính giới chỉ thực hiện dựa trên những điểm tương đồng giữa nam và nữ về cấu trúc cơ thể và khía cạnh xã hội tương ứng và phải bảo đảm quy định hoặc hoạt động đó không tạo ra bất bình đẳng giới cho 1 giới tính thực tế.
Đối với các quy định dự thảo, nhất thiết cơ quan có trách nhiệm phải thực hiện việc đánh giá tác động dự kiến để xem xét mức độ tác động, ảnh hưởng thực tế của quy định dự thảo đối với nam, nữ theo hướng thúc đẩy hay kìm hãm sự tham gia, đóng góp, hưởng lợi của nam, nữ, từ đó xác định tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, ngân sách, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, thông tin và các khía cạnh khác để xử lý khi triển khai
Lồng ghép giới là vấn đề tuy không còn mới nhưng thời gian qua đã chứng minh là tương đối khó đối với các quan quản nhà nước, nên để hỗ trợ hiệu quả việc bảo đảm bình đẳng giới trong thực hiện VSDGs, các tổ chức chính trị – xã hội, nhất là Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được đề nghị phối hợp với Bộ, Ủy ban nhân dân thực hiện VSDGs cần thực hiện việc tốt việc phản biện xã hội về bình đẳng giới đối với các dự thảo văn bản thực hiện VSDGs, chia sẻ thông tin về phương pháp lồng ghép giới với cơ quan có trách nhiệm, trong đó đặc biệt chú ý nguyên tắc bình đẳng giới, biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới thực chất và các chính sách hỗ trợ dành cho người mẹ, người cha.
Thứ hai, các Bộ và Ủy ban nhân dân các cấp trao cơ hội bình đẳng, công tâm cho công chức nam, nữ trong việc tham gia thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu VSDGs do Chính phủ giao. Các tổ chức chính trị – xã hội cũng trao cơ hội bình đẳng, công tâm để cán bộ, công chức nam, nữ phối hợp thực hiện và giám sát việc thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu VSDGs phù hợp chức năng, nhiệm vụ thực tế. Việc trao cơ hội này sẽ giúp cho việc lồng ghép giới thành công, hiệu quả. Đồng thời, chính cán bộ, công chức nam, nữ này cũng sẽ là người được thụ hưởng thành quả từ việc thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu VSDGs với tư cách công dân và công dân có đặc thù riêng về giới tính theo mục tiêu 5.
Thứ ba, phụ nữ do tác động bởi giới tính thực tế và thiên chức người mẹ nên trên bình diện chung sẽ có nhiều khó khăn hơn nam giới. Do vậy, cùng với các hoạt động thúc đẩy trên, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (Hội) cần tăng cường các hoạt động hỗ trợ phụ nữ để bù đắp khoảng trống, có điều kiện thực hiện cơ hội bình đẳng với nam giới. Đây chính là việc hỗ trợ phụ nữ đạt bình đẳng giới thực chất. Hội cần giúp phụ nữ tự cân bằng những vấn đề của bản thân, thấu hiểu các khía cạnh liên quan đến bản thân luôn kiên định; giao tiếp hiệu quả; giải quyết vấn đề hợp lý; co thái độ, tinh thần trách nhiệm đam mê đối với công việc và đúng mực với thu nhập; làm vợ hài hòa và làm mẹ thành công.