Doanh nghiệp là một đối tác quan trọng trong nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Chia sẻ của doanh nghiệp tại các hội thảo do Hội đồng doanh nhân nữ tổ chức liên quan đến các nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ trong thực hiện bình đẳng giới cho thấy, bình đẳng giới giúp cải thiện kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, tuy nhiên cần có những chương trình và chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho phụ nữ phát huy khả năng, tài trí để đóng góp tốt nhất cho sự phát triển của doanh nghiệp và cộng đồng xã hội.
Sáng ngày 23 tháng 12 năm 2014, tại Hà Nội, Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC) tổ chức Hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua trao quyền cho phụ nữ tại nơi làm việc”. Trước đó, ngày 21/11/2014, VWEC cũng đã tổ chức Hội thảo đóng góp ý kiến Dự thảo Bộ tài liệu hướng dẫn vận dụng các nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ trong thực hiện Luật bình đẳng giới tại doanh nghiệp. Mục đích của Hội thảo lần này là nhằm thông tin đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về các nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ và các hoạt động mà Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp Quốc (UN Women) và Tổ chức Hòa bình và Phát triển Tây Ban Nha (PYD) đã triển khai tại Việt Nam trong thời gian vừa qua. Học viện Phụ nữ Việt Nam đã cử 2 giảng viên thuộc Bộ môn Giới và Phát triển và Khoa Quản trị Kinh doanh tham gia Hội thảo.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh – Chủ tịch Hội đồng doanh nhân nữ Việt Nam
phát biểu khai mạc Hội thảo
2. Những nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ: Bình đẳng là thịnh vượng
Các nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ (WEPs) do UN Women và Hiệp ước toàn cầu của Liên Hợp Quốc (Global Compact) phối hợp xây dựng. Bộ nguyên tắc này được thiết kế để hỗ trợ các công ty trong việc xây dựng các chính sách nhằm trao quyền cho phụ nữ, bao gồm 7 nguyên tắc cơ bản.
Nguyên tắc 1: Thiết lập nguyên tắc lãnh đạo cấp cao đối với bình đẳng giới.
Nguyên tắc 2: Đối xử bình đẳng nam và nữ trong công việc, tôn trọng, hỗ trợ phụ nữ và không phân biệt nam nữ.
Nguyên tắc 3: Đảm bảo sức khỏe, an toàn và lợi ích của nam và nữ lao động.
Nguyên tắc 4: Khuyến khích giáo dục, đào tạo và phát triển nghề nghiệp cho phụ nữ.
Nguyên tắc 5: Thực hiện các hoạt động phát triển doanh nghiệp, chuỗi cung ứng và marketing hướng đến tăng quyền năng cho phụ nữ.
Nguyên tắc 6: Thúc đẩy bình đẳng thông qua các sáng kiến và vận động cộng đồng.
Nguyên tắc 7: Đánh giá và báo cáo công khai về tiến bộ bình đẳng giới.
Nói về ý nghĩa của 7 nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ tại nơi làm việc, Đại diện UN Women – bà Elena Cristini nhấn mạnh rằng việc vận dụng WEPs không chỉ là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp mà còn là lợi ích đáng kể đối với doanh nghiệp. Bà Elena Cristini cũng đưa ra các lập luận chứng minh rằng các nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ giúp tăng tỷ lệ lao động nữ, tăng GDP, tăng doanh số bán hàng của các sản phẩm đăng ký thương mại công bằng; nâng cao bình đẳng giới chính là nâng cao lợi nhuận, tạo sự thịnh vượng cho doanh nghiệp và cộng đồng xã hội. Ngoài ra, trao quyền cho phụ nữ chính là cách quảng bá hình ảnh của phụ nữ tới khách hàng, nhà đầu tư và nguồn lao động tiềm năng.
Cùng quan điểm với Đại diện UN Women, trưởng nhóm tư vấn – bà Nguyễn Thị Diệu Hồng cho biết, đầu tư thúc đẩy bình đẳng giới mang lại cho doanh nghiệp nhiều lợi ích. Theo bà Hồng, việc vận dụng WEPs đòi hỏi tính sáng tạo, không cần đầu tư quá nhiều chi phí, sức lực nhưng mang lại cho người lao động sự yên tâm lao động, cống hiến cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Hiện nay, WEPs được thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện, các doanh nghiệp tự đăng ký tham gia. Các nguyên tắc này được giới thiệu ở Việt Nam vào năm 2012 với sự chứng kiến của hơn 100 đại diện doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Được Hội đồng doanh nhân nữ phát động thực hiện từ tháng 6/2014, có 23 doanh nghiệp đăng ký thực hiện thử nghiệm WEPs trong đó có 11 doanh nghiệp phía Bắc và 12 doanh nghiệp phía Nam. Loại hình doanh nghiệp tham gia rất đa dạng bao gồm các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất bao bì, khách sạn, xây dựng, thương mại, thiết bị điện, v.v, trong đó có 4 chủ doanh nghiệp là nam giới. Cho đến tháng 12/2014, có 16 doanh nghiệp hoàn thành việc thu thập số liệu, tính toán và báo cáo các chỉ số, tiêu chí đánh giá đã đăng ký.
Tại Hội thảo, Hội đồng doanh nhân nữ, cùng với Cơ quan phụ nữ Liên Hợp quốc và Tổ chức Hòa bình và Phát triển Tây Ban Nha đã trao chứng nhận và biểu trưng cho các doanh nghiệp tham gia chương trình thí điểm các nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ tại doanh nghiệp. Đại diện các doanh nghiệp tham gia chương trình thí điểm như Công ty Dệt kim Đông Xuân, Tập đoàn Hiệp Hưng, Công ty CP Hoa Lan đều chia sẻ rằng WEPs đã mang lại cho họ nhiều lợi ích thiết thực, WEPs giúp doanh nghiệp thực hiện bình đẳng giới và trách nhiệm xã hội tốt nhất với chi phí thấp nhất.
Đại biểu tham gia Hội thảo và đại diện doanh nghiệp chụp ảnh lưu niệm
3. Các nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ có thể được áp dụng rộng rãi
Các nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ trong thực hiện bình đẳng giới tại doanh nghiệp được xây dựng trước hết dành cho người đứng đầu doanh nghiệp và những người chịu trách nhiệm xây dựng các chính sách của doanh nghiệp liên quan đến pháp luật bình đẳng giới và các pháp luật khác có liên quan hoặc chịu trách nhiệm chuẩn bị những báo cáo về thực hiện bình đẳng giới của doanh nghiệp. Ngoài ra, nội hàm các nguyên tắc WEPs cho thấy, các nguyên tắc này có thể áp dụng cho các tổ chức cơ quan khác nhau và đặc biệt hữu ích với các cán bộ làm công tác công đoàn, phụ nữ, đoàn thanh nhiên và cán bộ các cấp chính quyền trong xây dựng, thực hiện, giám sát và đánh giá chính sách ở các cấp doanh nghiệp về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Tuy nhiên, việc áp dụng các nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ và nội dung các tiêu chí cần được nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp với lĩnh vực hoạt động cũng như điều kiện thực tế của cơ quan, tổ chức.