PGS.TS Trần Quang Tiến – Giám đốc Học viện đọc diễn văn kỷ niệm
Hôm nay, trong không khí phấn khởi và tự hào, Học viện Phụ nữ Việt Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm truyền thống vẻ vang và khai giảng năm học 2020-2021. Lời đầu tiên cho phép tôi thay mặt BGĐ Học viện, cùng toàn thể giảng viên, viên chức, người lao động và sinh viên, nhiệt liệt chào mừng Đồng chí Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Đc Thứ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo, Đc PCT Hội Nông dân Việt nam, các đồng chí lãnh đạo các bộ ngành, tổ chức, doanh nghiệp đã có mặt và chia sẻ niềm vui lớn hôm nay cùng Học viện Phụ nữ Việt Nam. Xin trân trọng gửi tới các đồng chí và quý vị đại biểu những lời chúc tốt đẹp nhất; chúc cho buổi lễ của chúng ta sẽ thành công tốt đẹp.
Kính thưa các quý vị đại biểu, khách quý,
Ngày 8-3-1960, Ban Thường trực TW Hội LHPNVN đã ra Quyết nghị về việc thành lập “Trường Phụ vận TW”, sau đó được đổi tên thành Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương, tiền thân của Học viện Phụ nữ Việt Nam ngày hôm nay. Năm 1969, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ Hội phía nam vững vàng về Lý luận chính trị, nghiệp vụ phụ vận để đảm đương nhiệm vụ cách mạng ở miền Nam, Ban Thường vụ Hội LHPN giải phóng miền Nam Việt Nam đã quyết định thành lập Trường bồi dưỡng cán bộ nữ khu vực phía nam lấy tên là trường Lê Thị Riêng.
Đất nước thống nhất, trước yêu cầu của tổ chức Hội và phong trào phụ nữ trong giai đoạn cách mạng mới, TW Hội LHPN Việt Nam đã kiện toàn, giao nhiệm vụ cụ thể cho hai nhà trường. Trong đó, Trường Cán bộ phụ nữ TW (tại Hà Nội) được giao nhiệm vụ đào tạo các lớp học dài hạn và bồi dưỡng cán bộ. Trường Lê Thị Riêng được giao nhiệm vụ bồi dưỡng văn hóa và nghiệp vụ công tác vận động phụ nữ cho cán bộ Hội LHPN các cấp ở phía Nam. Đến năm 1994, Trường Lê Thị Riêng chính thức được đổi tên thành Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương II.
Giai đoạn từ 2000-2012 là giai đoạn có nhiều thay đổi lớn về tổ chức bộ máy của 2 nhà trường. Nhằm chuẩn bị các điều kiện thành lập Học viện Phụ nữ Việt Nam và kiện toàn tổ chức bộ máy các đơn vị sự nghiệp của TW Hội theo chủ trương của Đảng, năm 2000, Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương II được sáp nhập và trở thành Phân hiệu của Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương. Năm 2004, Ban Nghiên cứu Trung ương Hội tiếp tục được sáp nhập vào Trường và đổi tên thành Trung tâm Nghiên cứu Phụ nữ. Điểm nổi bật nhất của giai đoạn này là sự ra đời nhiều văn bản chỉ đạo của Đảng, nhà nước và của Hội LHPN Việt Nam về chủ trương thành lập Học viện, trong đó quan trọng nhất là chủ trương thành lập Học viện được khẳng định trong Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị năm 2007 về Công tác phụ nữ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Với sự chuẩn bị các điều kiện thành lập Học viện trong hơn 10 năm, ngày 18 tháng 10 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1558/QĐ-TTg về việc thành lập Học viện Phụ nữ Việt Nam trên cơ sở Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương. Kể từ đó đến nay, nhà trường bước sang một trang sử mới với những nhiệm vụ cao cả hơn, khó khăn hơn.
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo và quý vị đại biểu,
Kế thừa truyền thống hơn 50 năm vẻ vang của Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương, trong gần 10 năm qua, Học viện đã phát triển mạnh mẽ, toàn diện và đạt được nhiều thành tích đáng tự hào. Trong Công tác bồi dưỡng cán bộ, Học viện là đơn vị được TW Hội tín nhiệm giao đầu mối chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 2 Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội LHPN Việt Nam, giai đoạn 2013-2017 và 2019-2025, góp phần quan trọng vào thực hiện các mục tiêu Nghị quyết đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc. Điểm nổi bật trong công tác bồi dưỡng gần đây là việc ứng dụng CNTT trong tổ chức bồi dưỡng thông qua các lớp học trực tuyến, kiểm soát chất lượng khóa học ngày càng chặt chẽ, phân cấp rõ ràng giữa TW và địa phương và đa dạng hóa nhiều chương trình bồi dưỡng khác nhau.
Hoạt động đào tạo đại học, sau đại học là sự thay đổi căn bản của Học viện so với giai đoạn trước đây. Bắt đầu với 2 ngành học đã có kinh nghiệm đào tạo trung cấp và bồi dưỡng từ trước là CTXH và QTKD, đến nay, Học viện đã mở rộng ra 9 ngành đào tạo hệ đại học và 2 ngành thạc sỹ; tổng số sinh viên, học viên được tuyển sinh cho cả 8 khóa học là gần 5000 người. Trong bối cảnh cạnh tranh về giáo dục đại học ngày càng gay gắt, xu hướng đi học có những thay đổi mạnh mẽ, Học viện vẫn tuyển sinh thành công hàng năm và tổ chức đào tạo nghiêm túc, với quy trình chặt chẽ, ngày càng chuyên nghiệp. Chính vì vậy Học viện đã được công nhận chính thức đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục ĐH theo quy định của nhà nước vào ngày 22 tháng 9 năm 2020. Ảnh hưởng của dịch bệnh và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo động lực cho Học viện trở thành một trong những cơ sở giáo dục đi đầu ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong tổ chức đào tạo trực tuyến cho sinh viên, triển khai hệ thống đăng ký học tập, tương tác với người học và tổ chức học tập theo mô hình kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến một cách đồng bộ, quyết liệt. Bên cạnh đó, hoạt động đào tạo trung cấp lý luận chính trị hành chính cũng có những kết quả tích cực, đóng góp quan trọng trong xây dựng năng lực, phẩm chất chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Hội LHPN Việt Nam.
Công tác nghiên cứu khoa học của Học viện cũng có sự bứt phá mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng hoạt động. Từ cách nghĩ, cách làm của một trường bồi dưỡng, khi chuyển mình thành một trường đại học, những yêu cầu, tiêu chuẩn mới về khoa học, công nghệ thực sự vẫn còn là những thách thức đối với Học viện cho đến tận ngày hôm nay. Mặc dù vậy, 8 năm hoạt động của Học viện đã ghi nhận những kết quả nổi bật, với quy mô nghiên cứu, sản phẩm khoa học tăng lên nhiều lần, chất lượng có sự cải thiện. Những năm gần đây, Học viện đã triển khai tất cả các loại hình hoạt động khoa học của 1 trường đại học vẫn làm như nghiên cứu của sinh viên, sinh hoạt chuyên đề, đề tài nghiên cứu từ cấp cơ sở đến cấp nhà nước, hội thảo khoa học quốc tế. Tạp chí khoa học của Học viện được thành lập và đi vào hoạt động, ngày càng khẳng định được uy tín, được hội đồng giáo sư nhà nước một số ngành công nhận.
Từ một sơ cở giáo dục với vỏn vẹn hơn 10 giảng viên và chỉ thực hiện chức năng bồi dưỡng cán bộ, đến nay Học viện Phụ nữ Việt Nam đã trở thành một Học viện đa ngành với gần 150 nhân sự chuyên trách, trong đó có 4 phó giáo sư, 22 tiến sỹ và huy động được đội ngũ giảng viên thỉnh giảng đông đảo, có trình độ cao, nhiều kinh nghiệm giảng dạy, thực tiễn về bồi dưỡng cán bộ và đào tạo đại học. Cơ sở vật chất của Học viện cũng không ngừng được đầu tư, nâng cấp ngày càng hiện đại, đáp ứng yêu cầu đào tạo, nghiên cứu khoa học trong bối cảnh mới. Trong 10 năm qua, Ba dự án đầu tư xây dựng trụ sở Học viện và Phân hiệu đã được triển khai, hoàn thành 1 tòa nhà đa năng 16 tầng, 1 khu giáo dục thể chất và xây dựng mới hoàn toàn trụ sở Phân hiệu; tổng diện tích xây dựng gần 30 ngàn m2, đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập cho khoảng 4000 người học. Bên cạnh đó, Học viện đang tiếp tục triển khai đầu tư mở rộng cơ sở đào tạo trên diện tích 3,6 ha tại huyện Gia Lâm, TP Hà Nội.
Hoạt động Hợp tác quốc tế của Học viện ngày càng được mở rộng, đi vào thực chất và có đóng góp quan trọng cho công tác đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học. Kể từ khi thành lập Học viện, gần 30 thỏa thuận hợp tác quốc tế đã được ký kết; phát triển mối quan hệ hợp tác thường xuyên với gần 30 cơ sở giáo dục, nghiên cứu và tổ chức nước ngoài; tổ chức đào tạo về kỹ năng lãnh đạo và công tác phụ nữ cho hơn 300 cán bộ Hội Phụ nữ Lào và Hội Phụ nữ Cam-pu-chia vì Hoà bình và Phát triển theo thoả thuận hợp tác giữa 2 Chính phủ và giữa hai tổ chức Hội. Bên cạnh đó, hoạt động trao đổi giảng viên, kết nối học bổng du học cho sinh viên, hoạt động của chuyên gia nước ngoài tại Học viện; các tài trợ quốc tế cho nghiên cứu khoa học, biên soạn giáo trình, tổ chức đào tạo đã trở thành những công việc thường xuyên với quy mô, yêu cầu ngày càng cao trong Học viện.
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo và quý vị đại biểu,
Có thể khẳng định, với những đóng góp quan trọng, ngày càng nổi bật trên các lĩnh vực đào tạo đại học, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học trong suốt 60 năm qua; Học viện hoàn toàn xứng đáng được Đảng, Nhà nước, TW Hội LHPN Việt Nam và toàn thể xã hội ghi nhận, đánh giá cao trong sự nghiệp giáo dục và thúc đẩy bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của Phụ nữ Việt Nam. Những hình thức khen thưởng trong 60 năm qua của các tổ chức tiền thân và của Học viện là vô cùng ấn tượng, bao gồm 9 lần nhận huân chương các loại, trong đó cao nhất là Huân chương Độc lập hạng Nhì cùng nhiều bằng khen, cờ thi đua của Chính phủ, bằng khen của Đoàn Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, của Giám đốc Học viện CTQG Hồ Chí Minh.
Những thành tựu ấy là kết quả của sự đoàn kết và kế thừa truyền thống; sự nỗ lực không ngừng, vượt qua mọi khó khăn thử thách với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; với trí tuệ, sức sáng tạo và sự hi sinh của các thế hệ lãnh đạo, viên chức, người lao động và học viên Học viện Phụ nữ Việt Nam. Những người đi sau, chúng tôi xin được bày tỏ lòng kính trọng, sự ngưỡng mộ, biết ơn với các thệ hệ lãnh đạo, viên chức đã làm nên Trường Cán bộ Phụ nữ TW thật vẻ vang và đáng tự hào. Trong buổi lễ trang trọng này, chúng ta cũng vui mừng phấn khởi được chứng kiến sự trưởng thành của những đồng chí lãnh đạo đã từng học tập, công tác tại Học viện; những viên chức, người lao động và học viên, sinh viên nhà trường vẫn đang miệt mài đóng góp công sức nhỏ bé của mình vào sự phát triển chung; chính điều này đã góp phần tô thắm thêm truyền thống, hình ảnh Học viện hôm nay và mai sau.
Nhân dịp này, Học viện cũng xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và sự chỉ đạo toàn diện TW Hội LHPN Việt Nam trong suốt 60 năm qua. Chúng tôi cũng đặc biệt cảm ơn sự chỉ đạo, quản lý nhà nước về chuyên môn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; sự ủng hộ quý báu của các Bộ, Ban, Ngành, đoàn thể, các cơ quan trung ương và địa phương, các doanh nghiệp, đối tác, bạn bè trong nước và quốc tế; sự chia sẻ, đồng hành và cổ vũ của các cơ sở giáo dục khác; cũng như sự quan tâm và hỗ trợ của các cơ quan báo chí, truyền thông.
Thừa ủy quyền, đồng chí Hà Thị Nga – Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam trao Cờ thi đua của Chính phủ cho Học viện
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo và quý vị đại biểu,
Các em tân sinh viên thân mến!
Hôm nay, cùng với hoạt động kỷ niệm 60 năm truyền thống vẻ vang Học viện Phụ nữ Việt Nam, các Thầy/ Cô xin nồng nhiệt chào đón các em sinh viên đại diện cho gần 900 tân sinh viên khóa 8. Xin cảm ơn các em đã lựa chọn Học viện Phụ nữ Việt nam làm nơi rèn đức, luyện tài vì ngày mai lập nghiệp. Hôm nay đối với các em có thể coi là bắt đầu của một hành trình mới, sẽ có những vất vả, lo toan, thậm chí sẽ có thể vấp ngã, chệch hướng; Quãng đời sinh viên, hành trình đi tới tương lai không bao giờ bằng phẳng và thơ mộng như những năm tháng đã qua nhưng chúng ta hãy nhớ về quá khứ như là động lực để vươn lên chứ không nên ăn mày dĩ vãng. Vinh quang sẽ đến với những người có bản lĩnh và ý chí, bản lĩnh và ý chí của con người lại được hình thành qua con đường giáo dục và hoạt động thực tiễn. Vì vậy, một lời khuyên với các em tuy không mới nhưng luôn luôn đúng và bổ ích là các em hãy tranh thủ thời gian để học, để tiếp cận tri thức mới theo cách sáng tạo và hiệu quả nhất. Sức mạnh của ý chí và bản lĩnh là cần thiết nhưng chưa đủ; để thành công, cần những con người hội tụ cả sự thông minh, trí tuệ, tình yêu thương và khát vọng cống hiến. Thời đại ngày nay đang đặt ra rất nhiều thách thức cho lao động Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ. Vì vậy, chỉ có học tập, rèn luyện để trở thành những công dân toàn cầu, khẳng định hùng hồn với thế giới về trí tuệ Việt Nam, bản lĩnh Việt Nam mới là cách tốt nhất để các bạn thể hiện sự tri ân với đấng sinh thành và cống hiến cho đất nước thân yêu của chúng ta. Học viện Phụ nữ Việt Nam với triết lý: Giáo dục toàn diện, chất lượng và bình đẳng cam kết sẽ đồng hành cùng các em trên con đường chinh phục những tri thức mới, những năng lực nghề nghiệp mới. Với những giá trị cốt lõi Đoàn kết, Tận tụy, Sáng tạo, Chất lượng đã được hình thành và hun đúc qua nhiều thế hệ; đội ngũ giảng viên, viên chức của Học viện sẽ giảng dạy, hỗ trợ, chia sẻ để các em nhanh chóng hòa nhập, tích cực học tập trong một môi trường sư phạm chuẩn mực mà vẫn phát huy tối đa sự sáng tạo và tham gia của các em. Các em hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, một cơ sở GDĐH với bề dày 60 năm truyền thống, đã được các chuyên gia đánh giá độc lập và công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn quốc gia sẽ là môi trường đào tạo nghiêm túc, khách quan, công bằng, luôn vì người học và tạo cơ hội tối đa cho các em phát triển và trưởng thành.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh trao học bổng cho tân sinh viên của Học viện
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo và quý vị đại biểu,
Nhìn lại chặng đường 60 xây dựng và phát triển, chúng ta vô cùng phấn khởi và tự hào về những gì Học viện Phụ nữ Việt Nam đã đóng góp cho đất nước, cho Hội và cho phụ nữ Việt Nam. 60 năm truyền thống vẻ vang đã và đang tạo nên một hành trang đầy đủ, một bản lĩnh kiên cường để Học viện vững bước tiến vào tương lai. Trước mắt, cho dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với truyền thống đoàn kết, tận tụy; kiên định với mục tiêu, con đường đã cùng nhau xây dựng và lựa chọn; Chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng Học viện Phụ nữ Việt Nam sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn, rực rỡ hơn trong những năm tiếp theo.Trong hành trình sắp tới, Học viện rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Hội LHPN Việt Nam, của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của các cấp chính quyền và sự hợp tác chặt chẽ của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân.
Một lần nữa, xin kính chúc sức khỏe, bình an và thành công đến tất cả các đồng chí lãnh đạo, các quý vị đại biểu, viên chức, người lao động trong Học viện và toàn thể các em sinh viên.
Trân trọng cảm ơn!