Hòa chung với không khí cả nước, hôm nay, Học viện Phụ nữ Việt Nam long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Lời đầu tiên, thay mặt Đảng uỷ, Ban Giám đốc Học viện nhiệt liệt chào mừng và kính chúc sức khỏe các đồng chí lãnh đạo TW Hội, quí vị đại biểu, các thầy cô giáo và các em sinh viên. Trong đó, đặc biệt chúc mừng và tri ân các thầy cô giáo, viên chức, người lao động đã và đang làm việc tại Học viện Phụ nữ Việt Nam.
Kính thưa các quý vị đại biểu,
Thưa các thầy cô giáo và các em Sinh viên!
Khác với mọi năm, Bài phát biểu năm nay của tôi tập trung chia sẻ về nghề giáo trong bối cảnh hiện nay và những vấn đề đặt ra với Học viện Phụ nữ Việt Nam.
Như chúng ta đều biết, nghề giáo từ xa xưa rất được tôn vinh, coi trọng, được đánh giá là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Từ ngàn xưa, vào dịp lễ tết hàng năm ông cha ta vẫn quan niệm và thực hành: “Mồng một tết cha – Mồng hai tết mẹ – Mồng ba tết thầy”… Nghề thầy giáo đã rất được trọng vọng trong xã hội. Đến thời đại Hồ Chí Minh, Bác nói: “Người thầy giáo tốt – thầy giáo xứng đáng là thầy giáo – là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang”.
Ngày nay, nghề giáo được mô tả và phân tích dưới rất nhiều góc độ. Có người nói, nghề giáo là nghề của những người kiên cường và dũng cảm khi những áp lực về thành tích, thu nhập và sự an toàn tính mạngluôn ở mức độ rất cao.
Trở thành nhà giáo ngày nay cũng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Một phần vì quy mô giáo dục ngày càng tăng nhanh, nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng ngày càng đa dạng, hình thức đào tạo linh hoạt nên xã hội cần thêm rất nhiều nhà giáo. Mặt trái của vấn đề ngày là nghề giáo dường như không còn đòi hỏi những tiêu chuẩn khắt khe cả về chuyên môn và đạo đức. Vì cuộc sống mưu sinh, nghề giáo không còn hấp dẫn nhất nữa nên những người giỏi nhất đã không chọn nghề giáo.
Nghề giáo ngày nay chưa được nhận thức đầy đủ, kể cả những người trong cuộc là những thầy giáo, cô giáo, các em học sinh, sinh viên cũng như xã hội. Công luận dường như cũng chưa thực sự công bằng, quá khắt khe khi đánh giá những vụ việc xảy ra liên quan đến giáo viên và học sinh. Bản thân nhiều thầy cô cũng chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm, yêu cầu, chuẩn mực cần đạt được khi làm nhà giáo. Giảng viên đại học chắc chắn là khác rất xa với các giáo viên ở các cấp học thấp hơn. Giáo dục đại học là giáo dục nghề nghiệp, khác với giáo dục về văn hóa phổ thông. Ở mọi cấp học, công cụ lao động của nghề giáo, là hành vi, tâm hồn, tình cảm, tư tưởng và thể chất của giáo viên; là toàn bộ nhân cách và tri thức của người thầy. Tuy nhiên, phương pháp lao động của người thầy ở các cấp học khác nhau là không giống nhau.
Nghề giáo trong bối cảnh ngày nay với đặc trưng cơ bản là cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ có nhiều điểmrất khác biệt, nhiều yêu cầu đặt ra cao hơn. Nếu nhà giáo chỉ cung cấp, truyền dạy thông tin tri thức của các bộ môn khoa học thì ngày nay, người máy và các thiết bị thông minh sẽ làm tốt hơn các nhà giáo.Các đặc trưng của cách mạng công nghiệp 4.0 là sự hợp nhất các loại công nghệ, làm xóa nhòa ranh giới giữa lĩnh vực khoa học vật lý, kỹ thuật số và sinh học với trung tâm là phát triển trí tuệ nhân tạo, robot hóa, Internet kết nối vạn vật (IOT), vật liệu mới và khai thác cơ sở dữ liệu lớn dựa trên sự kết nối, hội tụ và điện toán đám mây…
Với các đặc điểm như vậy, người thầy không còn là người năm giữ chìa khóa tri thức cũng như kiểm chứng tri thức bởi vì những điều đó trở nên dễ dàng tiếp cận với khối lượng thông tin vô cùng lớn trên internet. Tuy nhiên, có 1 điều chắc chắn là người thầy vẫn có vai trò không thể thay thế trong việc giúp học trò định hướng tiếp cận và thành thạo các phương pháp kiểm chứng tri thức; giúp định hướng nhân cách, phát triển phẩm chất, năng lực học trò thông qua các hoạt động trải nghiệm, biết học hỏi lẫn nhau, và biết vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống. Người thầy đóng vai trò như là huấn luyện viên để giúp học trò tự làm là chính.
Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra những yêu cầu rất cao và đa dạng cho các nhà giáo, đòi hỏi những người thầy phải có trình độ cao, sâu về chuyên môn nhưng lại có khả năng tích hợp kiến thức liên ngành khi đào tạo tích hợp đã trở thành xu hướng; yêu cầu bắt buộc các thầy cô phải có hiểu biết và thành thạo công nghệ thông tin, hệ thống mạng; thành thạo ngoại ngữ để tiếp cận nguồn tri thức khổng lồ và có khả năng sử dụng thành thạo các phương pháp, kỹ thuật tổ chức đào tạo mới có ứng dụng CNTT.
Chúng ta (những thầy giáo, cô giáo và Học viện) đang có gì, cần phải để có thể đứng vững và phát triển trong bối cảnh CMCN 4.0?
Trước hết, chúng ta có lịch sử gần 60 năm xây dựng và trưởng thành, trong đó có 6 năm xây dựng và phát triển Học viện. Sáu năm qua, chúng ta đạt được rất nhiều thành tích đáng tự hào không phải cơ sở giáo dục nào cũng làm được. Nổi bật hơn cả là việc xây dựng và vận hành Học viện theo đúng lộ trình phát triển, đưa hình ảnh của Học viện đến với xã hội ngày càng phổ biến và tốt đẹp hơn. Thật khó để xác định mảng công tác nào nổi bật hơn nhưng những dấu ấn trong tuyển sinh, tổ chức đào tạo nghiêm túc, tổ chức hội thảo khoa học, xây dựng môi trường giáo dục, mở rộng hợp tác quốc tế là những thành tựu tuyệt vời, không thể phủ nhận trong 6 năm qua. Tất cả chúng ta đều cảm thấy tự hào hơn, trưởng thành hơn, có sự thay đổi tích cực và rõ rệt giữa quá khứ và hiện tại.
Tuy nhiên, với những thay đổi quan trọng thời gian gần đây về chủ trương, chính sách đối với giáo dục và đào tạo, nhất là tự chủ đại học cùng với những yêu cầu, tác động của CMCN 4.0, chúng ta đang có rất nhiều cơ hội tốt để thay đổi và phát triển, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa Học viện với những trường đại học khác có uy tín ở trong nước và khu vực. Những thay đổi vừa qua của chúng ta là đáng tự hào nhưng cũng rất nhỏ so với những thay đổi khác của thế giới và trong nước. Vì vậy, chúng ta sẽ phải tạo ra sự thay đổi mang tính liên tục và đột phá. Trong đó, vai trò của người thầy là vô cùng quan trọng.
Thực tế những năm qua, các thầy cô cũng như đội ngũ viên chức, người lao động đã làm rất tốt công việc của mình, đã có những đóng góp quan trọng, ý nghĩa vào sự phát triển chung. Nhưng như vậy là chưa đủ cho sự phát triển chung của Học viện và mỗi cá nhân trong bối cảnh ngày nay. Nhận thức, tư duy về mô hình đào tạo, phương pháp giảng dạy vẫn mang tính truyền thống, chưa ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trong giáo dục; nhiều môn học còn nặng về truyền thụ kiến thức, thiếu cập nhật, bổ sung. Chương trình đào tạo của chúng ta còn chậm thay đổi, tính thực hành và tích hợp các tri thức liên ngành chưa cao. Năng lực của các thầy cô về cơ bản là đạt chuẩn theo quy định nhưng điều đó không đảm bảo cho sự phát triển trong tương lai khi không có đủ năng lực ngoại ngữ và không có khả năng thực hiện, công bố các nghiên cứu quốc tế, không thể tổ chức các lớp học chất lượng cao, tính thực tiễn, kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn chưa đáp ứng… Môi trường học tập của Học viện cũng chậm được cải thiện thể hiện qua ý thức học tập, kết quả học tập của sinh viên.
Sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam chúc mừng các thầy cô nhân ngày Hiến chương Nhà giáo
Kính thưa các Thầy cô giáo!
Mỗi dịp 20/11, chúng ta – các thầy cô giáo và những người làm công tác giáo dục đều cảm thấy vinh dự và tự hào hơn với truyền thống của ngành. Đồng thời, cũng là dịp mỗi thầy cô, mỗi viên chức và người lao động suy ngẫm về những vấn đề có liên quan đến bản thân và tổ chức để có kế hoạch thay đổi, đóng góp thiết thực, nhiều hơn cho tổ chức cũng như cho nền giáo dục nước nhà.
Nhân dịp này, tôi xin chân thành cảm ơn sự chỉ đạo và giúp đỡ của lãnh Trung ương Hội LHPN VN, sự phối hợp có hiệu quả của các cơ quan, đơn vị trong Hội LHPN VN giúp cho Học viện hoàn thành nhiệm vụ và phát triển mạnh mẽ trong những năm vừa qua. Hy vọng rằng Học viện sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và giúp đỡ có hiệu quả của Trung ương Hội LHPN VN, của các cơ quan đơn vị, địa phương có liên quan trong giai đoạn phát triển mới.
Một lần nữa, xin kính chúc các quý vị đại biểu, các thầy cô giáo, cán bộ viên chức và các em sinh viên mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công./.
Xin Trân trọng cảm ơn!