Ths. Hà Thị Thanh Vân trình bày kết quả phân tích chính sách hiện hành về đào tạo nghề cho nguồn nhân lực nữ chất lượng cao

           1. Về hệ thống chính sách đào tạo nghề: khá đồng bộ, toàn diện, thể hiện trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành TW Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ VIII về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Hiến pháp 2013, Bộ Luật lao động, Luật Việc làm, Luật Công đoàn, Luật Người khuyết tật, Chiến lược phát triển nguồn nhân lực Việt Nam…và 132 văn bản quy phạm pháp luật riêng đề đào tạo nghề (01 Luật,  01 chỉ thị, 07 nghị định, 15 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 79 thông tư của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, 22 thông tư liên tịch giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và các Bộ liên quan, 07 quyết định của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội).

          2. Về trình độ và đối tượng đào tạo nghề: các chính sách đã thể hiện 04 trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng. Các trình độ này được áp dụng cho học sinh, công dân, lao động nông thôn và lao động nữ.

          3. Về hệ thống cơ sở dạy nghề: các chính sách đã thể hiện 03 loại hình trường công lập; trường tư thục và trường có yếu tố nước ngoài. Giai đoạn 2006 – 2010 có 04 loại cơ sở là trường cao đẳng, trung cấp nghề, trường dạy nghề và Trung tâm dạy nghề. Sau năm 2010 không còn trường dạy nghề. Từ năm 2015, các Trung tâm dạy nghề được gọi là Trung tâm giáo dục nghề nghiệp theo Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Đoàn khảo sát làm việc tại Trường Cao đẳng nghề Kinh tế – Kỹ thuật Bắc Ninh

         4. Về danh mục nghề theo trình độ đào tạo: các chính sách đã thể hiện 488 nghề trình độ trung cấp (trong đó có 45 nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm), 414 nghề trình độ cao đẳng (trong đó có 45 nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm); 100 nghề trọng điểm quốc gia; 30 nghề trọng điểm khu vực và 26 nghề trọng điểm quốc tế. Đồng thời, chương trình khung trung cấp và cao đẳng; danh mục thiết bị dạy nghề trọng điểm quốc gia, trung cấp và cao đẳng; danh mục thiết bị tối thiểu dạy nghề trình độ trung cấp và cao đẳng cũng được thể hiện khá rõ ràng.

            5. Về chính sách dành cho người học nghề: có 03 nhóm trước, trong và sau dạy nghề:

Trước đào tạo, có 05 loại, gồm chính sách tuyển sinh học nghề; tuyển thẳng; cử tuyển; liên thông các trình độ nghề và chính sách đối với lao động nông thôn và lao động nữ đều quan tâm đến 2 tiêu chí chất lượng cao là “trí lực và “thể lực”.

Trong đào tạo nghề, có 12 loại chính sách phụ nữ được hưởng như nam giới gồm: chính sách học bổng; miễn học phí; giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập; hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn trình độ cơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng; hỗ trợ học phí đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết; bảo lưu kết quả học tập và trở lại tiếp tục học trong thời hian không quá 5 năm; bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo nghề; vay vốn tín dụng học nghề; miễn, giảm phí dịch vụ công cộng cho học sinh; hỗ trợ nội trú; hỗ trợ chi phí tiền ăn và đi lại; tôn trọng và đối xử bình đẳng, khen thưởng và 04 loại riêng đối với lao động nữ gồm hỗ trợ chi phí đào tạo, tiền ăn, tiền đi lại, vay vốn vay học nghề và hỗ trợ nội trú.

Sau đào tạo nghề, có 05 loại, gồm chính sách tuyển dụng; tiền lương; bố trí việc làm cho người được cử tuyển; hỗ trợ vốn, lãi suất và chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm.

          6. Về chính sách dành cho cơ sở đào tạo nghề: có 03 loại, gồm chính sách phát triển mạng lưới và đầu tư cho cơ sở đào tạo nghề phát triển khung trình độ nghề, chương trình và giáo trình; phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên, trong đó cs phát triển mạng lưới có 07 chính sách cụ thể và 08 chính sách xã hội hóa công tác dạy nghề.

          7. Về thực trạng thực thi chính sách: đối với người học được triển khai nghiêm túc, có kết quả; đối với cơ sở đào tạo nghề đã củng cố năng lực hiện có, mở rộng mạng lưới bảo đảm cơ hội cho người học; đào tạo nghề cho người lao động mới vào làm việc tại doanh nghiệp được quan tâm. Tuy nhiên, hầu hết các chính sách đào tạo nghề đều chung cho cả nam và nữ nên thực tế phạm vi tác động, ảnh hưởng của chính sách đến cơ hội phụ nữ chưa nhiều. Có 05 bất cập và khoảng trống trong chính sách đào tạo nghề về tài chính; về đào tạo nghề cho lao động nông thôn (gồm cả phụ nữ); về cơ hội đào tạo nghề đối với lao động nữ trong các doanh nghiệp ở khu công nghiệp, khu chế xuất; về mối quan hệ giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp và về sự kết hợp giữa đào tạo nghề theo chiều rộng và chiều sâu. Những bất cập và khoảng trống này bắt nguồn từ 06 nguyên nhân về nhận thức; về tâm lý “thích làm thầy hơn làm thợ”, về cơ hội học đại học, về chi phí học nghề và ý thức học nghề.

          8. Về mối quan hệ giữa một số chính sách đối với người học và cơ sở đào tạo nghề: chưa có sự tương thích, đó là việc có chính sách phát triển trường nghề chất lượng cao nhưng chưa có chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với các tiêu chí cụ thể; giữa chính sách đào tạo nghề và thực tiễn chưa thể hiện được khía cạnh chất lượng trong và sau đào tạo; chính sách đào tạo nghề chưa bảo đảm bình đẳng giới, hầu hết đều trung tính giới. 

       9. Về cơ hội hoàn thiện chính sách đào tạo nghề cho phụ nữ: có 5 nhóm cơ hội, bao gồm: quan điểm, định hướng của Đảng về phát triển nguồn nhân lực; kết quả thực thi chính sách; thỏa thuận của các nước ASEAN; nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề, lao động có tay nghề, có năng lực nghề của các doanh nghiệp và của các ngành kinh tế trong nước; các hoạt động thực tế thúc đẩy bình đẳng giới và tăng cường sự phát triển toàn diện cho phụ nữ Việt Nam. Đồng thời cũng có 05 thách thức về tiêu chí, đối tượng, điều kiện xác định nguồn nhân lực nữ chất lượng cao; cơ chế tuyển dụng lao động dựa trên bằng cấp; định kiến giới và thay đổi cơ cấu sử dụng lao động trong các doanh nghiệp do áp lực cạnh tranh trong và ngoài nước.

Trên cơ sở phân tích chính sách, Học viện xác định 19 đề xuất cụ thể với 05 nhóm chủ thể là cơ sở đào tạo nghề, các địa phương và các ngành, Nhà nước, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Học viện Phụ nữ Việt Nam, gồm:

Với cơ sở dạy nghề: cần nghiên cứu thay đổi chất trong chương trình đào tạo nghề, dạy nghề thực tế trên cơ sở chương trình khung đã được nhà nước quy định; có quan tâm đến học viên theo giới tính.

Với địa phương và các ngành: (i) không đào tạo nghề có thu nhập quá thấp, hoặc địa phương không đảm bảo các điều kiện tạo được việc làm từ các nghề đào tạo. (ii) xác định nhu cầu nguồn ngân lực theo cơ cấu nghề, trình độ đào tạo. (iii) huy động doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề. (iv) chính sách đào tạo lại cho người lao động, công nhân trong khu công nghiệp, khu chế xuất nói riêng.

Với Nhà nước: (i) ban hành và tổ chức thực hiện Đề án đào tạo nghề nghiệp cho phụ nữ. (ii) ban hành chính sách đặc thù cho trẻ em gái và phụ nữ trong việc xét tuyển, thi tuyển hoặc kết hợp cả xét tuyển và thi tuyển sau tốt nghiệp hoặc chỉ tốt nghiệp trung học cơ sở trong học nghề ngắn hạn, đào tạo cơ sấp, trung cấp để có cơ hội liên thông lên trình độ cao hơn. (iii) sửa đổi chính sách đào tạo nghề nghiệp cho phụ nữ liên quan đến danh mục 45 nghề  trình độ trung cấp và 45 nghề trình độ cao đẳng thuộc danh mục nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. (iv) chính sách tham gia đào tạo nghề là nghĩa vụ đặc biệt của phụ nữ tương tự như nam giới thực hiện nghĩa vụ quân sự, gắn với nghĩa vụ là những chính sách hỗ trợ đặc biệt để phụ nữ có chứng chỉ kỹ năng nghề. (v) ban hành Nghị định quy định việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, giảng viên đào tạo nghề nghiệp đối với phụ nữ. (vi) chính sách đầu tư cơ sở, vật chất cho cơ sở đào tạo nghề nghiệp của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. (vii) chính sách riêng cho giáo viên, giảng viên dạy nghề cho lao động nữ và dạy các lớp có đông phụ nữ tham gia học trình độ trung cấp, cao đẳng.

Nữ công nhân tại nhà máy Mobase – Bắc Ninh

Với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam: (i) rà roát, thống kê danh mục nghề đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng; (ii) xây dựng Đề án đào tạo nghề cho phụ nữ; (iii) rà soát, đánh giá năng lực thực tế của cơ sở dạy nghề của Hội; (iv) chính sách  quản lý các cơ sở đào tạo nghề của Hội

Với Học viện Phụ nữ Việt Nam: (i) đề xuất, đăng ký hoạt động trợ giúp đào tạo phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. (ii) nghiên cứu xây dựng giáo trình, tài liệu, học liệu đăng ký và tổ chức đào tạo kỹ năng mềm cho lao động nữ. (iii) nghiên cứu chuyển đổi, nâng cấp Trung tâm Đào tạo và Nâng cao năng lực Phụ nữ thành Trung tâm giáo dục nghề nghiệp theo Luật Giáo dục nghề nghiệp đạt chuẩn chất lượng cao mạnh dạn đầu tư, tổ chức đào tạo một trong 8 ngành nghề được tự do di chuỵển giữa các nước gồm dịch vụ kỹ thuật, điều dưỡng, kiến trúc, khảo sát, y khoa, nha khoa, kế toán và du lịch theo thỏa thuận ASEAN.