Các hoạt động về khoa học, công nghệ được mở rộng, thu hút sự tham gia của nhiều giảng viên, nghiên cứu viên; chất lượng nghiên cứu có sự cải thiện thông qua việc công bố ngày càng nhiều các bài báo khoa học và xuất bản các ấn phẩm nghiên cứu. Những năm gần đây, Số lượng công bố khoa học đạt trung bình năm học đạt gần 150 công trình, trong đó khoảng 10% là công bố quốc tế.

Tạp chí khoa học Học viện Phụ nữ Việt Nam  cũng đã được thành lập và đi vào hoạt động được tròn 5 năm. Tạp chí là diễn đàn trao đổi kết quả nghiên cứu khoa học và liên kết đội ngũ các nhà nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước và luôn được độc giả đánh giá cao về chất lượng nội dung, hàm lượng khoa học. Sự ghi nhận về chất lượng tạp chí được thể hiện thông qua việc công nhận và tính điểm khoa học của Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước cho 02 trong số 5 lĩnh vực khoa học của Tạp chí: Liên ngành Triết học – Chính trị học – Xã hội học (0.5 điểm) và ngành Kinh tế (0.25 điểm).

Hợp tác quốc tế: Trong 10 năm qua, hoạt động hợp tác quốc tế có đóng góp quan trọng, ngày càng nổi bật vào sự phát triển của Học viện trên cả 3 trụ cột chuyên môn: bồi dưỡng cán bộ, đào tạo đại học và nghiên cứu khoa học. Những dấu ấn nổi bật của HTQT phải kể đến việc thực hiện tốt các khóa đào tạo cho Lào và Campuchia, triển khai hàng năm chương trình đào tạo ngắn hạn về bình đẳng giới với Viện Giáo dục và Thúc đẩy bình đẳng giới Hàn quốc, Chương trình nghiên cứu với Koica, Dự án Nâng cao năng lực ngành Giới và Phát triển với tổ chức Kế hoạch Colombo, dự án Tài chính Vi mô với Ngân hàng Tiết kiệm Đức và gần đây nhất là hoạt động đào tạo hơn 10 ngàn phụ nữ về khởi nghiệp với Unilever.

Trong vòng 10 năm, Học viện đã ký kết thỏa thuận hợp tác với gần 50 tổ chức quốc tế, các trường đại học và các viện nghiên cứu ở nước ngoài, trong đó nhiều thỏa thuận hợp tác đã được triển khai thành công. Bên cạnh đó, hoạt động trao đổi sinh viên, cử sinh viên đi du học nước ngoài, cung cấp tình nguyện viên, chuyên gia cũng ngày càng được mở rộng, giúp Học viện có thêm nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như từng bước đưa hình ảnh Học viện ra phạm vi toàn cầu.

Năm học 2022 – 2023 Học viện và Trường đại học Ming Chuan – Đài Loan phối hợp đào tạo hệ cử nhân liên kết ngành Quản trị kinh doanh. Trong tương lai, hứa hẹn các chương trình liên kết nước ngoài sẽ được đầu tư, phát triển mạnh mẽ hơn nữa đảm bảo xu thế kết nối để hình thành đội ngũ công dân toàn cầu từ VWA.

Hoạt động kết nối, phục vụ cộng đồng: Kết nối và cung cấp các dịch vụ cộng đồng, đóng góp cho xã hội là một trong những nhiệm vụ và yêu cầu đảm bảo chất lượng đối với mỗi cơ sở giáo dục đại học, trong 10 năm qua Học viện Phụ nữ Việt Nam đã không ngừng nỗ lực tiếp nối truyền thống tốt đẹp vì cộng đồng của Trường cán bộ Phụ nữ Trung ương và ngày càng đẩy mạnh, mở rộng các lĩnh vực phục vụ cộng đồng.

Để đáp ứng sự thay đổi và ngày một lớn mạnh của của các hoạt động bồi dưỡng, đào tạo, khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã không ngừng tăng cường quy mô về cơ sở vật chất, đội ngũ nhân sự cả về chất và lượng.

Học viện đã có sự thay đổi nhanh chóng về tổ chức bộ máy nhằm đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của đào tạo đại học, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học. Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ được thành lập ở cả Học viện và Phân hiệu để đảm bảo công tác bồi dưỡng tiếp tục được tổ chức chuyên nghiệp, hiệu quả. Hai viện, 4 khoa chuyên ngành được thành lập mới nhằm quản lý các ngành học mới và thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động khoa học và công nghệ. Bên cạnh đó, phòng CTSV, phòng KT& BĐCL, phòng HTQT&QLKH được thành lập mới, được kiện toàn chức năng nhiệm vụ phù hợp với các yêu cầu, quy định của giáo dục đại học. 

Về đội ngũ nhân sự, giai đoạn chuẩn bị thành lập Học viện từ 2005 – 2010, Học viện có 76 viên chức, người lao động, trong đó có 6 tiến sỹ; 7 nghiên cứu sinh; 31 thạc sỹ, 32 cử nhân. Năm 2022, Học viện đã có hơn 180 viên chức, người lao động; tăng gần 3 lần so với năm 2012. Cơ cấu, chất lượng đội ngũ nhân sự cũng có sự thay đổi tích cực, tập trung cho đội ngũ giảng viên và cải thiện mạnh mẽ các chính sách thu hút nhân sự trình độ cao cũng như đầu tư cho nhân sự đi đào tạo tiến sỹ ở cả trong và ngoài nước. Kết quả là số lượng nhân sự trình độ cao những năm gần đây cải thiện mạnh, với 05 PGS, 30 TS và 15 nghiên cứu sinh.

Về Cơ sở vật chất: Hệ thống cơ sở vật chất đã có sự đầu tư nâng cấp mạnh mẽ ở cả trụ sở chính tại Hà Nội, phân hiệu tại TP. Hồ Chí Minh và đang triển khai xây dựng mở rộng cơ sở đào tạo tại huyện Gia Lâm TP Hà Nội, đảm bảo mục tiêu đáp ứng tối đa công tác nghiên cứu, dạy và học.

Từ con số ban đầu là 1 tòa nhà 3 tầng được xây dựng từ năm 1960 và các nhà cấp 4, đến nay, Học viện đã hoàn thiện 1 tòa nhà đa năng 15 tầng, 1 tòa nhà thể chất 3 tầng. Tổng số phòng học tại Hà Nội và Phân hiệu có 59 hội trường, phòng học. Ngoài ra, Học viện đang trong quá trình mở rộng cơ sở 2 tại Gia Lâm, Hà Nội.

Xác định tầm nhìn, sứ mệnh và triết lý đào tạo hình thành dựa trên giá trị cốt lõi: Đoàn kết – Tận tụy – Sáng tạo – Chất lượng, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã và đang mang đến những cơ hội học tập, sáng tạo cho thế hệ trẻ. Không chỉ vậy, việc kết nối chặt chẽ với các tổ chức, doanh nghiệp; hợp tác đa ngành, liên kết đa chuyên môn và tạo mối quan hệ hữu nghị với nhiều tổ chức trong và ngoài nước sẽ góp phần nâng cao chất lượng học tập, tăng cường khả năng tiếp cận, chinh phục tri thức của sinh viên.

Với bề dày truyền thống hơn 50 năm của Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương và những kết quả nổi bật trong 10 năm thành lập và phát triển; Học viện Phụ nữ Việt Nam đã và đang chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho việc hiện thực hóa tầm nhìn, các giá trị cốt lõi và triết lý giáo dục để thực hiện thành công sứ mệnh của Học viện là cơ sở giáo dục đại học có sứ mệnh đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Hội LHPN Việt Nam, cán bộ nữ trong hệ thống chính trị; tham gia đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đa ngành cho đất nước; thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, có ưu tiên nghiên cứu các lĩnh vực liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới

Kỉ niệm 10 năm thành lập Học viện, tập thể các thầy giáo, cô giáo, viên chức, người lao động sẽ tiếp tục đoàn kết, cùng nhau nỗ lực, sáng tạo và không ngừng hoàn thiện để khẳng định một vị thế, nâng tầm một thương hiệu khác biệt và nhân văn mang tên Học viện Phụ nữ Việt Nam./.