Tham dự hội thảo có các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành đến từ các Viện nghiên cứu khoa học, các trường đại học về phía học viện có TS. Trần Quang Tiến – Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam cùng các đại biểu là cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên của học viện. Chủ trì hội thảo là Ths. Hà Thị Thanh Vân – Ủy viên BCH TW Hội LHPN Việt Nam, Phó Giám đốc Học viện, Viện trưởng Viện NCPN.
Phụ nữ chiếm 1/2 dân số và 48% lực lượng lao động – đây là một nguồn nhân lực có vai trò đặc biệt. Cùng với nam giới, phụ nữ là nguồn vốn quan trọng của xã hội. Vì vậy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ có ý nghĩa quan trọng góp phần trực tiếp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của đất nước. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Phụ nữ Việt Nam đã có nhiều cơ hội và điều kiện đóng góp công sức, trí tuệ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, được ghi nhận và đánh giá cao trong từng giai đoạn phát triển đất nước. Tuy nhiên, đại đa số phụ nữ đã và đang phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để phát triển chức nghiệp và thể hiện vai trò, tiềm năng thực tế trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.
Tại hội thảo, các đại biểu tham gia đã trình bày tham luận và trao đổi, thảo luận xoay quanh 6 vấn đề lớn là: Khái niệm, phạm vi “nguồn nhân lực nữ”; Phạm vi quyền và cơ hội tiếp cận “nguồn lực” của phụ nữ; Phạm vi “nguồn lực” phụ nữ tiếp cận; Phạm vi “phụ nữ” tiếp cận nguồn lực; Phương pháp, hình thức và tiêu chí xác định sự tiếp cận nguồn lực của phụ nữ; Xác định phạm vi phát huy, phát triển nguồn nhân lực nữ.
Các nhà khoa học, các chuyên gia tham dự đã phân tích cụ thể và gợi mở, định hướng, trao đổi, thảo luận sâu hơn, bao quát hơn với nhiều khía cạnh rộng mở xoay quanh chủ đề của hội thảo. TS. Nguyễn Hữu Dũng, Viện trưởng Viện nghiên cứu an sinh xã hội và phát triển hòa nhập đã bàn về lý luận nguồn lực và tiếp cận nguồn lực của phụ nữ. PGS.TS Hoàng Bá Thịnh lại trình bày quan điểm của mình về nguồn lực xã hội nói chung và cách tiếp cận nguồn lực của phụ nữ nói riêng. “Quyền tiếp cận nguồn lực của phụ nữ theo pháp luật quốc tế và Việt Nam”; “Một số giải pháp bảo đảm cơ hội tiếp cận các nguồn lực của phụ nữ”; “Những thuận lợi và khó khăn của việc gia nhập Hiệp định TPP khi thực hiện và hoàn thiện thể chế pháp luật về lao động nữ hiện nay – dưới góc độ tiếp cận dựa trên quyền”…cũng là những vấn đề được các đại biểu chia sẻ tại hội thảo. Để phát huy, phát triển nguồn nhân lực nữ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhiều ý kiến cho rằng, cần thay đổi chương trình truyền thông và giáo dục về giới; phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ cơ sở trong việc thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách về bình đẳng giới và tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận các dịch vụ lao động, việc làm và các nguồn vốn sản xuất.
Với hơn 48% lực lượng lao động cả nước, phụ nữ Việt Nam ngày càng năng động, sáng tạo, tích cực phấn đấu và có những đóng góp xứng đáng trong thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Nội dung hội thảo một lần nữa đã khẳng đinh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ là nội dung không thể thiếu trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, là nền tảng tiến tới bình đẳng giới, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội; đồng thời góp phần trực tiếp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở Việt Nam.