Bước vào thế kỷ XXI, sau 7 năm đầu tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 04 -NQ/TW ngày 12/3/1993 về “Đổi mới công tác phụ nữ trong tình hình mới”, để phù hợp với định hướng phát triển của đất nước, Bộ Chính trị Khóa X đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa không chỉ thay đổi quan điểm “Nam nữ bình quyền là một trong mười nhiệm vụ cốt yếu của Cách mạng Việt Nam” từ án Nghị quyết tháng 10/1930 sang “Thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội là một trong những nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới”, mà còn là lần đầu tiên thể hiện rõ nội hàm của công tác phụ nữ là “trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và từng gia đình. Trong đó, hạt nhân lãnh đạo là các cấp ủy đảng, trách nhiệm trực tiếp và chủ yếu là cơ quan quản lý nhà nước các cấp, vai trò chủ thể là phụ nữ mà nòng cốt là các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam”; “phải sát hợp với từng đối tượng, vùng, miền, phát huy được tinh thần làm chủ, tiềm năng, sức sáng tạo và khả năng đóng góp cao nhất của các tầng lớp phụ nữ, góp phần tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để phát triển đất nước; đồng thời phải chăm lo cho phụ nữ tiến bộ về mọi mặt, quan tâm đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng để phụ nữ có điều kiện thực hiện tốt vai trò người công dân, người lao động, người mẹ, người thầy đầu tiên của con người”
Về mặt thực tiễn, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11 – NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư TW Đảng đã nhận định “Nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về giới, bình đẳng giới, về phụ nữ và công tác phụ nữ được nâng lên rõ rệt, tạo sự chuyển biến tích cực… Trình độ, năng lực, vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được nâng lên. Hội liên hiệp phụ nữ các cấp đã tập hợp, vận động các tầng lớp phụ nữ tham gia phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tổ chức Hội có bước phát triển, tính liên hiệp và việc thực hiện chức năng đại diện, vai trò cầu nối giữa Đảng với phụ nữ có chuyển biến tốt, bộ máy tiếp tục được kiện toàn, chất lượng cán bộ được nâng lên; tỷ lệ phụ nữ tham gia tổ chức Hội, tham gia các hoạt động của Hội ngày càng tăng.
Tuy nhiên, công tác phụ nữ vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Đời sống vật chất, tinh thần, điều kiện lao động, học tập, sinh hoạt của nhiều phụ nữ chưa thực sự được nâng cao…; Việc triển khai, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết chưa đồng bộ, chưa gắn với chương trình, kế hoạch hoạt động hàng năm của các cấp ủy đảng, chính quyền; nguồn lực cho công tác phụ nữ chưa được ưu tiên, tập trung.
Nguyên nhân do nhiều cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cơ quan tham mưu, giúp việc chưa quyết liệt triển khai thực hiện Nghị quyết; một số nơi chưa thực sự quan tâm đến công tác phụ nữ, còn biểu hiện coi công tác phụ nữ là trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ và Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ. Chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về công tác phụ nữ chưa được phân định rõ ràng. Một bộ phận phụ nữ chưa thực sự phấn đấu vươn lên”[1]
Về mặt lý luận, công tác phụ nữ hướng đến chủ thể là phụ nữ được xem xét do có đặc thù riêng, không thể tiếp cận theo xu hướng “đơn và tĩnh” mà phải theo xu hướng “đa và động” trong tương quan với chủ thể nam giới ở tất các mối quan hệ xã hội và gia đình.
Về bối cảnh thế giới hiện nay và 5 năm tới đã và đang có nhiều thay đổi lớn về chính trị, kinh tế; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với nhiều cơ hội và thách thức; hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, hợp tác song và đa phương theo phương châm toàn diện, đặc biệt của Đảng và Nhà nước ta với các nước ngày càng nhiều…
Thực tiễn (nhất là những vấn đề hạn chế và nguyên nhân), lý luận và bối cảnh quốc tế có tác động và ảnh hưởng đến phụ nữ đa chiều, sâu sắc về nhiều mặt. Do đó, công tác phụ nữ cần phải có sự thay đổi để đạt được mục tiêu cao cả, nhân văn mà Đảng và Nhà nước đã xác định.
Sáng kiến của Đoàn Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức hội thảo khoa học “Những vấn đề lý luận về công tác phụ nữ ở Việt Nam trong tình hình mới” trước khi Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII diễn ra có ý nghĩa thực tiễn và lý luận sâu sắc đối với giai đoạn phát triển mới của đất nước nói chung có sự đóng góp của phụ nữ và đối với của phụ nữ nói riêng cho những vấn đề phát triển của bản thân và thế hệ tương lai. Hội thảo bước đầu trao cơ hội xới xáo nhiều khía cạnh trong mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn từ góc nhìn của các nhà khoa học đã và đang công tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau, am hiểu về lý luận và thực tiễn nói chung; tâm huyết, trách nhiệm và sẻ chia, đồng cảm với phụ nữ và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nói riêng trong suốt những năm qua.
Sự kỳ vọng của cá nhân cũng như các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trước thềm hội thảo là thông qua hội thảo được hiểu đầy đủ về lý luận, thực tiễn theo quan điểm của Triết học Mác Lênin “lý luận là hệ thống những tri thức, được khái quát từ những kinh nghiệm thực tiễn, phản ánh những mối liên hệ bản chất, tính quy luật của sự vật, hiện tượng trong thế giới” và tư tưởng Hồ Chí Minh ‘Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mặt mà đi’[2]; ‘Làm mà không có lý luận thì không khác gì đi mò trong đêm tối, vừa chậm chạp vừa hay vấp váp’[3]. Trên cơ sở đó vận dụng vào thực tiễn công tác phụ nữ đã và đang được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao phó, đề nghị Hội tham gia thực hiện.
Trong lịch sử phát triển của nước ta từ năm 1930 đến nay, khi nghiên cứu, xem xét lý luận về một vấn đề nào đó thường đề cập đến những khía cạnh cơ bản về nguyên nhân và quá trình ra đời của vấn đề đó; khái niệm, bản chất, đặc điểm, vai trò, đặc trưng của từng khía cạnh…Trên nền tảng này, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng tin tưởng rằng Hội thảo sẽ thành công trong việc chỉ ra được cách thức vận dụng cách tiếp cận này trong công tác phụ nữ có thể hiểu lý luận về công tác phụ nữ là hệ thống tri thức về nguyên nhân và quá trình ra đời của công tác phụ nữ, khái niệm, bản chất, đặc trưng, vai trò của công tác phụ nữ; cách thức triển khai công tác phụ nữ trong mối quan hệ với các công tác khác của Đảng, Nhà nước; các khía cạnh về đai diện, vận động, thúc đẩy, phát huy nội lực và phát triển của phụ nữ…
[1] Kết luận số 55-KL/TW của Ban Bí thư ngày 18/1/2013 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia,1995, t.5, tr.233-234
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia,1995, t.6, tr.47
Nguồn ảnh: http://caobangtv.gov.vn/