Buổi hội thảo đã thu hút được sự quan tâm,tham gia đông đảo của các đại diện đến từ: Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động – Thương binh và xã hội), UN Women tại Việt Nam, các cơ quan nghiên cứu về những vấn đề liên quan đến Phụ nữ và bình đẳng giới tại Hà Nội và các cơ quan báo đài đến đưa tin. Hội LHPN Việt Nam đã cử đại diện một số Ban, đơn vị đến tham dự hội thảo.
Tại buổi hội thảo, đại diện nhóm nghiên cứu của ISDS đã trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu. Nghiên cứu này được thực hiện từ cuối năm 2012 đến năm 2015 với sự tài trợ của Quỹ Ford, Oxfam Novib và Chính phủ Australia tại 9 tỉnh/thành phố đại diện cho các vùng miền trên khắp đất nước, bao gồm: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thái Bình, Phú Thọ, Lâm Đồng, Bình Thuận, Tây Ninh, Vĩnh Long. Nhóm nghiên cứu đã thực hiện khảo sát và nghiên cứu định tính với 8.424 phụ nữ và nam giới trong độ tuổi 18-65 tại Hà Nội, Hưng Yên, thành phố Hồ Chí Minh, Long An.
Nghiên cứu đã chỉ rõ các lĩnh vực đời sống mà bất bình đẳng giới đang tồn tại cụ thể như: việc làm và nghề nghiệp; phân công lao động và ra các quyết định trong gia đình; sở hữu tài sản; hôn nhân và gia đình; tham gia các hoạt động chính trị – xã hội và hiểu biết các luật liên quan đến giới. Trên cơ sở đó, nghiên cứu đã khẳng định: “Để giải quyết bất bình đẳng giới ở Việt Nam, điều quan trọng là cần giải phóng phụ nữ khỏi nhiệm vụ triền miên là chăm sóc gia đình mà không làm ảnh hưởng đến hạnh phúc của gia đình”. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cũng gợi ý rằng: “Các chính sách và chương trình cần phải chú trọng thúc đẩy nhận thức tích cực và bình đẳng hơn về giá trị, vai trò của phụ nữ và nam giới trong gia đình và ngoài xã hội. Cùng với các yếu tố khác, giáo dục là yếu tố quan trọng trong việc chuyển đổi nhận thức của người dân về vai trò giới và tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội và chính trị đồng thời thúc đẩy sự tham gia của nam giới vào công việc chăm sóc gia đình”.
Nghiên cứu đã đưa ra một số khuyến nghị chủ chốt là: Thay đổi những quan niệm truyền thống, cứng nhắc về giá trị và vai trò của phụ nữ; Tăng cường thực thi hiệu quả các luật liên quan tới bình đẳng giới và phụ nữ; Cải thiện các dịch vụ xã hội cơ bản nhằm giảm gánh nặng việc nhà; Xây dựng và triển khai chính sách thúc đẩy sự tiếp cận của phụ nữ tới các cơ hội phát triển sự nghiệp thông qua đào tạo chuyên môn.
Đối với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đây thực sự là những thông tin hữu ích. Tại hội thảo, Phó chủ tịch Thường trực Hoàng Thị Ái Nhiên khẳng định: “Nghiên cứu đã phản ánh được những khó khăn trong công việc gia đình của phụ nữ hiện nay và những “rào cản” vô hình đối với phụ nữ trong nhiều lĩnh vực của đời sống. Những phát hiện này rất có giá trị đối với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đặc biệt trong bối cảnh Hội đang chuẩn bị Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ 12 và xây dựng chương trình, nhiệm vụ nhiệm kỳ tới. Những thông tin của nghiên cứu là cơ sở để Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam có căn cứ làm tốt công tác vận động chính sách và can thiệp, hỗ trợ phụ nữ vì mục tiêu bình đẳng giới”.