TS. Trần Quang Tiến, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam chủ trì hội thảo.
Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo các Ban cơ quan TW Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, các chuyên gia Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động thương binh xã hội, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, các nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Trần Quang Tiến trân trọng cảm ơn sự có mặt của các nhà khoa học và các chuyên gia kinh tế đến từ các doanh nghiệp; trao đổi về hội thảo là một hoạt động nằm trong tiến trình thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ do Học viện thực hiện năm 2018-2019 về “Khả năng thích ứng nghề nghiệp của lao động nữ trước yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”. Đề tài thực hiện với mục tiêu đánh giá một cách có hệ thống, dựa trên khung lý thuyết khoa học về khả năng thích ứng nghề nghiệp của lao động nữ trong một số ngành nghề chịu sự tác động cao của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, làm căn cứ đề xuất chính sách, giải pháp nâng cao khả năng thích ứng nghề nghiệp của lao động nữ (LĐN) trong tình hình mới.
Hội thảo được tổ chức nhằm tăng cường trao đổi kết quả nghiên cứu khoa học, tạo diễn đàn học thuật thảo luận các vấn đề liên quan đến thích ứng nghề nghiệp của lao động nữ trước tác động, yêu cầu của CMCN 4.0. Từ đó, tạo lập kênh trao đổi, hợp tác giữa các nhà khoa học đầu ngành trong nước về nội dung này.
Tại hội thảo, có 6 tham luận đã được trình bày tập trung vào các vấn đề: CMCN 4.0 và những cơ hội, thách thức đối với thị trường lao động Việt Nam (TS. Lê Hồng Việt, nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Phụ nữ, Học viện Phụ nữ Việt Nam); Khả năng thích ứng nghề nghiệp của lao động nữ trong ngành nông nghiệp công nghệ cao trước yêu cầu của CMCN 4.0 (TS. Lê Thị Tường Vân, nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Phụ nữ, Học viện Phụ nữ Việt Nam); Giải pháp nâng cao năng suất lao động và thu nhập cho lao động nữ trong ngành dệt may ở Việt Nam (ThS. Nguyễn Thị Ngân Hà, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư); Khả năng thích ứng nghề nghiệp của lao động nữ trong ngành du lịch trước yêu cầu của CMCN 4.0 (ThS. Trương Thúy Hằng, nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Phụ nữ, Học viện Phụ nữ Việt Nam); Lao động nữ Việt Nam trong bối cảnh CMCN 4.0: những thách thức và gợi ý chính sách (TS. Thân Trung Dũng, Học viện Hậu cần, Bộ Quốc Phòng); Những yếu tố tác động/ảnh hưởng đến khả năng thích ứng nghề nghiệp của lao động nữ trước yêu cầu của CMCN 4.0 (TS. Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam).
Các đại biểu tham dự hội thảo đã tập trung thảo luận về bản chất của CMCN 4.0 trên thế giới và tại Việt Nam; trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới trong việc thích ứng và giải quyết các vấn đề về lao động trong CMCN 4.0; từ đó, nhìn nhận sự thích ứng cũng như thách thức mà cuộc cách mạng công nghiệp này mang lại đối với lao động nữ nhất là các ngành điện tử, may mặc, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao…
Các đại biểu cũng phân tích các khía cạnh làm rõ thực trạng khả năng thích ứng nghề nghiệp của LĐN và mối quan hệ của chúng đến hai khía cạnh: sự hài lòng đối với công việc hiện tại và tình trạng thay đổi công việc của LĐN. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, sự bùng nổ của cuộc CMCN 4.0 dẫn đến khả năng số lượng lao động sẽ bị thu hẹp lại bởi số hóa và tự động hóa thì lao động nữ sẽ thích ứng với công việc hiện tại như thế nào, cần chuẩn bị những gì để sẵn sàng cho công việc tương lai của họ…
Sau thời gian làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, hội thảo khoa học đã thành công tốt đẹp. Các tham luận, trao đổi tại hội thảo một lần nữa khẳng định, sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ đã và đang mang lại nhiều tiến bộ về năng suất lao động. Song với những thay đổi nhu cầu sử dụng lao động trong tình hình CMCN 4.0 sẽ đặt ra nhiều thách thức với LĐN. Kết quả của hội thảo sẽ đóng góp những thông tin, ý nghĩa nhất định trong việc hoàn thiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ về khả năng thích ứng nghề nghiệp của LĐN trước yêu cầu của CMCN 4.0. Từ đó, đưa ra các giải pháp để nâng cao năng lực thích ứng nghề nghiệp của LĐN đối với người lao động, với doanh nghiệp/tổ chức và đặc biệt đối với nhà nước, các bộ ngành chức năng.