Khóa tập huấn không chỉ là cơ hội để các cán bộ và đại diện tổ chức liên quan nâng cao kiến thức, mà còn mở ra những triển vọng hợp tác và phát triển chính sách mang tính đột phá, đáp ứng nhu cầu thực tế của các nhóm yếu thế trong xã hội.

Khóa tập huấn Bình đẳng giới và hòa nhập khuyết tật được tổ chức nhằm củng cố kiến thức và nỗ lực của các đối tác trong việc thực hiện bình đẳng giới và hòa nhập khuyết tật. Thông qua chương trình, các đại biểu sẽ cùng nhau xác định những rào cản còn tồn tại trong việc tiếp cận dịch vụ và thực hiện quyền lợi của người di cư, những người thuộc giới tính khác và người khuyết tật. Đây là những vấn đề mang tính liên hệ chặt chẽ, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống và sự hòa nhập xã hội của họ.

Chương trình tập huấn còn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Hội Người khuyết tật, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, và đặc biệt là giảng viên Học viện Phụ nữ Việt Nam. Những bài giảng chuyên đề về bình đẳng giới và hòa nhập khuyết tật kỳ vọng sẽ mang đến những kiến thức cập nhật, cùng các giải pháp thiết thực nhằm thay đổi các chuẩn mực phân biệt đối xử đối với người khuyết tật.

Chương trình tập huấn kéo dài 2,5 ngày tại hội trường 305, tòa A2, Học viện Phụ nữ Việt Nam, Hà Nội. Các buổi học xoay quanh ba nội dung chính: Hòa nhập khuyết tật; Bình đẳng giới và Sự hòa nhập di cư, đa dạng giới. Với sự tham gia của các chuyên gia và đại diện các tổ chức, khóa học sẽ mang đến những góc nhìn mới mẻ về cách thức tích hợp các yếu tố giới và khuyết tật vào trong các chính sách công.

Giảng viên chính của lớp tập huấn là bà Pollock Jacqueline Ann, một chuyên gia quốc tế về bình đẳng giới và hòa nhập khuyết tật. Cùng sự hỗ trợ của TS. Trần Thị Thu Hiền – Phó trưởng khoa Giới và phát triển và Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Anh – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phụ nữ, Học viện Phụ nữ Việt Nam.

Bà Jacqueline Ann sẽ chia sẻ những bài giảng chuyên sâu về các vấn đề hiện tại và các mô hình thành công từ nhiều quốc gia khác nhau nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và hòa nhập khuyết tật. Những nội dung này hứa hẹn không chỉ mang tính học thuật cao mà còn rất thực tiễn, giúp người học dễ dàng áp dụng vào công việc và cuộc sống.

Lớp tập huấn không chỉ dừng lại ở việc truyền tải kiến thức mà còn là cơ hội để các đại biểu kết nối và chia sẻ kinh nghiệm, từ đó hình thành một mạng lưới hợp tác bền vững. Việc mở rộng quan hệ hợp tác giữa các tổ chức trong và ngoài nước, cùng với sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế như Văn phòng ILO tại Việt Nam, hứa hẹn sẽ mang lại những bước tiến lớn trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và hòa nhập khuyết tật tại Việt Nam.