Máy bay hạ độ cao, chúng tôi nhìn thấy thủ đô Seoul của Hàn Quốc hiện ra xanh ngắt trên nền nước biển. Theo thông tin chúng tôi tìm hiểu thì Hàn Quốc là đất nước có tới 70% diện tích là đồi núi. Xem phim Hàn, thấy cảnh đã đẹp mà nhìn cảnh thực lại còn thấy đẹp hơn, thấy trân trọng cách người Hàn Quốc bảo vệ, giữ gìn và chăm sóc thiên nhiên của đất nước.

        Tốc độ đô thị hoá và công nghiệp phát triển với kiến trúc đô thị hiện đại, những khu nhà cao tầng, những đại lộ nhiều làn đường ô tô, đường trên cao… nhưng nơi đây vẫn giữ được cảnh quan tự nhiên với màu xanh cây lá, những bồn hoa tươi thắm, những công viên, đài phun nước… tạo nên sự hài hoà của môi trường thiên nhiên.

        Trong 5 ngày ở Hàn Quốc, ngoài Seoul, chúng tôi được Viện Thúc đẩy Bình đẳng giới KIGEPE đưa đi tham quan, học tập và làm việc tại các tỉnh Gu-mi, Cheongdo Shindo, Pohang, Gyeongju… là những địa danh có nhiều di tích lịch sử, văn hóa và phong cảnh đẹp nổi tiếng của xứ Hàn. Cảm nhận sâu sắc nhất của chúng tôi là người Hàn Quốc rất tôn trọng thiên nhiên, môi trường; trân trọng bảo vệ, giữ gìn và biết khai thác các di tích lịch sử, văn hoá và cảnh quan. Ở những nơi chúng tôi đến thăm, các dịch vụ du lịch như: quảng bá hình ảnh địa danh, khách sạn, nhà hàng… và thái độ giao tiếp ứng xử ci mở, nồng hậu của người dân xứ Hàn đã tạo nên ấn tượng khó phai mờ với du khách.

     Tại tỉnh Gu-mi, quê hương của cố Tổng thống Park Chung-hee, chúng tôi được tham quan khu nhà ở thuở thiếu thời của ông. Xe đỗ, chúng tôi như quay về thời quá khứ cách đây vài chục năm với cảnh quan, hiện vật được lưu giữ cẩn thận. Ngôi nhà bé nhỏ tường đất nện, mái rạ, được xây dựng theo kiểu truyền thống với đầy đủ các vật dụng của gia đình nông dân xứ Hàn. Ấn tượng nhất là căn phòng học của cố Tổng thống – một phòng nhỏ với chiếc bàn đọc sách cũng rất nhỏ nhưng đã nuôi dưỡng chí hướng của con người nổi tiếng. Ngoài cổng nhà có di ảnh của hai vợ chồng cố Tổng thống, khách tham quan thường chụp một kiểu với di ảnh này để làm kỷ niệm. Đặc biệt, trong sân của khu nhà có trang bị máy chụp ảnh kết nối với mạng Internet để khách có thể trực tiếp gửi ảnh qua mạng rất tiện lợi.

Tiếp đó, chúng tôi đến thăm Cheongdo Shindo, nơi có phong trào xây dựng “làng mới” đã được nhiều nước đang phát triển sang tham quan và học kinh nghiệm. Từ nghèo đói, bần hàn nhưng với ý chí “cần mẫn, tự lực, hợp tác” và cách nghĩ “tài nguyên có hạn nhưng khả năng sáng tạo là vô hạn” những người dân của Cheongdo Shindo đã tạo nên kỳ tích vĩ đại. Cuộc sống của người dân Cheongdo Shindo hiện nay không chỉ giàu có về của cải vật chất, tinh thần mà môi trường thiên nhiên luôn được bảo vệ xanh – sạch – đẹp và phát triển bền vững.

Chặng dừng chân và làm việc tiếp theo của đoàn chúng tôi là thành phố Pohang, thành phố công nghiệp. Chúng tôi đã tham quan nhà máy Posco – nhà máy luyện và cán thép hiện đại số một của Hàn Quốc. Khi nghe giới thiệu về quy trình công nghệ để tạo ra một mẻ thép, chúng tôi càng khâm phục ý chí của người Hàn, bởi đất nước họ không có quặng, mọi nguyên vật liệu liên quan đến luyện và cán thép đều phải nhập khẩu, nhưng Hàn Quốc đứng thứ 2 về sản lượng thép trong các nước công nghiệp đang phát triển. Điều chúng tôi ghi nhận ở khu công nghiệp luyện và cán thép Posco là môi trường được bảo đảm vệ sinh an toàn cho người lao động. Không chỉ sử dụng quy trình sản xuất tự động hoá, trong nhà máy còn có hệ thống phun nước chống bụi, làm mát, cây xanh được trồng để tạo cảnh quan thiên nhiên hài hoà.

 

Trung tâm văn hoá phụ nữ Thành phố Pohang

Trung tâm văn hoá phụ nữ Thành phố Pohang

Tại Pohang, chúng tôi còn đến thăm và làm việc tại Trung tâm Văn hoá Phụ nữ Pohang, nghe giới thiệu về tổ chức bộ máy và các hoạt động giáo dục dạy nghề cho phụ nữ. Đáng chú ý là mảng các hoạt động hỗ trợ cho phụ nữ nước ngoài lấy chồng Hàn Quốc – trong đó có khá nhiều cô dâu người Việt Nam. Trung tâm đã tổ chức dạy tiếng Hàn và cung cấp thông tin cần thiết về văn hoá, phong tục, lối sống… của người Hàn Quốc, tạo ra nhịp cầu nối gần gũi cho các cô dâu nước ngoài đến sống tại đây. Để giúp các cô dâu nước ngoài có thu nhập, Trung tâm dạy nghề chăm sóc da, làm tóc, thiết kế thời trang, may quần áo, làm bánh, nấu ăn… Trung tâm có lớp dạy tiếng Hàn cho những trẻ em – con các gia đình đa văn hoá – do mẹ là người nước ngoài nên nhiều bé lớn lên khó khăn trong việc học và nói tiếng Hàn.

Đoàn đã gặp gỡ và trò chuyện với một số phụ nữ Việt Nam lấy chồng người Hàn Quốc và hiện đang sống tại Pohang. Hàn Quốc là nước có chính sách phát triển về dân số và cho phép hôn nhân với người nước ngoài, xây dựng gia đình đa văn hoá. Nhưng một trong những khó khăn đối với các cô dâu nước ngoài đến Hàn Quốc là ngôn ngữ bất đồng, thiếu hiểu biết về văn hoá, phong tục, tập quán, lối sống… Hầu hết họ sang đây đều sống dựa vào chồng và gia đình chồng nên thiếu cơ hội hoà nhập với cộng đồng, tham gia các hoạt động xã hội để tự khẳng định bản thân. Trung tâm Văn hoá Phụ nữ là địa chỉ cần thiết hỗ trợ cho các cô dâu người nước ngoài.

Có lẽ, tỉnh Gyeongju – cố đô của triều đại Silla có lịch sử từ hơn 1000 năm trước là nơi để lại trong chúng tôi nhiều ấn tượng sâu đậm nhất. Nơi đây có rất nhiều phong cảnh đẹp và là di tích văn hoá, lịch sử nổi tiếng của Hàn Quốc như: cố đô với những ngôi mộ cổ, đài thiên văn cổ, chùa Bulguksa – ngôi chùa cổ và là biểu tượng của Phật giáo của Hàn Quốc, bảo tàng lịch sử, bảo tàng các loài động vật…

 

Cổng vào chùa Bulguksa

Cổng vào chùa Bulguksa

Lòng mến khách, văn hoá trong kiến trúc, trong ẩm thực của làng Yangdong Hahoe, một ngôi làng bình dị, phảng phất hình ảnh làng quê Việt Nam làm chúng tôi chợt thấy bồi hồi nhớ nhà… Đầu đường dẫn vào làng có hồ sen, những đoá sen trắng, hồng đang độ nở rộ, dịu dàng toả hương ngan ngát; con đường làng quanh co, ẩn hiện trong bóng cây, dẫn đến cổng các ngôi nhà. Mỗi cổng có một bức tượng gỗ có kiểu dáng, kích thước khác nhau, tạo nên vẻ độc đáo, thân thiện như muốn mời chào du khách; những ngôi nhà kiến trúc mái cong, tường đất nện, vườn cây hoa lá… tạo vẻ đẹp sơn thuỷ hữu tình như bức tranh thuỷ mặc.

            Đất nước Hàn Quốc tươi xanh, sạch đẹp và phát triển hiện đại có sự đóng góp vô cùng to lớn của những người phụ nữ xứ Hàn. Cảm nhận sâu sắc của chúng tôi về phụ nữ ở đây là họ rất chăm chỉ cần mẫn, thể hiện tính trách nhiệm rất cao trong công việc. Phụ nữ tham gia công tác ở mọi lĩnh vực và trong các mảng công tác xã hội tại các Viện Nghiên cứu – đào tạo, các trung tâm tư vấn, trung tâm văn hoá phụ nữ… hầu hết số lượng nhân viên là phụ nữ. Ngay tại Viện KIGEPE – Viện Thúc đẩy Bình đẳng giới của Hàn Quốc, chúng tôi được biết từ Viện trưởng đến các giáo sư và nhân viên của Viện đều là phụ nữ.

         Ngược dòng lịch sử cận đại của Hàn Quốc, vào thập niên 1959, phụ nữ đã đóng góp quan trọng trong công cuộc tái thiết đất nước thời hậu chiến. Năm 1959, Uỷ ban Phụ nữ Quốc gia Hàn Quốc được thành lập, là trung tâm tiến hành các hoạt động của nữ giới. Các nhóm hoạt động về nữ giới tổ chức các cuộc vận động nhằm cải tổ luật gia đình và bãi bỏ chế độ thê thiếp, yêu cầu bãi miễn các công chức nhà nước ủng hộ chế độ này.

         Sau chiến tranh, Hàn Quốc phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhưng người Hàn Quốc nói chung và phụ nữ Hàn Quốc nói riêng luồn tràn đầy nhiệt huyết đối với giáo dục. Nữ sinh làm việc ban ngày, tranh thủ học vào buổi tối. Phần lớn số tiền kiếm được họ dành để phụng dưỡng cha mẹ và trang trải học phí cho các em. Thập niên 60 – 70, rất nhiều người Hàn Quốc di cư đến Đức để lao động, công việc chủ yếu của phụ nữ là làm y tá, nam giới làm thợ mỏ. Hàn Quốc là đất nước có chính sách kiềm chế dân số và kế hoạch hoá gia đình một cách triệt để và thành công từ những năm 60 – 70 phần lớn là do ý thức của người phụ nữ.

         Hầu hết phụ nữ Hàn Quốc sống và làm việc chăm chỉ với mục đích tạo điều kiện thuận lợi nhất cho con cái được học hành. Các lớp học thường xuyên quá tải và đội ngũ giáo viên có chuyên môn cũng như trang bị dạy và học thường xuyên thiếu hụt, mặc dù nhà nước luôn ưu tiên đầu tư cho ngành giáo dục. Tính cạnh tranh ở kỳ thi đầu vào đại học rất cao, tuy nhiên tỷ lệ nữ giới tốt nghiệp đại học ngày càng tăng đã chứng tỏ ý chí và khả năng của phụ nữ Hàn Quốc. Điều này cũng giúp cho vị thế của nữ giới trong xã hội được cải thiện. Ngày nay, phụ nữ Hàn Quốc đấu tranh mạnh mẽ vì nhân quyền, quyền sở hữu tài sản, quyền bình đẳng trong gia đình, công sở và xã hội. Các nhà lãnh đạo, các nhà hoạt động xã hội và các tổ chức phụ nữ đã đóng góp không nhỏ cho quá trình thành lập Bộ Gia đình và Bình đẳng giới ở Hàn Quốc vào năm 2001.

           Từ khi thành lập đến nay, Bộ Gia đình và Bình đẳng giới đã trở thành đầu mối trong nghiên cứu, đào tạo và đề xuất với Chính phủ ban hành các chính sách xã hội nói chung và chính sách về bình đẳng giới và phụ nữ nói riêng.

Các tầng lớp phụ nữ Hàn Quốc đang đóng góp cho các hoạt động thực hiện hàng loạt các chính sách: phát triển nguồn nhân lực nữ, bảo vệ nhân quyền cho phụ nữ, chính sách gia đình, chính sách tập trung vào thanh niên, chính sách tập trung vào phụ nữ nhập cư, hợp tác và trao đổi các nhóm về nữ giới…

Trong vòng 20 năm qua, chính sách phụ nữ và gia đình của Hàn Quốc đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Sự biến đổi đáng ghi nhận nhất chính là hình mẫu về chính sách phụ nữ. Lĩnh vực thành công nhất là việc cải cách, mở rộng thực hiện lồng ghép giới trong hệ thống chế độ chính sách. Đặc biệt quan điểm về giới đã được chính thức sử dụng trong các chương trình và chính sách xã hội thông qua Hiến chương Bình đẳng giới của Bộ Phụ nữ năm 2001. Nhằm loại bỏ tư tưởng chủ hộ vốn lấy nền tảng từ quan hệ gia đình của thời tiền cận đại và ngăn chặn các hiện tượng bạo lực gia đình, bạo dâm và mua bán dâm, luật nhân quyền cũng đã được sửa đổi 3 lần hướng tới đối tượng nữ giới. Với mục tiêu ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ, trong thời gian qua các luật liên quan đã thay đổi được hiện thực vấn đề bạo lực mà phụ nữ đã phải chịu đựng cho đến nay, cũng như thay đổi được nhận thức của xã hội về nhân quyền của người phụ nữ. Bên cạnh đó, xã hội đã công nhận thành quả phát triển của các luật về bảo hộ, chăm sóc, bảo dưỡng tại trường học, luật bình đẳng giới trong lao động.

Đến Hàn Quốc quan sát, suy ngẫm về đất nước, con người và đặc biệt là phụ nữ Hàn Quốc trong cuộc sống, công việc… với 5 ngày ngắn ngủi, chúng tôi đã chiêm nghiệm không chỉ cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, tình cảm nồng hậu của con người và phụ nữ xứ Hàn – đại diện là các nữ giáo sư của Viện KIGEPE mà còn tiếp thu được nhiều bài học hay về vấn đề phụ nữ và bình đẳng giới từ thực tiễn cuộc sống của Hàn Quốc.

Tạm biệt đất nước Hàn Quốc với những người phụ nữ đang góp phần quan trọng trong công cuộc phát triển đất nước, chúng tôi mong sẽ có lần quay trở lại để thấy sự phát triển lớn mạnh không ngừng của xứ sở kim chi.

                                                                                                                                                   Tháng 8/2011