Theo số liệu nhất từ kết quả “Nghiên cứu quốc gia về Bạo lực Gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam” được Chính phủ Việt Nam và Liên Hợp Quốc công bố  ngày 25/11/2010 cho thấy thực trạng rõ nhất về bạo lực gia đình ở Việt Nam: Nếu xem xét đến cả ba hình thức bạo hành chính trong đời sống vợ chồng – thể xác, tình dục và tinh thần, thì có hơn một nửa (58%) phụ nữ Việt Nam cho biết đã từng là nạn nhân của ít nhất một hình thức bạo lực gia đình kể trên. Khả năng phụ nữ bị chồng mình lạm dụng nhiều hơn gấp ba lần so với khả năng họ bị người khác lạm dụng.

Theo đó, tỷ lệ bị bạo lực về thể xác trong đời do chồng gây ra đối với phụ nữ Việt Nam là 31,5%; khoảng 9,9% phụ nữ từng kết hôn bị bạo lực tình dục trong đời do chồng gây ra; tỷ lệ bạo lực tình dục hoặc bạo lực thể xác, hoặc cả hai đối với phụ nữ do chồng gây ra là 34,4%; tỷ lệ bị bạo lực tinh thần đối với phụ nữ do chồng gây ra là 53,6%; tỷ lệ phụ nữ cho biết đã bị một hoặc nhiều hơn các hành vi kiểm soát của chồng là 33,3% và 9% phụ nữ bị bạo lực kinh tế từ người chồng của mình.

Các số liệu mới được đưa ra đã nêu bật một thực trạng là đa số phụ nữ Việt Nam đều có nguy cơ tiềm tàng bị bạo lực gia đình ở một hay một vài thời điểm nào đó trong cuộc sống của họ. Bạo lực đối với phụ nữ có một tác động sâu hơn so với những tác hại tức thì và dễ nhận biết. Nó gây tác động đáng kể đối với sức khỏe thể chất và tâm thần của người phụ nữ, ảnh hưởng tới năng suất lao động của các thành viên trong gia đình và vấn đề giáo dục, chăm lo sức khỏe cho con cái. Bạo lực đối với phụ nữ cũng làm phát sinh những chi phí mà cộng đồng và quốc gia phải gánh chịu.

 

           Hiện nay tại các địa phương có rất nhiều mô hình phòng chống bạo lực gia đình dựa vào cộng đồng như mô hình “Câu lạc bộ phòng chống BLGĐ”, mô hình “Can thiệp trong những trường hợp khẩn cấp”, mô hình “Nhà tạm lánh”, mô hình “Địa chỉ tin cậy”, mô hình “Tư vấn, truyền thông”… Tuy nhiên, qua khảo sát tại 4 xã, phường tại địa bàn tỉnh Bắc Ninh (xã Phú Lâm, xã Việt Đoàn, xã Tương Giang và phường Đồng Nguyên) cho thấy mô hình “Tổ, nhóm phòng chống BLGĐ” phát triển rất mạnh với nhiều tên gọi khác nhau. Dưới đây là một số mô hình phổ biến và được đánh giá là có hiệu quả trong quá trình hoạt động.

– Mô hình Tổ cộng tác viên

Tổ cộng tác viên do Chủ tịch UBND xã quyết định thành lập. Thành phần tổ cộng tác viên gồm có: Chủ tịch Hội phụ nữ, trưởng công an xã, cán bộ tư pháp, trưởng y tế, trưởng hội cựu chiến binh. Mục đích thành lập tổ cộng tác viên là tuyên truyền trực tiếp, gián tiếp luật phòng chống PLGĐ và các luật liên quan, thông tin tình hình bạo lực ở địa phương; phối hợp với các ban ngành liên quan để giải quyết các vụ việc nảy sinh.

Khi có BLGĐ, nạn nhân tìm đến tổ cộng tác viên hoặc ai đó biết về vụ việc bạo lực sẽ gọi cho tổ cộng tác viên, các thành viên của tổ sẽ đến nắm bắt tình hình, động viên, viết biên bản, giải thích, răn đe đối tượng. Nếu sự việc nghiêm trọng, tổ cộng tác viên sẽ mời cán bộ thôn và tổ hòa giải đến làm việc chung. Mỗi tháng tổ cộng tác viên họp một lần, mời lãnh đạo thôn, hội phụ nữ thôn đến để thống nhất cách tổ chức, đánh giá rút kinh nghiệm

Mô hình Tổ cộng tác viên phòng chống BLGĐ sau khitriển khai thể hiện hiệu quả rõ rệt. Các nạn nhận bị bạo lực gia đình không còn im lặng, chịu đựng nữa mà đã lên tiếng nhờ tổ cộng tác viên bảo vệ, tư vấn, trợ giúp cho mình; người dân đã quan tâm hơn đến công tác phòng chống BLGĐ; các vụ việc vi phạm luật phòng chống BLGĐ được tổ cộng tác viên giải quyết, hòa giải đạt kết quả. Những người gây BLGĐ đã hiểu biết hơn về hành vi của mình gây ra cho người thân, đồng thời họ nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật, vi phạm luật phòng chống BLGĐ.

–  Mô hình Tổ hoà giải

Tổ hòa giải là một nhóm người có uy tín được thành lập theo quyết định của UBND xã. Thông thường mỗi thôn thành lập một tổ hoà giải do cán bộ tư pháp xã quản lý. Thành phần tham dự trong tổ hoà giải bao gồm: Đại diện các ban ngành đoàn thể trong thôn (Hội Phụ nữ, Hội cựu chiến binh, tư pháp, công an, y tế, đoàn thanh niên…), trưởng thôn, bí thư chi bộ. Mục đích thành lập Tổ hòa giải là hòa giải mâu thuẫn, bạo lực trực tiếp đối với nạn nhân và các thành viên có liên quan.

Khi có bạo lực, Tổ hoà giải gặp gia đình để tìm nguyên nhân gây ra bạo lực, phân tích những nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn gia đình, phân tích sự đúng sai của từng thành viên nhằm giúp giải quyết mâu thuẫn. Nếu cuộc gặp không đem lại kết quả, tiếp tục tái diễn thì Tổ sẽ mời ra trụ sở của thôn để làm việc. Nếu không đem lại hiệu quả thì tiếp tục phản ánh lên UBND xã để công an, tư pháp vào cuộc. Tổ hòa giải hoạt động rất thường xuyên, tuy nhiên tổ không có kinh phí, chủ yếu hoạt động là do sự tự nguyện của các thành viên trong tổ.

    Mô hình “Tổ hòa giải” đã phát huy tốt hiệu quả trong quá trình hoạt động. Trong 5 năm qua phường Đồng Nguyên đã trực tiếp tiếp nhận 18 vụ liên quan đến bạo lực gia đình và đã hòa giải, giải quyết 10 vụ việc/18 vụ tiếp nhận, trong đó hòa giải thành công 7 vụ; hòa giải thành công 17 vụ tại xã Phú Lâm; 9 vụ tại xã Việt Đoàn, 13 vụ tại xã Tương Giang.

“Sau khi có dự án, tổ đã đi vào hoạt động tích cực, đóng góp vào việc giữ gìn hạnh phúc cho mọi gia đinh. Cụ thể có những cặp vợ chồng cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt nay lại về với nhau, đoàn tụ sống vui vẻ, cùng nhau chia sẻ tình cảm và làm ăn phát triển kinh tế. Có cặp vợ chồng trước đây chỉ biết đến rượu chè và đánh đập thì nhờ có các tổ hòa giải, cộng tác viên đã giảm hẳn tình trạng đó”.

(PVS cán bộ thôn An Phú, xã Phú Lâm)

– Mô hình Tổ liên gia

Tổ liên gia là nhóm các gia đình ở gần nhau, tự giúp đỡ lẫn nhau, trợ giúp cho nạn nhân bạo lực gia đình trong tổ liên gia của mình, được thành lập theo chòm xóm, hoặc xóm, hoặc theo dòng họ. Để có một tổ liên gia, cứ khoảng 15 gia đình hợp thành một tổ liên gia. Tổ trưởng tổ liên gia phải là người mẫu mực. Nếu tổ liên gia thành lập theo dòng họ thì giao cho trưởng họ làm tổ trưởng hoặc người có uy tín làm tổ trưởng. Các tổ liên gia không có quyết định, quy định, kinh phí, chủ yếu hoạt động dựa vào uy tín của mọi người.

Việc thành lập tổ liên gia được thực hiện từ cấp xã xuống thôn, từ thôn đến xóm, đến ngõ. Mô hình tổ liên gia do UBND xã hướng dẫn thành lập và thôn quản lý, chịu sự chỉ đạo của cấp Uỷ. Nếu tổ liên gia được thành lập trong dòng họ thì hoạt động chủ yếu là: tổ chức giao lưu, nói chuyện chuyên đề về phòng chống BLGĐ; sinh hoạt trong dòng họ như tuyên dương những gia đình hạnh phúc, phê bình, nhắc nhở những gia đình còn mất đoàn kết… Các tổ liên gia khác hoạt động chủ yếu là khuyên nhủ, can ngăn các gia đình có BLGĐ.

Mô hình “Tổ liên gia” không chỉ giải quyết mâu thuẫn gia đình mà còn tạo điều kiện để các gia đình giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, cảm thông, chia sẻ những lúc gia đình có công việc như: hiếu, hỉ, thăm hỏi lúc ốm đau… Chính điều đó làm cho các gia đình xích lại gần nhau, mối quan hệ giữa người dân trong thôn xóm được tốt hơn, đoàn kết hơn, vì vậy mà bạo lực sẽ được giảm thiểu. Mô hình này được đánh giá là rất hiệu quả trong việc làm giảm thiểu bạo lực gia đình vì thực hiện liên tục, trực tiếp, nắm bắt tình hình sát sao.

“Mô hình tổ liên gia theo tôi là rất hay, làm tăng tình đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, phát huy tinh thần “lá lành đùm lá rách”, góp phần hạn chế tình trạng BLGĐ”.

(PVS nạn nhân tại khu phố Cẩm Giang)

– Mô hình tổ, nhóm phòng chống BLGĐ

Các tổ, nhóm phòng chống bạo lực gia đình được thành lập bởi các thành viên ngay trong xóm, thôn, phố. Thành viên có thể là trưởng thôn, trưởng xóm, trưởng các ban ngành, các ông, bà, gia đình có uy tín tại cộng đồng. Các tổ, nhóm do UBND xã thành lập và quản lý, có chức năng giúp UBND xã ngăn chặn, can thiệp và giải tỏa các vụ bạo lực gia đình xảy ra trong địa bàn xã theo nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Mô hình “Tổ, nhóm phòng chống BLGĐ” được cấp ủy quan tâm lãnh đạo; sự tham gia của các ban ngành liên quan, sự tham gia của các dòng họ…nhằm phòng chống và can thiệp kịp thời để hạn chế những tổn thất xảy ra. Mục đích thành lập nhằm giảm thiểu các vụ BLGĐ, giúp đỡ kịp thời các nạn nhân của bạo lực gia đình, đưa đến địa chỉ tin cậy, phối hợp với các ban ngành liên quan giải quyết vụ việc.

Điểm mạnh của mô hình là đã biết phát huy vai trò của tập thể, tổ chức, được các cấp các ngành vào cuộc và có sự tham gia của người dân; được nhân dân tin tưởng và đồng tình ủng hộ. Qua hoạt động của các tổ, nhóm cho thấy các vụ bạo lực gia đình giảm đi rõ rệt.

Mô hình phòng chống BLGĐ đã và đang hoạt động có hiệu quả, song để đáp ứng được mong muốn của nhân dân địa phương cần tiếp tục duy trì đẩy mạnh chương trình phòng chống bạo lực ở khu dân cư bằng nhiều hình thức khơi dậy ý thức trách nhiệm của người dân, các tổ chức về vấn đề BLGĐ, nhất là ở nam giới. Cần gắn công tác phòng chống BLGĐ với hoạt động thường xuyên của các tổ chức đoàn thể. Bên cạnh đó cần trang bị cho đội ngũ làm công tác phòng chống BLGĐ, đặc biệt là những cán bộ quản lý mô hình những kiến thức, kỹ năng cần thiết để họ có thể làm tốt công việc của mình.