Câu 1: Vì sao sinh viên nên chọn học ngành công tác xã hội?

Nghề CTXH đã xuất hiện ở các nước phát triển cách đây hơn 150 năm, nhưng ở nước ta hiện nay đây vẫn là một nghề rất mới mẻ. Nhiều bạn trẻ còn e ngại khi lựa chọn học nghề này. Những lý do sau đây khiến chúng tôi khuyên bạn nên lựa chọn nghề này: 

1. Theo Đề án phát triển nghề Công tác xã hội giai đoạn 2010 – 2020, Thủ tướng chính phủ đã ký quyết định chính thức công nhận Công tác xã hội là một nghề trong xã hội. Tiếp đó, ngày 25/8/2010, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 08 ban hành chức danh, mã số các ngạch viên chức Công tác Xã hội.

Theo đề án thì từ nay đến năm 2015, mỗi xã phường cần khoảng 1- 2 viên chức công tác xã hội, đến năm 2020 cả nước sẽ cần khoảng 60.000 viên chức làm nghề này. Trong khi hiện nay mỗi năm nước ta mới đào tạo được khoảng 1000 sinh viên nghề công tác xã hội. Như vậy nếu bạn học nghề này thì cơ hội để bạn có thể trở thành viên chức công tác xã hội là rất lớn.

Ngoài việc trở thành công chức công tác xã hội tại các xã phường thì hiếm có nghề nào bạn lại có thể làm việc trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau như: cán bộ CTXH ở các bệnh viện, trong các trung tâm tư pháp, trong môi trường giáo dục, trong các nhà máy xí nghiệp….

Như vậy đầu ra cho những sinh viên học nghề công tác xã hội đang rất mở rộng.

2. Đây là nghề trợ giúp con người do đó mang tính nhân văn rất cao cả, nếu bạn làm nghề này bạn có thể giúp đỡ được rất nhiều người nhất là những người có hoàn cảnh đặc biệt trong xã hội. Bạn sẽ mang được rất nhiều niềm vui đến cho những cá nhân, những nhóm người mà bạn trợ giúp thành công. Và mang lại hạnh phúc cho người khác là bạn đang mang lại hạnh phúc cho chính mình.

3.  Nếu học nghề công tác xã hội bạn sẽ có cơ hội để học tập, rèn luyện và phát triển các kỹ năng rất cần thiết trong cuộc sống như: kỹ năng giao tiếp- bạn sẽ được học kỹ năng nghe, nói và viết một cách có hiệu quả; bạn có kỹ năng trao đổi với người khác; kỹ năng can thiệp, kỹ năng hỗ trợ xử lý khủng hoảng, kỹ năng tư vấn tâm lý (tham vấn), kỹ năng giải quyết các vấn đề xã hội….những kỹ năng hết sức quan trọng trong cuộc sống. Chúng tôi tin chắc rằng nếu bạn học nghề này bạn sẽ không chỉ lớn lên về mặt kiến thức mà còn trở nên vững vàng trong cuộc sống.

4. Đây là nghề mang lại cho bạn rất nhiều cảm xúc qua nhiều sự trải nghiệm khác nhau, bởi đối tượng làm việc của bạn là những con người với muôn vàn những vấn đề khác nhau vì thế bạn có thể trưởng thành hơn rất nhiều trong công việc đó.

5. Nghề này là một nghề có thời gian làm việc rất linh hoạt không phải gò bó ngày 8 tiếng trong công sở, bởi khi bạn làm việc với các thân chủ của mình (đối tượng có vấn đề cần được trợ giúp) thì bạn cần có lịch hẹn và bạn có thể gặp họ bất cứ khi nào họ và bạn đã xác định được.

6. Ít có nghề nào lại có giá trị xã hội lớn lao như nghề công tác xã hội bởi giá trị mà nghề mang lại đó là thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Các nhân viên công tác xã hội không chỉ tham gia vào việc đấu tranh công bằng, bình đẳng, thúc đẩy quyền con người, phúc lợi xã hội của người dân trong nước mà còn đóng góp vào sự phát triển của nhân loại toàn thế giới.

Vì thế nếu lựa chọn nghề này bạn đã tham gia vào một mục đích chính trị rất to lớn đó là vì sự phát triển của nhân loại.

Câu 2: Được biết nghành công tác xã hội là một ngành mới ở Việt Nam, vậy học xong cử nhân ngành công tác xã hội ở Học viện Phụ nữ em có thể tiếp tục học cao học được không?

Khi tốt nghiệp hệ cử nhân ngành công tác xã hội của Học viện Phụ nữ Việt Nam các bạn có thể tiếp tục học cao học và nghiên cứu sinh ở trong nước và nước ngoài.

Hiện nay, ở trong nước đã có một số trường đào thạc sỹ ngành công tác xã hội như Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Viện Khoa học xã hội, Đại học Lao động xã hội,…

Với các bạn có nguyện vọng học tiếp thạc sỹ và tiến sỹ về công tác xã hội ở nước ngoài thì các bạn có thể theo học ở các nước như Philippin, Canada,…

Câu 3: Nghề công tác xã hội và hoạt động từ thiện có phải là một không?

Nghề công tác xã hội xuất phát chính từ các hoạt động từ thiện, tuy nhiên như các bạn đã biết công tác xã hội đã được công nhận là một nghề và vì vậy nó có sự chuyên nghiệp, sự bền vững chứ không đơn thuần là các hoạt động từ thiện mang tính ngắn hạn.

Chúng ta có thể thấy được sự tương đồng và những nét khác biệt giữa nghề công tác xã hội và hoạt động từ thiện như sau:

 

Hoạt động từ thiện

Nghề công tác xã hội

Mục đích

– Thiện tâm, thiện chí, nhân đạo

–  Giải quyết trước mắt vấn đề khó khăn của đối tượng

– Thiện tâm, thiện chí, nhân đạo.

– Đối tượng và lợi ích của họ là mối quan tâm duy nhất

Động cơ

– Mang màu sắc tôn giáo, cứu trợ, nhân đạo, tự phát.

– Mang màu sắc nghề nghiệp, có tính bền vững.

Phương pháp

Vận động sự đóng góp của mọi người.

Phân phối các thứ đã khuyên góp đến đối tượng

Giải quyết các vấn đề cấp bách như cứu trợ thiên tai, hỏa hoạn…

– Mang hình thức xin cho, ban phát

Phát huy tiềm năng của đối tượng để họ tự giải quyết vấn đề của mình

Giải quyết các vấn đề có tính lâu dài, toàn diện, tận gốc.

 – Mang tính khoa học dựa trên kiến thức, kỹ năng chuyên môn

Mối quan hệ

– Lỏng lẻo nhất thời

-Từ trên xuống với thái độ ban ơn, áp đặt, quyết định, làm thay

– Đối tượng thụ động

– Nghề nghiệp, chặt chẽ, mật thiết. Bình đẳng, tôn trọng quyền tự quyết của đối tượng.

– Đối tượng chủ động tham gia

Kết quả

– Vấn đề khó khăn giải quyết tạm thời, không triệt để.

– Đối tượng có thể trông chờ, ỷ lại, đòi hỏi mà thiếu sự vươn lên

– Vấn đề khó khăn thực sự được giải quyết.

– Đối tượng khắc phục khó khăn tự vươn lên.