Ngày Quốc tế Phụ nữ khởi nguồn từ các hoạt động của phong trào lao động thế kỷ 20 ở Bắc Mỹ và Châu Âu. Ngay từ những điểm khởi đầu sơ khai đó, ngày Quốc tế Phụ nữ đã mở ra một xu hướng toàn cầu cho sự phát triển của phụ nữ ở các nước, kể cả các nước đang phát triển và các nước phát triển.

Ngày 8/3/1857 nữ công nhân lao động ngành may Thành phố New York (Mỹ) đã diễu hành và đình công đòi được cải thiện điều kiện làm việc và đảm bảo quyền bình đẳng cho phụ nữ. Ngày 8/3/1908, cũng tại New York, nữ công nhân ngành kim khâu lại diễu hành kỷ niệm 50 năm ngày diễn ra cuộc diễu hành đầu tiên của phụ nữ tại thành phố này. Lần này họ kêu gọi quyền được bầu cử, chấm dứt bóc lột nhân công và lao động trẻ em. Năm 1909 ngày Phụ nữ Quốc gia lần đầu tiên được tổ chức ở Mỹ vào ngày 28/2/1909. Khi đó Đảng Xã hội Mỹ lấy ngày này để kỷ niệm cuộc đình công của nữ công nhân ở New York năm 1908.

Năm 1910, Đại hội Phụ nữ thế giới lần thứ 2 tại Đan Mạch đã công bố lấy ngày 8/3 làm ngày Quốc tế Phụ nữ, thể hiện quyết tâm đấu tranh giành quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em. Năm 1911, ngày Quốc tế Phụ nữ được tổ chức tại các nước Áo, Đan Mạch, Đức và Thụy Sĩ với hơn một triệu phụ nữ và nam giới tham gia vào các cuộc biểu tình. Bên cạnh việc đòi quyền bỏ phiếu và nắm giữ các chức vụ công quyền, những người biểu tình còn đòi quyền làm việc cho phụ nữ, quyền được đào tạo, xóa bỏ phân biệt đối xử với phụ nữ và bình đẳng giới trong lao động.

Như vậy, phong trào đấu tranh giải phóng phụ nữ không chỉ diễn ra mạnh mẽ ở Mỹ mà còn ở các nước Châu Âu và nhiều nơi khác trên thế giới. Vào những năm 1913-1914, ngày Quốc tế phụ nữ trở thành cuộc biểu tình chống Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất. Một số nơi khác ở Châu Âu, vào dịp 8/3 phụ nữ tổ chức biểu tình chống chiến tranh hoặc đơn giản là thể hiện tình đoàn kết. Năm 1917, trong bối cảnh chiến tranh, 90.000 nữ công nhân lao động của Nga thuộc 50 xí nghiệp ở thành phố Petrograd đã biểu tình và đình công vào ngày Chủ nhật cuối cùng của tháng Hai 23/2 theo lịch Nga cũ (nhằm ngày 8/3 dương lịch). Bốn ngày sau đó Nga Hoàng thoái vị và Chính phủ lâm thời đã đồng ý dành cho phụ nữ Nga quyền bỏ phiếu.

Về sau, ngày Quốc tế Phụ nữ được phổ biến ở các nước phát triển lẫn các nước đang phát triển và trở thành một ngày lễ được ghi nhận và kỷ niệm ở khắp năm châu. Bên cạnh đó, phong trào nữ quyền thế giới ngày càng phát triển và được khích lệ bởi các quốc gia cũng như các Hội nghị Phụ nữ toàn cầu của Liên Hợp Quốc (LHQ). Các hội nghị này đề cao sự phát triển của phụ nữ, hỗ trợ các quyền và sự tham gia của phụ nữ trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị. LHQ lần đầu tiên kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 vào năm 1975 (năm Phụ nữ Quốc tế). Hai năm sau, vào tháng 12 năm 1977, Đại hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết tuyên bố các nước thành viên kỷ niệm ngày 8-3 như là ngày vì quyền bình đẳng, tiến bộ của phụ nữ và hòa bình thế giới.

Cho tới nay, 4 Hội nghị Phụ nữ toàn cầu của LHQ đã được tổ chức, lần lượt tại Mê-hi-cô (1975), Cô-pen-ha-gen (Đan Mạch, 1980), Nai-ro-bi (Kenya, 1980), Bắc Kinh (1995). Tiếp theo đó là sự ra đời của hàng loạt các báo cáo 5 năm một lần (2000, 2005, 2010, và tiếp theo là 2015) về bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ.

Hội nghị Phụ nữ toàn cầu của LHQ tại Bắc Kinh năm 1995 đã đánh dấu bước ngoặt lớn trong việc thúc đẩy quyền bình đẳng và tiến bộ của phụ nữ trên phạm vi toàn cầu. Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh năm 1995 được 189 nước thông qua, trở thành một chính sách toàn cầu quan trọng về quyền phụ nữ và bình đẳng giới trong 12 lĩnh vực, bao gồm phụ nữ và nghèo đói, giáo dục và đào tạo cho phụ nữ, phụ nữ và sức khỏe, bạo lực với phụ nữ, phụ nữ và xung đột, phụ nữ với kinh tế, phụ nữ với vấn đề quyền lực và ra quyết định, cơ chế phát triển sự tiến bộ của phụ nữ, nhân quyền cho phụ nữ, phụ nữ với truyền thông, phụ nữ với môi trường, và vấn đề trẻ em gái. Báo cáo kết quả thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh sau 15 năm (2010) của LHQ khẳng định rằng phụ nữ thế giới đã và đang đạt được những tiến bộ nhất định, tuy nhiên bất bình đẳng giới còn tồn tại và phát triển. Nhiều nơi trên thế giới, mất cân bằng về quyền lực giữa nam giới và nữ giới còn thể hiện rõ rệt trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị. Bên cạnh đó là sự gia tăng xu hướng nghèo đói ở phụ nữ. Xu hướng này có liên quan trực tiếp đến tình trạng thiếu cơ hội phát triển kinh tế, thiếu sự tiếp cận với các nguồn lực kinh tế, giáo dục và sự tham gia hạn chế của phụ nữ vào quá trình ra quyết định chính sách. Báo cáo khẳng định rằng bất bình đẳng giới và phân biệt đối xử có ảnh hưởng tiêu cực đến sự tiến bộ của phụ nữ, góp phần gia tăng bạo lực đối với phụ nữ, nạn buôn bán người và các tệ nạn xã hội khác. Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng bất bình đẳng giới ảnh hưởng tiêu cực tới toàn xã hội; nam giới phải có trách nhiệm hợp tác với phụ nữ trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, hòa bình và phát triển.

Quyết tâm giải phóng phụ nữ, đòi quyền bình đẳng và tiến bộ cho phụ nữ được thể hiện rõ qua phong trào nữ quyền thế giới, cụ thể là ba làn sóng nữ quyền chính. Làn sóng nữ quyền thứ nhất xuất hiện ở các nước công nghiệp phát triển, có liên quan chặt chẽ tới phong trào đòi quyền tự do cho phụ nữ ở Mỹ và Châu Âu. Đây là làn sóng nữ quyền tự do (liberal feminism) chủ yếu tập trung vào việc đòi quyền phụ nữ cho phụ nữ, thúc đẩy sự tiếp cận và các cơ hội bình đẳng cho phụ nữ. Phong trào này tiếp tục gây tiếng vang và ảnh hưởng tới phòng trào nữ quyền ở các nước phương Tây và phương Đông trong suốt thế kỷ 20.

Làn sóng nữ quyền thứ hai có nguồn gốc từ phòng trào giải phóng phụ nữ của phái nữ quyền cấp tiến (radical feminism) vào cuối thập niên 60, đầu thập niên 70 của thế kỷ 20. Làn sóng nữ quyền thứ hai chỉ trích chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc, đấu tranh kêu gọi quyền lợi cho những nhóm người chịu thiệt thòi như công nhân lao động, người da màu, phụ nữ, những người đồng tính. Phụ nữ thuộc làn sóng nữ quyền thứ hai đã tích cực tham gia vào các cuộc diễu hành, biểu tình đòi quyền lợi, điển hình là các cuộc biểu tình chống Chiến tranh Việt Nam, các cuộc biểu tình của sinh viên, biểu tình ủng hộ người đồng tính.

Làn sóng nữ quyền thứ ba xuất hiện vào giữa thập niên 90 của thế kỷ 20 trong bối cảnh toàn cầu hóa, tự do thông tin và chính trị toàn cầu. Phụ nữ tự tin rằng họ là những nhân tố xã hội tích cực, có khả năng, mạnh mẽ và quyết đoán. Họ tin tưởng vào một xã hội có nhiều cơ hội phát triển và ít phân biệt giới tính. Làn sóng nữ quyền thứ ba có liên quan chặt chẽ tới các tác động của toàn cầu hóa và sự phân bổ quyền lực tới phát triển quyền và sự tiến bộ của phụ nữ, phản ánh sự đa dạng hóa các mối quan tâm và quan điểm của phụ nữ trong thời đại mới. Làn sóng nữ quyền thứ ba cũng kêu gọi xây dựng một liên minh đoàn kết giữa các phong trào nữ quyền khác nhau, mở rộng thuyết đồng tính ra nhiều mảng như đồng tính nam, đồng tính nữ, chuyển đổi giới tính.

Trải qua lịch sử phát triển hàng trăm năm, phong trào nữ quyền thế giới vẫn liên tục phát triển, hướng tới một mục tiêu chung là giành quyền bình đẳng cho phụ nữ, lên án mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em. Công ước của Liên hiệp quốc về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) khẳng định rằng phân biệt đối xử với phụ nữ là vi phạm các nguyên tắc về quyền bình đẳng và xúc phạm tới nhân phẩm con người, là trở ngại lớn cho phụ nữ trong việc tham gia bình đẳng với nam giới trong mọi lĩnh vực phát triển của xã hội, ngăn cản sự phát triển bền vững của cá nhân phụ nữ, gia đình và cộng đồng.

Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 hàng năm không chỉ là ngày dành riêng cho nữ giới. Đây cũng chính là cơ hội để xã hội, đặc biệt là nam giới ghi nhận sự đóng góp của phụ nữ trong các lĩnh vực và nêu cao tinh thần trách nhiệm của nam giới trong việc hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho phụ nữ. Năm nay, Ngày Quốc tế Phụ nữ sẽ được tổ chức trọng thể ở Trụ sở Liên Hợp Quốc tại New York vào ngày 7/3, bên lề Kỳ họp lần thứ 58 của Ủy ban về địa vị của Phụ nữ được tổ chức vào ngày 10/3. Thông điệp của Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 năm 2014 là “Bình đẳng cho phụ nữ là tiến bộ của tất cả chúng ta” (Equality for women is progress for all). Hy vọng thông điệp ngắn gọn này sẽ thu hút được sự quan tâm và hành động thiết thực của hàng triệu người dân trên toàn thế giới, thúc đẩy bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới, tạo tiền đề cho sự phát triển toàn diện của các cá nhân và toàn xã hội.