Siết chặt mở trường, mở ngành

Theo số liệu mới nhất từ Bộ GD-ĐT, trong 6 năm qua (2006-2011), cả nước đã có thêm 84 trường ĐH được thành lập, trong đó 51 trường nâng cấp từ trường cao đẳng (CĐ) và 33 trường thành lập mới, bình quân mỗi năm thành lập 14 trường. Nhiều trường đi vào hoạt động đã thu hút đông sinh viên (SV), tuy nhiên xã hội cũng lên tiếng báo động về chất lượng đào tạo kém, SV ra trường khó kiếm được việc làm hoặc không làm theo ngành nghề đã học, không ít người phải đi làm công nhân hay lao động thủ công.

 Để từng bước khắc phục những yếu kém trên, trong hai năm qua, Bộ GD-ĐT cho biết đã giảm nhịp độ thành lập mới các trường và giảm chỉ tiêu tuyển sinh không chính quy (năm 2010, giảm 20% và năm 2011 giảm 40% so với tổng chỉ tiêu chính quy). Bộ cũng đã phải tạm dừng việc mở mới ngành, chuyên ngành đào tạo CĐ, ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ của các cơ sở đào tạo để xây dựng quy trình mới, tạm ngừng tuyển sinh 101 chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ ở các trường không đủ điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo. Trong năm 2010, Bộ đã buộc ngừng tuyển sinh ĐH hệ chính quy của Trường ĐH Công nghệ Đông Á và Trường ĐH Phan Châu Trinh. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết đã và đang tiến hành một số giải pháp nhằm nâng dần chất lượng đào tạo như điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường ĐH, CĐ trên phạm vi cả nước, tiếp tục giảm chỉ tiêu tuyển sinh không chính quy, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra điều kiện bảo đảm chất lượng và thực hiện cam kết thành lập trường, xử lý nghiêm túc các trường vi phạm.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng phủ nhận ý kiến cho rằng Bộ có chủ trương nới lỏng chất lượng đầu vào do thành lập quá nhiều trường, đồng thời nhấn mạnh: Mặc dù một số trường kiến nghị hạ điểm sàn xét tuyển để tuyển đủ chỉ tiêu đã xác định, nhưng Bộ không chấp thuận để bảo đảm chuẩn chất lượng tuyển chọn tối thiểu của các trường ĐH, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Trước thực tế một số trường dù đã hạ điểm chuẩn và tuyển tới nguyện vọng 3 hay đưa ra nhiều hình thức khuyến mãi, vẫn không tuyển đủ thí sinh, lãnh đạo Bộ lý giải: Trước hết ở một số ngành cần đào tạo (nông nghiệp, khoa học cơ bản, sư phạm, khoa học xã hội, nhân văn…), rất khó thu hút thí sinh do sau tốt nghiệp công việc không hấp dẫn, khó xin việc làm. Một số trường không đủ điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất đi thuê mướn chật chội, đội ngũ giảng viên thiếu nhiều, chủ yếu thỉnh giảng, do vậy không thu hút được học sinh vào học. Bên cạnh đó, nhiều trường có ngành đào tạo giống nhau, đặc biệt là các ngành như kế toán, tài chính – ngân hàng, quản trị kinh doanh, nên đã chia sẻ số lượng sinh viên vào các trường này.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành giáo dục vẫn khẳng định rằng, việc thành lập nhiều trường ĐH, CĐ trong thời gian gần đây vẫn nằm trong quy hoạch của Chính phủ, và trong tương lai, để đáp ứng nhu cầu phát triển, sẽ còn hàng trăm trường nữa được thành lập theo lộ trình.

 Phân tầng đào tạo

Trước khẳng định nói trên, GS, TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam bày tỏ băn khoăn: Việc thiếu đội ngũ giảng viên mạnh là yếu tố ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo của các trường, bên cạnh nhiều yếu tố khác như cơ sở vật chất, điều kiện gắn học tập với thực tiễn, với nghiên cứu. Giảng viên giỏi không phải nhanh chóng có được trong khi lực lượng này vốn đã rất mỏng. Hiếm nhân lực mà mở trường thì sẽ thất bại.

Nêu quan điểm của mình về việc tiếp tục mở rộng quy mô trường ĐH, GS Phạm Tất Dong cho rằng: Có hai vấn đề của ĐH, một là đào tạo người có bằng ĐH, hai là đào tạo người để có học vấn. Vì vậy, cần phải mở ra nhiều hướng đào tạo, nhiều hình thức đào tạo chứ không chỉ chú trọng lập trường tràn lan, vừa lâu vừa khó có chất lượng. Bên cạnh việc đào tạo mới phải mở ra cả hướng đào tạo từ xa, giúp người lao động tích lũy kiến thức, tích lũy chứng chỉ dần dần, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ông bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp lớn nên mở trường bồi dưỡng nhân lực, đào tạo cho chính họ. Đó là xu hướng tiến bộ, cần được Nhà nước ủng hộ, tạo điều kiện, động viên họ làm. Khi doanh nghiệp cùng góp sức đào tạo thì chất lượng SV sẽ được nâng lên.

Để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời gắn việc đào tạo với thực tiễn, TS Nguyễn Tiến Luận, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường ĐH Nguyễn Trãi cho rằng: Mỗi loại hình trường nên tập trung đào tạo các đối tượng nhất định. Trường công lập, hoạt động chủ yếu từ nguồn ngân sách do Nhà nước cấp, phải thực hiện nhiệm vụ chính trị, nên hướng vào đào tạo nguồn nhân lực để cung cấp cho hoạt động hệ thống chính trị như nhà nghiên cứu, công chức nhà nước. Còn trường tư thục, với nền tảng có được từ huy động nguồn lực xã hội, nên được Chính phủ giao thị phần đào tạo nguồn nhân lực cho thị trường lao động, đặc biệt là trong các khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh và xuất khẩu lao động.

Giải quyết vấn đề chất lượng giáo dục ĐH nếu không có tư duy mới và cách làm đột phá thì vẫn mãi là nỗi trăn trở của xã hội.

                     Theo Nguồn: http://www.cpv.org.vn