Mỗi tỉnh, Đoàn công tác đã xuống làm việc tại 2 Huyện, mỗi huyện xuống 2 xã thuộc diện khó khăn, ở mỗi xã Đoàn trực tiếp tham dự sinh hoạt của một chi hội và đến thăm hộ gia đình của một số hội viên có hoàn cảnh khó khăn, thăm các công trình phúc lợi như nhà trẻ, trường học, trạm xá, nhà hộ sinh…  

Địa bàn của bảy tỉnh miền núi biên giới phía Bắc hiểm trở, có nhiều khối núi và dãy núi cao chạy theo hướng Tây Bắc-Đông Nam. Dãy Hoàng Liên Sơn dài tới 180 km, rộng 30 km, với một số đỉnh núi cao trên từ 2800 đến 3000m. Trong địa máng sông Đà còn có một dãy cao nguyên đá vôi chạy suốt từ Phong Thổ đến Thanh Hóa, và có thể chia nhỏ thành các cao nguyên Tà Phình, Mộc Châu, Nà Sản. Cũng có các lòng chảo như Điện Biên, Nghĩa Lộ, Mường Thanh. Các sông suối có trữ năng thủy điện khá lớn. Hệ thống sông Hồng (11 triệu kWW) chiếm hơn 1/3 trữ năng thủy điện của cả nước. Riêng sông Đà chiếm gần 6 triệu kWW. Nguồn thủy năng lớn này đã và đang được khai thác, sẽ tạo ra động lực mới cho sự phát triển của vùng.

 

Bảy tỉnh miền núi biên giới nước ta giáp với 3 tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam của Trung Quốc ở phía Bắc, phía Tây giáp Lào. Địa hình trên đã tạo nên cảnh sắc thiên nhiên vô cùng hùng vĩ, nhưng đường xá giao thông vô cùng khó khăn. Khí hậu của vùng mang đặc điểm nhiệt đới ẩm gió mùa, có mùa đông lạnh, lại chịu ảnh hưởng sâu sắc của địa hình vùng núi. Đông Bắc địa hình tuy không cao, nhưng lại là nơi chịu ảnh hưởng mạnh nhất của gió mùa Đông Bắc, là khu vực có mùa đông lạnh nhất nước ta. Tây Bắc tuy chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc yếu hơn, nhưng do nền địa hình cao nên mùa đông cũng vẫn lạnh. Ở các vùng núi giáp biên giới của Cao Bằng, Lạng Sơn cũng như trên vùng núi cao Hoàng Liên Sơn, điều kiện khí hậu rất thuận lợi cho việc trồng các cây thuốc quý (tam thất, đương quy, đỗ trọng, hồi, thảo quả …), các cây ăn quả như mận, đào, lê. Ở Sa Pa, Mộc Châu có thể trồng rau ôn đới, cây công nghiệp, cây đặc sản và cây ăn quả. Nhưng đôi khi gặp khó khăn vì hiện tượng rét đậm, rét hại, sương muối và tình trạng thiếu nước về mùa đông. Mạng lưới các cơ sở công nghiệp chế biến nông sản (nguyên liệu cây công nghiệp) chưa tương xứng với thế mạnh của vùng. Với địa hình núi cao đèo sâu nên đường giao thông vận chuyển đi lại của người dân rất khó khăn, không chỉ hàng hóa tiêu dùng mà ngay cả sách báo, văn hóa phẩm đến với đồng bào thường chậm hơn dưới xuôi.     

 Đây là địa bàn cư trú lâu đời có truyền thống gắn bó đoàn kết của hơn 30 dân tộc như Thái, Mường, Mông, Dao, Hoa, Khơ mú, La ha, Xinh mun, Lào, Lự, Hà Nhì, Kháng, La hủ, Si la, Phù lá, Bố Y, Mảng, Giáy… và phân bố các dân tộc đan xen, có xã chỉ hơn 300 hộ với khoảng 2000 khẩu nhưng bao gồm từ 5 đến 7 dân tộc cùng chung sống. Phương thức tự cung tự cấp vẫn là chủ yếu trong kinh tế hộ nói riêng và kinh tế của vùng nói chung. Thu nhập chủ yếu của đồng bào vẫn là trồng trọt và chăn nuôi gia súc. Ngoài nương rẫy, làm ruộng bậc thang đã trở thành nét đẹp truyền thống của đồng bào ở đây và được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Việc phát triển các doanh nghiệp ở các huyện, xã rất nhỏ lẻ, ít ỏi; nếu không nói là đếm trên đầu ngón tay, một số doanh nghiệp tư nhân thường mới tập trung ở các thành phố.

Mỗi tỉnh có những đặc điểm rất riêng, nhưng một trong cảm nhận chung nhất của chúng tôi là cán bộ, hội viên và quần chúng phụ nữ ở bảy tỉnh miền núi biên giới phía Bắc của Tổ quốc ta đều có chung những phẩm chất như: rất cần cù, chăm chỉ, thật thà, chất phác, thuần hậu, yêu gia đình, con cái, yêu bản làng, đất nước; yêu văn nghệ, hát múa, biết đoàn kết chung tay thực hiện tốt các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Tuy mỗi dân tộc có sắc thái văn hóa riêng, tiếng nói, phong tục, trang phục… khác nhau nhưng đều đóng góp hiệu quả vào công cuộc phát triển kinh tế, giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội của địa phương. Đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ từng bước được cải thiện; năng lực, vai trò vị thế của chị em trong gia đình ngày càng được nâng lên. Đến với hội viên phụ nữ mới thấy cuộc sống của chị em tuy vẫn còn vất vả, lam lũ nhưng vẫn sáng lấp lánh những ánh mắt, nụ cười thân thương, lạc quan giữa trời biên giới. Trập trùng núi, trập trùng mây, ngút ngàn cây tiếp cây vẫn thấp thoáng những mái nhà, váy áo hoa thêu sặc sỡ, vẫn vọng tiếng trẻ em học bài, hát múa tạo nên cảm giác rất đỗi thân quen và yên bình.

Được tham gia các đoàn đánh giá phong trào Hội phụ nữ của các tỉnh miền núi biên giới phía bắc năm nay, chúng tôi thật sự ấn tượng về những cố gắng nỗ lực của đội ngũ cán bộ Hội các cấp và sức mạnh đòan kết của hội viên phụ nữ nơi đây. Ở các chi hội mà Đoàn đến dự sinh hoạt, chị em đều rất vui mừng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, hăng hái tham gia các hoạt động của Hội phụ nữ nhất là các hoạt động văn hóa, văn nghệ, mang lại không khí vui tươi, phấn khởi cho thôn, bản. Các cấp ủy địa phương thường có chung một nhận xét về công tác của Hội phụ nữ và phong trào phụ nữ là dẫn đầu phong trào của các đoàn thể. Tổ chức Hội LHPN đã quy tụ sức mạnh của mọi tầng lớp phụ nữ và đóng góp quan trọng của trong công tác hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo có hiệu quả tại thôn, bản. Để thực hiện chỉ tiêu của nhiệm kì là “vận động hội viên tiết kiệm tạo nguồn vốn phát triển sản xuất đạt 5.000 tỷ đồng”, các chi hội đã thảo luận và thống nhất mỗi hội viên thực hành tiết kiệm từ 5.000đ/ ngày; có chi hội bản Pô Tô với 100% hội viên là người dân tộc Hà Nhì tại xã Huổi Luông, chị em đã nhất trí cao tiết kiệm 20.000đ/ngày. Thực hiện nhiệm vụ gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, Hội  LHPN các cấp đã triển khai Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi, dạy con tốt”, tổ chức hội thi “Nữ công gia chánh”, “Phụ nữ tài năng, duyên dáng”, Hội thi “Thêu ngựa”, “Dệt may trang phục thổ cẩm” đã được tổ chức theo đặc thù của từng địa phương. Hội LHPN cấp tỉnh đã tổ chức tập huấn cho cán bộ Hội phụ nữ cấp huyện, thành viên Ban chỉ đạo cấp huyện, Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội LHPN cấp xã về kiến thức nuôi dạy con, để từ đó tạo nên đội ngũ tuyên truyền viên trực tiếp xuống từng thôn bản. Tùy theo thực tiễn của mỗi tỉnh, Hội LHPN các tỉnh đã lựa chọn triển khai các mô hình CLB “Gia đình nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, PN không sinh con thứ 3”, “Trách nhiệm và chia sẻ”, cùng hàng chục loại hình CLB khác đã được duy trì và phát triển ở 7 tỉnh nhằm xây dựng gia đình và tuyên truyền kiến thức về gia đình cho hội viên, phụ nữ. Phong trào quyên góp và tặng quà cho các trường học, nhận đỡ đầu các trẻ em, phụ nữ cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được các tầng lớp phụ nữ nhiệt tình hưởng ứng. Hàng năm, trung bình mỗi tỉnh Hội phụ nữ đã tặng giá trị quà, tiền lên đến hàng chục triệu đồng. Đặc biệt là phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" gắn với các phong trào thi đua, cuộc vận động được triển khai rộng khắp tới các tầng lớp phụ nữ tham gia hưởng ứng thực hiện. Việc tuyên truyền ủng hộ xây dựng "Mái ấm tình thường", "Tiếp bước cho em đến trường", xây dựng gia đình "5 không 3 sạch" gắn với phong trào "Phụ nữ chung sức xây dựng nông thôn mới”,  “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”…được cán bộ, hội viên, phụ nữ nhiệt tình hưởng ứng. Theo đặc thù địa phương, mỗi tỉnh đã xây dựng và duy trì được hàng chục mô hình làm theo Bác có hiệu quả như Tổ phụ nữ tín dụng tiết kiệm, ống tiền tiết kiệm, hũ gạo tiết kiệm, áo ấm mùa đông cho phụ nữ nghèo…

Mặc dù đã đời sống đã được cải thiện phần nào nhưng tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao tại một số địa bàn – đặc biệt còn chiếm trên 40% ở các huyện và xã vùng khó khăn, đói nghèo là nguyên nhân phát sinh nhiều tệ nạn xã hội và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của phụ nữ trẻ em. Nhận thức rõ vấn đề xóa đói giảm nghèo là vô cùng cấp thiết của khu vực hiện nay, Hội LHPN của bảy tỉnh miền núi biên giới đã xác định trọng tâm công tác Hội phụ nữ là Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Hội LHPN chủ động phối hợp với các ngành chức năng liên quan tuyên truyền, hướng dẫn hội viên, phụ nữ thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kĩ thuật công nghệ, đưa giống lúa, ngô mới đạt năng suất chất lượng cao vào gieo trồng ở Điện Biên, Cao Bằng, Lạng Sơn; mạnh dạn đưa giống cây mới vào trồng trọt như trồng cây cao su, chuối ở Lai Châu, cây cà phê ở Sơn La, khôi phục và phát triển cây chè và chế biến chè ở Hà Giang, Sơn La, Lai Châu…  thực hiện tốt công tác chăm sóc, chống rét, phòng ngừa dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, dạy nghề dệt thổ cẩm, chăn nuôi thú y, kỹ thuật trồng cây lương thực thực phẩm, kỹ thuật trồng rau sạch…góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020.Phong trào“Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèocó nhiều hoạt động: Giúp đỡ ngày công lao động, cây giống, con giống, vốn, kinh nghiệm sản xuất… khai thác, tín chấp các nguồn vốn cho hội viên, phụ nữ vay phát triển kinh tế gia đình. Hội LHPN của bảy tỉnh rất chú trọng việc tổ chức hội nghị tập huấn về nghiệp vụ ủy thác và chương trình tài chính vi mô năm 2012 nhằm nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ chuyên trách Hội làm công tác tín dụng, tiết kiệm và quản lý vốn tại cơ sở, vững về nghiệp vụ để chị em thực hiện tốt vai trò tuyên tuyền, hướng dẫn các thành viên, hội viên thực hiện đúng các quy định trong vay và sử dụng vốn. 

Tại Hà Giang, Hội LHPN các cấp đã triển khai xây dựng các mô hình phát triển kinh tế gia đình; định hướng cho chị em tập trung vào sản xuất các mặt hàng phù hợp với tiềm năng sẵn có của địa phương như “Trồng cỏ chăn nuôi bò”: xã Pả Vi (huyện Mèo Vạc), “Dệt lanh thổ cẩm”: xã Lùng Tám, Cán Tỷ (Quản Bạ), "May trang phục dân tộc”: xã Sủng Máng(Mèo Vạc), “Chăn nuôi lợn”,“Trồng rau sạch”: thành phố Hà Giang, Quyết Tiến (Quản Bạ), "Trồng hoa”: xã Quyết Tiến(Quản Bạ), thị trấn Phố Bảng(Đồng Văn), làm nón lá tại xã Việt Lâm (Vị Xuyên)…duy trì 67 mô hình phát triển kinh tế cho1.486 hộ gia đình.

Tại Lào Cai, phong trào của Hội LHPN tỉnh đã tập trung đáp ứng chỉ đạo điểm của TW Hội về thành lập và duy trì hoạt động, tổ chức rút kinh nghiệm mô hình Hội Phụ nữ trong doanh nghiệp tư nhân (Hội PN Công ty Minh Đức – 3 chi hôi, 42 hội viên); đẩy mạnh các hoạt động: Xây dựng được mô hình mới 80 CLB “Nhà sạch Vườn đẹp”; vận động xây dựng Mái ấm tình thương vượt 260% chỉ tiêu do cụm thi đua đề ra (36 nhà); vượt chỉ tiêu tiết kiệm 3,6 tỷ/năm 2012 đạt 180%/năm; vượt chỉ tiêu thu hút hội viên trong hộ gia đình, chỉ tiêu cơ sở Hội xuất sắc, khá (95,73% vượt 0.73%).

Theo đánh giá của Hội LHPN tỉnh Lạng Sơn: đã có sự đầu tư hiệu quả rõ nét và có mô hình thực hiện nông thôn mới ở 10 điểm xã xây dựng nông thôn mới do Hội chủ trì thực hiện 5 không – 3 sạch – 3 an toàn (có cách làm cụ thể, khảo sát, xác định vấn đề hỗ trợ ưu tiên và tổ chức thực hiện rõ nét, huy động được sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền; huy động được doanh nghiệp tài trợ 135 công trình vệ sinh cho 135 hộ gia đình ở điểm chỉ đạo); phát động quyên góp ủng hộ vượt 200% chỉ tiêu Nhà mái ấm tình thương. Huy động hỗ trợ học bổng trẻ em nghèo 767 xuất, trong đó 42 xuất trị giá 2 triệu/xuất. Hội LHPN tỉnh Lạng Sơn cũng đã xây dựng mô hình dịch vụ gia đình rõ nét và linh hoạt, cung ứng được lao động giúp việc nhà cho một số địa phương.

Hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo tại Sơn La lại có màu sắc riêng: Hội phụ nữ tiến hành khảo sát phân loại đối tượng ưu tiên giúp đỡ, đồng thời vận động chị em hưởngứng phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “Ngày vì người nghèo” bằng nhiều hình thức như: giúp nhau giống cây, con, ngày công, tiền mặt; phối hợp ngành khuyến nông tổ chức 62 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kĩ thuật chăn nuôi gà đồi, nuôi bò nhốt, trồng nấm, ngô bầu, khoai tây, đỗ tương, chế biến đậu nành… Đã có 5.698 hội viên tham gia câu lạc bộ “Phụ nữ với công tác khuyến nông”. Sơn La có điểm nổi bật là duy trì hiệu quả vốn từ dự án, tiếp tục xây dựng tổ nhóm phụ nữ tín dụng- tiết kiệm có hiệu quả.

Hội LHPN tỉnh Cao Bằng lại có những hoạt động với màu sắc riêng để vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường như: tiếp tục “giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế hộ gia đình” với nhiều hình thức thiết thực như: giúp 687.503.000đ vốn, 43.201 công lao động, cho mượn  295.930m2 đất canh tác; 100% huyện, thành đã huy động tiết kiệm, thực hiện vố ủy thác hiệu quả với tổng dư nợ là 462.325 triệu đồng cho 818 tổ với 22.675 hộ vay, tỷ lệ hoàn trả là 99,25%.

Phong trào hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo cũng được Hội LHPN tỉnh Điện Biên chú trọng đầu tư chỉ đạo. Với phong trào “Mỗi hộ gia đình có 1 vườn rau sạch và nuôi từ 5 con gia cầm trở lên”, “2 không- 1 có- 2 sạch” gắn với cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không- 3 sạch” đến nay đã có 46% hội viên duy trì phong trào “sạch nhà, sạch bếp, sạch đường làng, xóm phố” và “ngày chủ nhật xanh, sạch”. Mô hình “Ống tiền tiết kiệm”, “hũ gạo tiết kiệm”, “Lợn nhựa tiết kiệm” “Kho thóc tiết kiệm” năm 2012 đã vận động tiêt kiệm được 861.137 triệu đồng, 3.3.99 kg gạo, 687 kg thóc giúp cho 340 chị vay không lấy lãi.

Biết lựa chọn ưu tiên cho phong trào phụ nữ địa phương, Hội LHPN của bảy tỉnh miền núi biên giới phía bắc đã thực sự góp phần khơi dậy và thúc đấy tiềm năng của cộng đồng nói chung và phụ nữ nói riêng thông qua hàng loạt các hoạt động  thực hiệnHỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững.Tuy nhiên, từ thực tiễn, chúng tôi cũng nhận thấy một số vấn đề còn nan giải với địa bàn như: sự phân tầng và khoảng cách giàu nghèo đã bắt đầu hình thành ngay cả những xã có tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 40%; vấn đề tái mù chữ và không biết tiếng phổ thông của đa số phụ nữ (hiện nay số phụ nữ bị tái mù chữ vẫn chiếm số đông tại các xã do chị em rất ít tiếp cận với văn bản chữ viết, ít sử dụng tiếng Kinh trong giao tiếp); vấn đề thiếu thông tin, kiến thức khoa học công nghệ ứng dụng cho phát triển kinh tế hộ cũng như đời sống gia đình; vấn đề hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan; vấn đề tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật… do thiếu hiểu biết về pháp luật.

Tổ chức Hội LHPN các cấp cần nỗ lực hơn nữa để duy trì và phát triển phong trào phụ nữ. Để tạo điều kiện cho các cấp hội phụ nữ địa phương, Trung ương Hội LHPN Việt Nam cần quan tâm khai thác và dành cho Hội LHPN bảy tỉnhmiền núi biên giới phía Bắcnhững dự án (kể cả những dự án cần có phần vốn đối ứng khoảng 20%-30%) nhằm đào tạo nâng cao dân trí, tập huấn khoa học kĩ thuật- công nghệ; kiến thức xây dựng gia đình cho phụ nữ các dân tộc thiểu số; nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ Hội.Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ kinh phí xóa mù chữ cho phụ nữ ngoài độ tuổi.