Thí sinh làm thủ tục trước giờ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2018. Năm 2019, ĐH Quốc gia TP.HCM dự kiến sẽ dành đến 60% chỉ tiêu cho phương thức xét kết quả thi đánh giá năng lực – Ảnh: NHƯ HÙNG

Mới đây, giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định kỳ thi THPT quốc gia 2019 không còn là kỳ thi ‘2 trong 1’ (với 2 mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và dùng kết quả xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ) mà chủ yếu chỉ để xét tốt nghiệp. Đề thi sẽ điều chỉnh theo hướng tốt nghiệp phổ thông, bám sát vào yêu cầu của THPT.

Đồng thời, Bộ trưởng cũng cho biết nếu các trường ĐH tin tưởng có thể dùng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 để tuyển sinh, hoặc kết hợp với những phương án khác. Các trường được tự chủ quyết định việc này.

Phát biểu bất ngờ của người đứng đầu ngành giáo dục khiến phụ huynh và học sinh lo lắng, hồi hộp ‘ngóng’ xem các trường đại học có điều chỉnh cách thức tuyển sinh trong năm tới.

Tăng tỉ lệ chỉ tiêu tuyển bằng đánh giá năng lực

‘Bản chất của kỳ thi THPT quốc gia từ trước đến nay chủ yếu vẫn để xét tốt nghiệp. Thí sinh giỏi dù thi bất cứ hình thức nào cũng có kết quả tốt. Nếu đề thi tốt sẽ giúp phân hóa tốt hơn và ngược lại.

Với đề thi không tốt mà dung toàn bộ kết quả kỳ thi đó để tuyển sinh có thể không ổn nhưng với việc tuyển sinh theo nhiều phương thức sẽ khác.

Vì vậy, ĐH Quốc gia TP.HCM vẫn tiếp tục sử dụng kết quả thi THPT để xét tuyển cùng với các phương thức khác’, TS Nguyễn Quốc Chính, giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng, ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết.

Theo đó, vẫn sẽ có bốn phương thức tuyển sinh: xét tuy��n theo kết quả thi THPT quốc gia, ưu tiên xét tuyển theo quy định ĐH Quốc gia TP.HCM, xét tuyển thẳng và xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực. Tuy nhiên, sẽ có một số thay đổi cơ bản trong mùa tuyển sinh năm tới của ĐH Quốc gia TP.HCM là sẽ xem xét tăng chỉ tiêu tuyển sinh theo kết quả thi đánh giá năng lực.

‘Chúng tôi đang đề xuất tăng tỉ lệ chỉ tiêu xét tuyển của phương thức này lên 40-60% (so với 10-20%). Đồng thời có khả năng sẽ sử dụng các bằng cấp quốc tế, ví dụ như kết quả thi tú tài quốc tế và một số kết quả tuyển sinh chung của thế giới’, ông Chính cho biết thêm.

Một điểm mới đáng chú ý theo ông Chính, là ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực năm 2019 trước kỳ thi THPT quốc gia, diễn ra vào khoảng đầu tháng 5-2019 tại các cụm thi TP.HCM, Cần Thơ, Quy Nhơn và dự kiến mở rộng thêm một số cụm thi tại các tỉnh Đông Nam bộ.

ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ sẵn sàng phối hợp với các trường ĐH khác có nhu cầu sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh và tới đây đại học này sẽ mời các trường có quan tâm cùng trao đổi việc này cụ thể hơn.

Nhiều trường điều chỉnh lại đề án tuyển sinh 2019

 

Nhiều trường đại học khác cho biết đang điều chỉnh lại đề án tuyển sinh năm 2019, tuy nhiên hiện vẫn chưa tính chuyện thay đổi quá nhiều các phương thức tuyển sinh.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương – phó trưởng phòng quản lý đào tạo – công tác sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng đến thời điểm này các trường không còn nhiều thời gian để tính đến việc thay đổi lớn trong tuyển sinh năm tới.

‘Nếu có thay đổi, nhà trường dự kiến chỉ thực hiện việc mở rộng đối tượng tuyển thẳng, dành thêm nhiều chỉ tiêu khoảng 25-30% cho phương thức tuyển sinh này theo hướng xét tuyển đối tượng học sinh giỏi 3 năm liên tục của các trường THPT cả nước. Số chỉ tiêu còn lại vẫn dành cho phương thức xét tuyển kết quả kỳ thi THPT quốc gia’, ông Đương cho hay.

Tương tự, PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM, cũng cho biết chủ trương mới của Bộ GD-ĐT về kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh 2019 hiện vẫn chưa có văn bản chính thức.

‘Vì vậy, hiện trường chúng tôi vẫn chưa có quyết định chính thức nào về tuyển sinh năm tới. Nếu có thay đổi, nhà trường chủ yếu thực hiện theo đề án tuyển sinh năm ngoái nhưng có bổ sung phương thức xét tuyển kết hợp sử dụng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế và tổng điểm ba môn thi toán, hóa, sinh’, ông Khôi nói.

Theo Thạc sĩ Phạm Thái Sơn – giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, năm 2019 trường này vẫn sử dụng kết quả học bạ 3 năm THPT kết hợp với kết quả thi THPT quốc gia của học sinh để xét tuyển.

Bên cạnh đó, có thể nhà trường sẽ còn sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM để tuyển sinh.

Về lâu dài, nhà trường tuyển sinh theo nhóm ngành bằng kết quả học bạ THPT, sau đó thí sinh trúng tuyển sẽ trải qua giai đoạn học đại cương để chọn ngành cụ thể. Khối kiến thức đại cương của trường sẽ tính linh hoạt, căn cứ trên yêu cầu chuẩn năng lực đầu vào của từng ngành cụ thể để chọn.

Giữ ổn định để thí sinh, phụ huynh yên tâm

PGS.TS Đỗ Văn Dũng – hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết hiện nhà trường chưa tính tới chuyện thay đổi mà vẫn giữ nguyên các hình thức xét tuyển như năm trước để mang tính ổn định cho thí sinh và phụ huynh yên tâm hơn.

‘Với mục tiêu kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 là để xét tốt nghiệp, đề thi có phần dễ hơn thì cũng không ảnh hưởng đến tuyển sinh của trường bởi nguyên tắc tuyển sinh là ‘thuyền lên nước lên’, đề thi dễ, điểm thi cao thì điểm chuẩn cũng sẽ cao. Hơn nữa tuyển sinh đầu vào chỉ là một thang đo, quan trọng là quá trình đào tạo đại học phải chặt chẽ, sinh viên phải đạt chuẩn đầu ra và đáp ứng được nhu cầu nhà tuyển dụng’, ông Dũng nhấn mạnh.