Ngày 27/11, tại tọa đàm Cung cấp thông tin dự báo thị trường lao động và tư vấn hướng nghiệp phục vụ tuyển sinh đại học 2019 tổ chức ở Hà Nôi, ông Phạm Như Nghệ, Vụ phó Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đà tạo) đã thông tin một số điểm dự kiến điều chỉnh trong phương án thi THPT 2019.

Vụ phó Giáo dục Đại học Phạm Như Nghệ. Ảnh: Quỳnh Trang.

Việc chấm thi, đặc biệt là bài trắc nghiệm sẽ không giao các địa phương chủ trì như trước đây mà chuyển cho các trường đại học. ‘Có thể sẽ dồn vào một số điểm để chấm chứ không phải chấm tại tất cả 63 tỉnh thành’, ông Nghệ nói. Phần mềm chấm thi, cách quản lý bài thi, điểm thi cũng có những điều chỉnh để đảm bảm sự chính xác, khách quan cho kết quả thi của thí sinh.

Việc coi thi, trước đây được giao cho các Sở Giáo dục chủ trì, phối hợp với đại học ở trung ương và địa phương. Năm 2019, công tác này dự kiến được thay đổi theo hướng trường đại học/cao đẳng địa phương sẽ không coi thi tại địa phương đó. Ví dụ, trường đại học ở tỉnh Bắc Ninh sẽ phải chuyển đi coi thi ở tỉnh khác.

Nhiều học sinh đặt câu hỏi về bản chất kỳ thi THPT quốc gia 2019 là để xét tốt nghiệp THPT hay xét tuyển đại học; đề thi vì sao có năm quá dễ năm quá khó; kiến thức trong đề năm nay có mở rộng sang lớp 10…

Ông Nghệ trả lời năm 2019 giống như các năm trước, Bộ Giáo dục chỉ tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia để lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT và là căn cứ xét tuyển đại học. Quá trình ra đề, Bộ luôn hướng đến việc đạt hai mục tiêu này và yêu cầu câu hỏi trong bài không quá đánh đố học sinh. ‘Mong muốn là như thế, nhưng thực tế để đạt được là việc không dễ’, ông Nghệ nói.

Học sinh trường THPT Việt Đức hỏi về bản chất kỳ thi THPT quốc gia và lý do đề thi năm thì dễ năm lại khó. Ảnh: Quỳnh Trang

Vụ phó Giáo dục Đại học nhắc lại chuyện đề thi THPT quốc gia năm 2017 bị cho là quá dễ, dẫn đến ‘mưa’ điểm 10, học sinh đạt 27-29 điểm vẫn chưa chắc trúng tuyển vào ngành/trường mong muốn. Năm 2018, vẫn với chỉ đạo ra đề để đạt hai mục tiêu, ban làm đề được lựa chọn cẩn trọng gồm nhiều giáo viên, giảng viên giỏi từ trường phổ thông, đại học, nhưng đề thi lại bị phản ứng là quá khó.

‘Để khắc phục tình trạng của hai năm trước, năm nay Bộ Giáo dục dự kiến cho học sinh làm thử và giáo viên phản biện đề với số lượng lớn hơn, phạm vi rộng hơn, đảm bảo cho đề chính thức đạt mục tiêu vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa đủ phân hóa để các trường căn cứ vào đó xét tuyển đại học’, ông Nghệ nói.

Về phạm vi kiến thức trong đề thi, theo Vụ phó Giáo dục Đại học, dự kiến bao gồm cả lớp 10, 11, 12, trong đó kiến thức lớp 12 là chủ yếu. Điều này đã được thông báo từ năm 2017.