Sau khi Bộ GD-ĐT tổ chức tập huấn ở khu vực phía Nam đã có nhiều ý kiến đóng góp thiết thực nhằm khắc phục những lỗi bất cập của phần mềm tuyển sinh.
Ghi nhận từ cuộc tập huấn phía Nam, nhiều đại biểu tham dự cho biết: Ở trong phần mềm mẫu hồ sơ không có số phiếu do điểm tiếp nhận đánh số, vì số phiếu này nhằm mục đích để quản lý, sắp xếp và nhận biết hồ sơ với giấy báo thi, giấy báo kết quả thi trong nội bộ của điểm tiếp nhận; Phần danh mục khu vực ưu tiên không có đối với phân hệ Cụm thi của các trường đại học nên sẽ phức tạp khi hướng dẫn cho thí sinh thắc mắc.
Giao diện phần mềm online để thí sinh điều chỉnh sai sót hồ sơ sẽ
chính thức mở cửa vào ngày 1/4
Bên cạnh đó, phần mềm cũng chưa cập nhật các xã thuộc khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012 – 2015, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2013 – 2015, các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 năm 2014 và năm 2015, để áp dụng cho Quyết định 447, 539, 2405 và 495 của Thủ tướng Chính phủ
Một trong những vấn đề mà nhiều cán bộ tuyển sinh lo lắng đó là trong phần mềm tất cả thông tin thí sinh phải truy nhập bằng số CMND, nhưng thực tế có những số CMND trùng nhau, hoặc khi đổi số CMND, hoặc khi nhập nhầm từ số CMND thí sinh này sang thí sinh khác; những năm về trước truy lục hồ sơ thí sinh theo mã Sở/mã Đơn vị tiếp nhận/số phiếu do điểm tiếp nhận đánh trên hồ sơ hoặc theo mã Trường/khối thi/số báo danh…
Phần ảnh thí sinh đưa lên phức tạp và mất nhiều thời gian; đối với việc đưa hình đơn lẻ, phải chụp hình thí sinh tại chỗ hoặc hẹn lên chụp hình, để đưa lên phần mềm, sẽ bất khả thi đối với lượng thí sinh nộp hồ sơ nhiều, hoặc thí sinh tự do; đối với việc scan hình đưa lên theo lô tốn thời gian, mà phải nhập lại số CMND và họ tên thêm 1 lần đúng thứ tự hồ sơ đã nhập trong phần mềm quản lý thi vào phần mềm gán hình thì mới gán được vào đúng hồ sơ, rất dễ nhầm lẫn vì không có số phiếu….
Trao đổi với Dân trí, ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết: Không nên quá lo lắng về khâu phần mềm. Đây là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT tổ chức kì thi THPT quốc gia với một phần mềm tuyển sinh mới hoàn toàn nên chắc chắn sẽ có những thiếu sót. Trong quá trình tập huấn sẽ ghi nhận được ý kiến đóng góp thiết thực để Bộ GD-ĐT điều chỉnh kỹ thuật một cách tốt nhất. Chắc chắn mọi bất cập nêu ra sẽ được khắc phục sớm và kịp để cho các đơn vị thực hiện cập nhật dữ liệu.
Cảnh báo quá tải mạng, sự cố đường truyền
Với việc kì thi THPT quốc gia phần lớn được quản lý trên hệ thống phần mềm online nên nhiều Sở GD-ĐT cho rằng, để thực hiện được yêu cầu cơ sở vật chất phải tốt, đường truyền chất lượng cao, tính bảo mật thông tin phải cao vì toàn bộ thông tin cá nhân của thí sinh đều được đưa lên, nhất là đối với Cục Nhà trường là đơn vị đào tạo cán bộ trong Bộ Quốc phòng, Bộ Công an của cả nước.
Ở cuộc tập huấn phía Nam vừa qua, mặc dù chưa thử nghiệm với số lượng dữ liệu lớn hoặc thí điểm tại vài Sở GD-ĐT thì hiện tại đã xuất hiện tình trạng không thể vào trang http://quanly.thithptquocgia.edu.vn. Trong khi đó lại không có phiên bản phần mềm offline để lưu thông tin trong lúc xảy ra sự cố về mạng Internet, phiên bản dùng offline trên nền Excel chỉ dành cho phần nhập hồ sơ ĐKDT.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, sau khi nộp Phiếu ĐKDT, thí sinh sẽ được đơn vị ĐKDT cấp một tài khoản và mật khẩu để đăng nhập vào phần mềm QLT qua internet tại địa chỉhttp://thisinh.thithptquocgia.edu.vn. Tài khoản này được thí sinh dùng để đăng nhập vào phần mềm QLT từ khi ĐKDT đến khi xem kết quả thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT, xét tuyển sinh ĐH, CĐ. Để bảo mật thông tin, khi nhận được tài khoản và mật khẩu thí sinh nên thay đổi ngay mật khẩu. Thí sinh cần giữ kín tài khoản và mật khẩu của mình. Trong trường hợp thí sinh quên tài khoản và mật khẩu thì có thể xin cấp lại bằng cách liên hệ với đơn vị ĐKDT, hoặc sử dụng chức năng gửi mật khẩu về email (địa chỉ email đã ghi trong Phiếu ĐKDT) trên hệ thống.
Về chủ trương này, một cán bộ tuyển sinh phía Nam chia sẻ: “Cập nhật thông tin qua tài khoản cá nhân cho thí sinh bằng cách gửi qua email thông báo cho từng thí sinh là điều không thể thực hiện bằng cách thủ công gửi cho mỗi thí sinh 1 email thông báo thông tin tài khoản cá nhân của thí sinh, phần mềm lại chưa có chương trình tự động gửi. Việc cho thí sinh cập nhật vào mạng để kiểm tra, thông báo sai sót, sẽ tăng khả năng tắt nghẽn mạng khi số lượng truy cập lớn”.
Cũng theo chuyên gia này, điều lo lắng nhất hiện nay đó là liệu học sinh miền núi, vùng khó khăn… có thể sử dụng được internet để thực hiện được việc chỉnh sửa sai sót trên hệ thống online hay không? Nếu nhiều em không biết sử dụng internet để thực hiện thì Bộ GD-ĐT cũng cần đưa ra giải pháp cụ thể, tránh quá tải trong ngày làm thủ tục dự thi.
Nguồn: http://dantri.com.vn/