Thông tin tuyển sinh ngành CNTT năm 2025
Ngành CNTT của Học viện Phụ nữ Việt Nam có mã ngành 7480201, chỉ tiêu tuyển sinh năm 2025 là 180 sinh viên, với 5 tổ hợp xét tuyển: A00 (Toán, Lý, Hóa); A01 (Toán, Lý, Anh); D01 (Toán, Văn, Anh); D09 (Toán, Sử, Anh) và tổ hợp mới X26 (Toán, Tin học, Tiếng Anh) – tổ hợp đặc biệt phù hợp với thí sinh có năng lực công nghệ.
Các phương thức xét tuyển đa dạng, linh hoạt bao gồm:
- Phương thức 1: Xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT.
- Phương thức 2: Xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
- Phương thức 3: Xét kết quả học tập cấp THPT (học bạ).
- Phương thức 4: Sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
- Phương thức 5: Dành cho thí sinh dự bị đại học.
Đối với xét điểm thi tốt nghiệp THPT (PT2), ngành CNTT yêu cầu điểm môn Toán trong tổ hợp xét tuyển phải đạt từ 6.0 trở lên. Nếu xét theo học bạ (PT3), thì điểm trung bình cộng môn Toán của ba năm lớp 10, 11 và 12 phải đạt từ 7.0 trở lên.
Thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế hoặc đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh trở lên sẽ được cộng điểm ưu tiên lên tới 3 điểm (theo thang điểm 30). Đây là cơ hội để các bạn có năng lực nổi bật gia tăng khả năng trúng tuyển.
Cơ hội học tập với nhiều ưu đãi hấp dẫn
Sinh viên ngành CNTT tại Học viện Phụ nữ Việt Nam không chỉ được đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật lập trình, mạng máy tính, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng… mà còn được chú trọng phát triển tư duy logic, kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng mềm – yếu tố cần thiết trong môi trường làm việc toàn cầu.
Đặc biệt, những thí sinh trúng tuyển có tổng điểm 3 môn thi THPT từ 24 điểm trở lên (không tính điểm ưu tiên) sẽ có cơ hội nhận học bổng đầu vào giá trị.
Trong quá trình học, sinh viên có thành tích học tập xuất sắc sẽ được giới thiệu đi du học theo các chương trình học bổng quốc tế; được thực tập, thực hành tại các doanh nghiệp CNTT trong và ngoài nước – trong đó có cả Nga, Nhật Bản và các nước châu Á khác.
Được tham gia các cuộc thi, hội thảo, toạ đàm công nghệ, khẳng định bản thân
Sinh viên CNTT của Học viện thường xuyên được khuyến khích và tạo điều kiện tham gia các cuộc thi uy tín như: Cuộc thi Vô địch Tin học Văn phòng Thế giới (MOS World Championship) – Viettel – sân chơi toàn cầu dành cho các bạn yêu công nghệ; Các hội thảo chuyên đề, toạ đàm khởi nghiệp, lớp học kỹ năng số được tổ chức xuyên suốt trong năm học. Ngoài ra, sinh viên ngành CNTT nói riêng và sinh viên Học viện nói chung còn thường xuyên được tham gia rất nhiều hoạt động ngoại khoá hấp dẫn.
Ngoài ra, sinh viên còn được tiếp cận với hệ thống phòng lab hiện đại, studio công nghệ ứng dụng công nghệ số, được hỗ trợ học song ngành hoặc với 11 ngành học khác của Học viện: Quản trị kinh doanh, Marketing, Truyền thông đa phương tiện, Kinh tế, Kinh tế số, Giới và phát triển, Công tác xã hội, Luật, Luật kinh tế, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành – tạo lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường lao động.
Môi trường học tập hiện đại, năng động, bình đẳng
Không chỉ là nơi đào tạo chuyên môn, Học viện Phụ nữ Việt Nam còn nổi bật với môi trường học tập thân thiện, hiện đại và giàu giá trị nhân văn. Nhà trường tích cực thúc đẩy bình đẳng giới trong tiếp cận công nghệ, khuyến khích sinh viên nữ mạnh dạn theo đuổi lĩnh vực CNTT – lĩnh vực vốn đang thiếu vắng nữ giới nhưng lại rất cần vai trò của họ.
Học viện đang đầu tư xây dựng cơ sở đào tạo chất lượng cao tại huyện Gia Lâm, Hà Nội với quy mô hơn 35.000 m² – là không gian học tập và sáng tạo lý tưởng cho sinh viên CNTT và các ngành học khác trong tương lai.
Cơ hội việc làm rộng mở trong thời đại số
Theo thống kê của Bộ Thông tin & Truyền thông, Việt Nam hiện thiếu hàng trăm nghìn nhân lực ngành CNTT mỗi năm. Tốt nghiệp ngành này tại Học viện Phụ nữ Việt Nam, sinh viên có thể đảm nhiệm các vị trí như:
- Lập trình viên phần mềm, kỹ sư hệ thống, quản trị mạng.
- Chuyên viên an toàn thông tin, kỹ sư AI/ML, chuyên viên dữ liệu.
- Chuyên viên truyền thông kỹ thuật số, kỹ thuật viên thiết kế ứng dụng.
- Cán bộ truyền thông số, quản lý dự án CNTT trong doanh nghiệp, tổ chức chính phủ và phi chính phủ.
- Khởi nghiệp công nghệ hoặc học tiếp các bậc cao hơn trong và ngoài nước.
Sinh viên CNTT thực tập tại Viện Công nghệ và đào tạo Devmaster
Lựa chọn CNTT tại Học viện Phụ nữ Việt Nam không chỉ là chọn một ngành học, mà còn là chọn một tương lai dẫn đầu xu thế, một môi trường học tập truyền cảm hứng và một hành trình vươn ra thế giới trong thời đại số.