Theo TS Lê Thống Nhất, giải pháp tuyển sinh đại học cho cả triệu học sinh tốt nghiệp lớp 12 sau năm 2020 cần được soi chiếu với cách làm của các nước trên thế giới có cái nhìn rộng khắp và chốt lại những gì phù hợp với điều kiện Việt Nam.
TS Lê Thống Nhất cho biết, tại Mỹ, các trường đại học tuyển sinh không dựa vào một kỳ thi chung toàn quốc mà dựa vào kết quả kiểm tra của hai cuộc thi độc lập là SAT (Scholastic Achivement Test, thi Anh văn và Toán) và ACT (American College Test, thi Anh văn, Toán, Đọc hiểu và Khoa học).
TS Lê Thống Nhất đề xuất 2 hướng đi cho tuyển sinh đại học trong nước sau năm 2020.
Mỗi cuộc thi được tổ chức 4 lần/năm. Điểm chung của hai kỳ thi này là đều chú trọng đánh giá khả năng tư duy và phân tích, vận dụng kiến thức của thí sinh thay vì kiểm tra khối lượng kiến thức mà thí sinh tích lũy được.
Thêm vào đó, dựa vào đăng ký của thí sinh, ACT còn đưa ra bộ câu hỏi nhằm đánh giá năng khiếu và sở trường của thí sinh và tư vấn cho sinh viên nên chọn học ngành nào trong kết quả thi được gửi về. Sau đó, học sinh cuối cấp trung học sẽ gửi bảng điểm trung học, kết quả thi SAT hoặc ACT và bài luận tới khoảng 5 đến 6 trường đại học.
Các trường sẽ dựa trên những kết quả này để lựa chọn sinh viên mới. Ngoài ra, các trường đại học danh tiếng của Mỹ như Harvard, Stanford, Duke còn áp dụng thêm hình thức tuyển chọn đặc biệt. Hàng năm, Ban tuyển sinh của các trường này sẽ đi tới tất cả các thành phố trên toàn quốc nhằm mục đích tìm ra những gương mặt học sinh xuất sắc nhất.
Ở Pháp, học sinh phải tham gia kỳ thi duy nhất để tốt nghiệp trung học và xét tuyển vào đại học, được gọi là Thi tú tài (baccalaureate). Học sinh phải đạt tối thiểu 10/20 điểm (tính trung bình điểm các môn); nếu chỉ đạt 8-9/20 sẽ phải thi lại hoặc tham gia một bài thi vấn đáp sau đó. Nếu đạt dưới 8/20, học sinh phải học lại.
Kỳ thi tú tài được chia làm 3 khối thi và học sinh chọn một khối để tham gia. Khối S (Khoa học) yêu cầu người thi phải có trình độ cao trong Toán, Vật lý, Hóa, Sinh. Khối ES (Kinh tế và Khoa học xã hội) tập trung vào các môn về kinh tế và xã hội. Khối L (Ngữ văn) coi trọng các môn văn học Pháp, Triết học, Sử, Địa, Ngoại ngữ. Hình thức thi chủ yếu là viết và vấn đáp. Một số bài thi về khoa học còn có thêm phần thi trong phòng thí nghiệm.
Ở Hàn Quốc, kỳ thi năng lực đại học (CSAT) ra đời năm 1994 là bài thi tiêu chuẩn được các đại học ở Hàn Quốc chấp nhận. Kỳ thi trước đây chỉ có 5 bài nhưng từ năm 2016, sĩ tử phải tham gia thêm bài Lịch sử.
Bài thi Ngữ văn, Toán học và tiếng Anh tính trên thang điểm 100, trong đó bài tiếng Anh có cả phần nghe. Ngoài tiếng Anh, học sinh phải tham gia một bài thi Ngoại ngữ khác, thường là tiếng Trung với thang điểm 50. Môn thi cuối cùng, học sinh được tự chọn trong các môn Xã hội, Khoa học và Dạy nghề.
Tuy nhiên, điểm thi đại học chỉ chiếm 65% kết quả tuyển sinh. Các yếu tố còn lại là bảng điểm Phổ thông Trung học (25%) và thi tự luận tại trường đại học (10%).
Tại Trung Quốc, học sinh sau khi tốt nghiệp THPT nếu muốn vào đại học phải tham gia kỳ thi Tuyển sinh Đại học chung phạm vi toàn quốc. Nội dung đề thi và chỉ tiêu tuyển sinh cho từng ngành, từng trường được chỉ định bởi Bộ Giáo dục.
Nguyện vọng của tất cả thí sinh trên toàn quốc sẽ được nộp lên Hội đồng thi Quốc gia. Sau đó, kết quả thi kèm theo nguyện vọng sẽ được chuyển đến các trường đại học mà học sinh đăng ký. Việc tuyển sinh được các trường lựa chọn trên cơ sở điểm thi của thí sinh.
Một số nước khác như Canada cũng không có kỳ thi tuyển sinh đại học chung mà chỉ sử dụng hình thức xét tuyển. Mỗi trường đại học sẽ có một tiêu chuẩn nhập học khác nhau và xét hồ sơ theo từng trường hợp cụ thể.
Ở Australia học sinh sẽ được xét tuyển vào đại học hoặc các trường cao đẳng dạy nghề dựa vào kết quả học tập trung học hoặc thông qua bài thi STAT bao gồm trắc nghiệm Toán, Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội và viết bài luận tiếng Anh.
Na Uy cũng là một trong những nước không có kỳ tuyển sinh đại học. Tại nước này, các trường xét tuyển đại học dựa vào thành tích tại trường THPT, điểm thưởng cho ngành học đặc biệt là kinh nghiệm phục vụ quân đội của học sinh. Mỗi học sinh có thể gửi hồ sơ của mình tới 10 trường đại học khác nhau để tham gia xét tuyển.
“Vậy giải pháp nào cho Việt Nam?” – TS Lê Thống Nhất đặt vấn đề và đưa ra hai hướng đi cho tuyển sinh Đại học ở nước ta sau năm 2020. Thứ nhất là duy trì kỳ thi THPT quốc gia đảm bảo chất lượng vừa để xét tốt nghiệp THPT, vừa làm căn cứ để một số trường Đại học, Cao đẳng xét tuyển. Các trường có thể bổ sung thêm những hình thức kiểm tra năng lực của học sinh.
Hướng đi thứ hai là tổ chức các Trung tâm Khảo thí Nhà nước và Trung tâm Khảo thí độc lập để đánh giá năng lực, kiến thức các môn trong chương trình phổ thông.
Ngân hàng đề thi, cách thức tổ chức của các Trung tâm Khảo thí độc lập sẽ được Bộ GD&ĐT thẩm định và cấp giấy phép. Các Trung tâm Khảo thí độc lập tiến hành nhiều kỳ thi trong năm, có các điểm thi ở các địa phương tạo điều kiện cho học sinh có thể tham gia thi để nhận chứng chỉ một cách thuận lợi, lệ phí thi do Bộ GD&ĐT quy định khung. Được biết một số đơn vị có năng lực đã có kế hoạch liên kết để thực hiện việc tổ chức các Trung tâm Khảo thí độc lập.