Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, đại diện các trường ĐH-CĐ và các sở GD-ĐT cả nước tham dự.
Trong bài báo cáo tổng kết, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết trong năm học 2014-2015 cả nước có 219 trường ĐH và 217 trường CĐ (không tính các trường khối an ninh, quốc phòng, quốc tế). Trong đó có 60 trường ĐH và 28 trường CĐ khối ngoài công lập.
Tổng số giảng viên các trường ĐH và CĐ trong cả nước là 91.183 người, trong đó giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên chiếm 53,62%, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên chỉ chiếm 12,06% và tỷ lệ người có chức danh GS, PGS mới đạt 4,36%.Trong khi đó, cả nước có trên 1,8 triệu sinh viên ĐH và gần 540.000 sinh viên CĐ.
So với trước đó, quy mô đào tạo giữ tương đối ổn định, trong đó tăng tỷ lệ sinh viên chính quy và giảm sinh viên hệ vừa làm vừa học (tỷ lệ sinh viên hệ vừa làm vừa học trong năm học này chỉ còn khoảng hơn 20% toàn khối ĐH và CĐ). Tuy nhiên Bộ cũng thừa nhận dù đã chỉ đạo quyết liệt nhưng điều kiện đảm bảo chất lượng tại một số trường chưa đáp ứng quy mô đào tạo, vẫn còn không ít ngành học không đảm bảo điều kiện giảng viên cơ hữu theo quy định…
Trên cơ sở này, một trong các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2015-2016 theo xác định của Bộ GD-ĐT là điều chỉnh quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH phù hợp với quy định mới của Luật giáo dục nghề nghiệp căn cứ trên nhu cầu thực tế của người dân và quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Trong đó chú trọng quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm. Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh, trong bối cảnh một số trường địa phương gặp khó trong tuyển sinh, Bộ sẽ phối hợp với các bộ ngành cơ cấu lại hệ thống các trường theo hướng: chuyển đổi ngành đào tạo, giải thể, sáp nhập, chuyển cơ sở đào tạo thành phân hiệu các trường ĐH có uy tín…
Ủng hộ chủ trương trên, tiến sĩ Lê Sĩ Đồng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM nhận định: “Quy mô đào tạo ĐH và CĐ như hiện nay rõ ràng chưa hợp lý khi số lượng trường ĐH và CĐ gần như bằng nhau. Vì vậy, việc điều chỉnh cơ cấu giáo dục ĐH cần thực hiện trong năm học tới, trong đó Bộ nên đưa ra tiêu chí sáp nhập theo 2 giai đoạn mà giai đoạn đầu là tự nguyện”.
Hội nghị sẽ tập trung thảo luận các vấn đề trọng điểm như: quy mô đào tạo, tiêu chí xác định chỉ tiêu tuyển sinh, các phương pháp nâng cao chất lượng giảng dạy, những vướng mắc về điều lệ trường ĐH và những vướng mắc về trường ĐH địa phương, xây dựng chuẩn đầu ra phù hợp để sinh viên ra trường làm đúng ngành nghề đào tạo, phương án đổi mới tuyển sinh 2016…
Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/