Bộ GD&ĐT vừa ban hành văn bản hợp nhất quy chế thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy. Theo đó, các trường được tự do quyết định số lần tuyển sinh trong năm (một hoặc hai lần) theo phương thức thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển.

Các trường tổ chức tuyển sinh riêng thực hiện quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh. Cụ thể là xây dựng Đề án tự chủ tuyển sinh, hiệu trưởng chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các khâu: ra đề thi, tổ chức thi, chấm thi (nếu có); xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển; giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến tuyển sinh.

hs-2955-1403490119.jpg

Thí sinh có thể thi đại học hai lần trong năm.

Bộ Giáo dục nhấn mạnh, kết quả thi của thí sinh thi vào trường tổ chức tuyển sinh riêng chỉ có giá trị xét tuyển vào trường đó, không có giá trị xét tuyển sang trường khác. Tuy nhiên, các trường tổ chức tuyển sinh riêng có thể kết hợp xét tuyển những thí sinh dự kỳ thi chung có kết quả đáp ứng các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ quy định. Các trường có thể tổ chức tuyển sinh riêng từng phần cho một số khoa, ngành.

Kỳ thi đại học chung sẽ được Bộ Giáo dục duy trì đến hết năm 2016. Những trường tổ chức thi chung sẽ được Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn đề thi tuyển sinh. Giám đốc các đại học, học viện, Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng chịu trách nhiệm tổ chức sao in, đóng gói đề thi (nếu được Bộ giao nhiệm vụ), bảo quản, phân phối, sử dụng đề thi…

Với các trường tuyển sinh ngành năng khiếu, các môn văn hoá thi theo đề thi chung của Bộ Giáo dục, còn các môn năng khiếu do các trường chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các khâu ra đề thi và chấm thi.

Các trường không tổ chức thi được sử dụng kết quả tuyển sinh theo đề thi chung của thí sinh cùng khối thi, trong vùng tuyển quy định của trường để xét tuyển. Hiệu trưởng các trường chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển.

Nguồn: http://vnexpress.net/