Thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2019 tại Hà Nội. Ảnh: Giang Huy

Việc điều chỉnh nguyện vọng được thực hiện trong 10 ngày, từ 22 đến 31/7, sau khi thí sinh biết điểm và các trường công bố mức nhận hồ sơ xét tuyển. PGS Phạm Quốc Khánh, Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng, thông tin tổng số nguyện vọng vào trường sau thời gian điều chỉnh đã tăng hơn 3.000.

‘Số lượng thực tế còn cao hơn nữa bởi có nhiều em rút hồ sơ xét tuyển khỏi Học viện do không đạt ngưỡng sàn 18. Phần lớn số bổ sung thuộc nhóm nguyện vọng 1-4’, ông Khánh nói và cho biết tổng nguyện vọng năm nay là hơn 30.000, tăng so với năm ngoái. Chỉ tiêu của trường là 3.730.

Học viện Ngân hàng dự kiến công bố điểm chuẩn vào sáng 9/8 sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ các trường lọc ảo. Trước đó, trường dự kiến điểm chuẩn các ngành sẽ tăng từ 0,5 đến 1.

Theo kế hoạch tuyển sinh, trước 17h ngày 9/8, các trường sẽ công bố điểm chuẩn đợt 1. Thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học trước 17h ngày 15/8. Sau đó, các trường tổ chức xét tuyển bổ sung vào ngày 28/8.

Các mốc tuyển sinh thí sinh cần nhớ. Đồ họa: Tạ Lư

Các mốc tuyển sinh thí sinh cần nhớ. Đồ họa: Tạ Lư

Năm 2019, khoảng 887.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia, giảm gần 40.000 so với năm ngoái. Tuy nhiên, số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng lại tăng hơn 10.000, ở mức hơn 653.000 thí sinh.

Tổng số nguyện vọng thí sinh đăng ký trước khi điều chỉnh nguyện vọng là hơn 2,5 triệu. Trong đó nhóm ngành kinh doanh, quản lý được nhiều thí sinh lựa chọn nhất với gần 823.000 nguyện vọng. Tính theo tổ hợp xét tuyển, khối D01 (Toán, Văn, Anh) chiếm tới 30,74%. Tổng chỉ tiêu các trường là gần 490.000.