Mở màn chuỗi hoạt động Tư vấn mùa thi 2019
Nội dung này sẽ diễn ra lúc 14 giờ ngày 10.12 trong chương trình tọa đàm trực tuyến truyền hình với chủ đề “Đổi mới tuyển sinh ĐH” do Báo Thanh Niên thực hiện tại: thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien và YouTube Thanh Niên.
Buổi tọa đàm sẽ mở màn cho chuỗi các hoạt động trong khuôn khổ chương trình Tư vấn mùa thi 2019 – một trong những hoạt động lớn của T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên VN, Bộ GD-ĐT và Báo Thanh Niên tổ chức hơn 20 năm qua.
Ngay sau buổi tọa đàm, Báo Thanh Niên tiếp tục triển khai đồng thời nhiều hoạt động tư vấn hướng nghiệp và tuyển sinh trong năm nay như: tư vấn cộng đồng tại nhiều địa phương trong cả nước, tư vấn truyền hình trực tuyến, phát hành
Cẩm nang tuyển sinh 2019, phát sóng clip hướng dẫn ôn thi THPT quốc gia 2019… Ngày hội tư vấn mùa thi 2019 do Báo Thanh Niên và Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai phối hợp tổ chức sẽ diễn ra ngày 5.1.2019 tại Trường ĐH Đồng Nai.
Tuyển sinh 2019 sẽ ra sao ?
Một trong những sứ mệnh của một trường ĐH là đào tạo ra nguồn lực chất lượng cao, công dân có ích cho xã hội. Một yếu tố để thực hiện được điều này là phải có nguồn đầu vào thích hợp. Từ bao lâu nay, tuyển sinh như thế nào là mối quan tâm của các trường ĐH.
Trước những thay đổi này, các trường ĐH đang từng bước chuẩn bị để có những đổi mới tuyển sinh theo hướng tăng cường tự chủ. Hầu hết các trường đều đã chọn cách áp dụng đồng thời nhiều phương thức, một số đơn vị tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển người học theo cách riêng.
Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, kỳ thi THPT quốc gia sẽ giữ ổn định đến năm 2020 khi chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai. Nhưng từ năm 2019, kỳ thi này có thể sẽ điều chỉnh đề về mặt kỹ thuật theo hướng bám sát yêu cầu mục tiêu xét tốt nghiệp THPT.
Như Báo Thanh Niên đã đưa tin, năm 2019, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ tuyển sinh dựa vào nhiều phương thức, trong đó dự kiến dành tới 40% tổng chỉ tiêu các ngành được dùng để xét từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do chính ĐH này tự tổ chức. Không chỉ trường trong hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM, kỳ thi đánh giá năng lực này còn được một số trường ĐH khác đăng ký sử dụng kết quả phục vụ tuyển sinh cho trường mình, ví dụ như các trường ĐH: Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, Thủ Dầu Một (Bình Dương)…
Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng dự kiến bổ sung vào phương án tuyển sinh điều kiện tối thiểu để nhận hồ sơ xét tuyển dựa vào điểm trung bình môn tiếng Anh lớp 12. Vào năm 2020, trường này dự kiến tổ chức thêm bài thi đánh giá năng lực tổng hợp kết hợp với điểm trung bình 3 năm THPT để tuyển người học.
Trước các xu hướng trên, trong phần một – nội dung quan trọng của buổi tọa đàm, đại diện các trường ĐH có mặt chia sẻ kế hoạch tuyển sinh của đơn vị mình trong năm 2019 và dự kiến cải tiến cách thức tuyển người học ở những năm tiếp theo.
Bộ GD-ĐT cung cấp định hướng tuyển sinh
Trong vai trò khách mời đặc biệt của chương trình, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), sẽ chia sẻ về chủ trương của Bộ về công tác tuyển sinh trong năm 2019 và những năm tiếp theo.
Buổi tọa đàm cũng đặt ra nhiều vấn đề các trường ĐH, thí sinh quan tâm trong quá trình đổi mới tuyển sinh, cụ thể là tính ổn định của công tác thi và xét tuyển. Một trong các câu hỏi được đặt ra thẳng thắn với các trường là có hay không việc ngại tổ chức thi riêng nên vẫn dùng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển và sau năm 2020, việc tuyển sinh vào các trường ĐH sẽ theo hướng nào.
Bên cạnh đó, chương trình cũng nêu quan điểm việc xét tuyển không nên khống chế đầu vào mà siết chặt đầu ra có phù hợp trong bối cảnh VN? Cùng một ngành nhưng ở các trường khác nhau sẽ lấy điểm trúng tuyển khác nhau, điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến chất lượng đầu ra? Việc xét tuyển bằng học bạ có đảm bảo chất lượng đầu vào và có đáp ứng được nhu cầu lao động thực tế?…
Một vấn đề cũng được xã hội băn khoăn là chất lượng đầu vào giữa việc sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia và từ bài thi đánh giá năng lực. Nên chăng thành lập trung tâm khảo thí, kiểm định độc lập để tổ chức xét tuyển cho các trường ĐH. Đặc biệt nhấn mạnh vai trò các ĐH quốc gia, ĐH vùng trong việc tập hợp, kết nối với các trường thực hiện công tác tuyển sinh sau năm 2020?
Ngoài ra, đại diện các trường THPT chia sẻ với Bộ GD-ĐT và các trường ĐH những mong muốn và đề xuất gì trong việc tuyển sinh ở các trường từ thực tế việc dạy học ở trường mình và qua tìm hiểu từ học sinh.
Hơn 20 khách mời tham gia tọa đàm
Khách mời tham dự gồm: bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bộ GD-ĐT; PGS-TS Vũ Hải Quân, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM.
Đại diện các trường ĐH ở TP.HCM: TS Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt – Đức; TS Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ; PGS-TS Dương Thị Hồng Hiếu, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm; TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm; TS Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM; TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp; Th.S Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm; Th.S Nguyễn Ngọc Hà, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch; Th.S Phạm Doãn Nguyên, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Kinh tế – Tài chính; Th.S Hồ Thanh Tình, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành; đại diện Trường ĐH Kinh tế; TS Lê Lâm, Chủ tịch Hệ thống giáo dục Đại Việt.
Các trường ĐH ở tỉnh: TS Lâm Thành Hiển, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai); TS Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng).
Bên cạnh đó, còn có đại diện các trường THPT tại TP.HCM gồm: bà Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân; ông Nguyễn Văn Yên, Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương; ông Phạm Phương Bình, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân; ông Đỗ Ngọc Trung, Phó hiệu trưởng Trường THPT Thủ Đức; ông Nguyễn Văn Thành, Hiệu trưởng Trường THPT Ernst Thalmann. |