Tần ngần đứng rất lâu trước ô trưng bày hình ảnh, hiện vật của người dân tộc Tà Ôi, Cơ Ho, Mạ, Bana, chị Lê Thị Hương Phó Chủ tịch Hội LHPN Tỉnh Đăk Nông cho biết: Khi nhìn hình ảnh, hiện vật này tôi bỗng nhớ lại những tháng ngày xuống địa bàn thăm đời sống của chị em phụ nữ dân tộc, tìm hiểu và cùng họ dệt lên những tấm vải đầy hoa văn màu sắc được may thành váy áo trong những dịp lễ hội. Đồng bào tôi trong Đăk Nông còn phải chịu rất nhiều khó khăn, chị em còn nhiều thiếu thốn, tôi sẽ cố gắng đóng góp phần nhỏ sức lực của mình cùng xã hội cải thiện đời sống của bà con.

 

Nhanh tay nhờ bạn học lưu giữ lại hình ảnh trang phục cưới hỏi của người dân tộc vùng cao, chị Nguyễn Thị Tuyết Loan Phó Chủ tịch Hội LHPN Tỉnh Hậu Giang cho biết : Tôi rất thích trang phục cưới hỏi của nhiều vùng miền được trưng bày tại bảo tàng, nó giúp tôi được sống lại những khoảnh khắc ý nghĩa của cuộc đời, những ngày tháng hạnh phúc, mới mẻ của cuộc sống lứa đôi. Trong cuộc sống hiện đại, phong tục cưới hỏi của người Việt đã đơn giản hóa đi rất nhiều, tuy nhiên tôi vẫn tin rằng sự linh thiêng của những tập tục văn hóa truyền thống sẽ nhắc nhở các bạn trẻ có trách nhiệm hơn với ông bà, tổ tiên trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình.

Rất tự nhiên khi thoăn thoắt đội chiếc khăn Piêu trưng bày tại bảo tàng lên đầu, chị Lò Thị Minh Phượng – Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Điện Biên cho biết: Đây là chiếc khăn vô cùng quen thuộc trong đời sống của chị và người dân tộc Thái. Chị cho biết, mình cũng là một cô gái Thái, ngay từ nhỏ đã được xem bà, mẹ và tự mình dệt thổ cẩm, làm khăn Piêu. Chiếc khăn Piêu không chỉ tăng vẻ duyên dáng của cô gái Thái còn là thước đo về sự khéo léo, chăm chỉ và tấm lòng của cô dâu khi về nhà chồng.

 

Tìm lại được cảm xúc giống như được trở về miền quê tuổi thơ khi nhìn thấy những vật dụng nông nghiệp trưng bày tại bảo tàng, chị Nguyễn Thị Hai Chủ tịch Hội LHPN Tỉnh An Giang nói: Ngày nhỏ tôi thường đeo giỏ bên hông để cùng anh chị em ra đồng bắt cua cáy, cùng bố mẹ giã lúa đến tận khuya mới xong. Chiếc cối xay lúa này cũng là một kỉ niệm không thể quen đối với tôi, hình ảnh này nhắc tôi trân trọng hơn hạt lúa, củ khoai của bố mẹ đã nuối tôi khôn lớn.

 

Khi được nghe thuyết minh về những tấm gương anh hùng như Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Thị Quế, Hồ Thị Bi, Mạc Thị Bưởi, Nguyễn Thị Chiên, Võ Thị Sáu…cả đoàn đều vô cùng xúc động trước tinh thần lạc quan, kiên định của các bà, các mẹ, các chị trong cuộc chiến không khoan nhượng với kẻ thù. Chị Lê Thị Bích HằngChủ tịch Hội LHPN Tỉnh Hà Giang xúc động nói: Ngắm những kỉ vật của những nữ anh hùng là chiếc lược chải đầu, chiếc kẹp tóc, bức tranh thêu, những bộ quần áo nhỏ xinh được cắt ra từ quần áo tù may cho em bé tôi thực sự thấy vô cùng yêu thương và kính trọng. Qua chuyến thăm quan này tôi càng hiểu rằng trong tột cùng đau thương, những bông hoa cách mạng vẫn bừng nở đầy kiêu hãnh. Chính vẻ đẹp đó đã khiến kẻ thù khuất phục. Thế hệ chúng tôi xin gửi lời tri ân sâu sắc đến các nữ anh hùng.

 

Cùng chung suy nghĩ như chị Lê Thị Bích Hằng, Phó chủ tịch Hội LHPN Đồng Tháp Nguyễn Thị Ngọc Yến đã chia sẻ: Khi nhìn thấy hình ảnh anh hùng Võ Thị Thng với nụ cười của niềm tin và chiến thắng cùng bức thư của bà gửi gia đình khi bị đày ra Côn Đảo tôi đã không khỏi tò mò. Gắng đọc lại những dòng thư đã nhạt màu theo thời gian, tôi muốn tìm hiểu sâu hơn để hiểu được tâm tư, tình cảm của nữ anh hùng khi ở vào hoàn cảnh tù đày, gian khổ ngày ấy. Càng đọc tôi càng thấy khâm phục bà, không một lời ủy mị, oán thán chỉ là tình yêu thương tràn trề hi vọng vào một ngày mai hòa bình, độc lập đang đón đợi. Khi ấy gia đình đoàn tụ, Bắc Nam sum vầy và nụ cười sẽ nở trên môi tất cả mọi người dân đất Việt.

Chị Lê Thị Thu Cúc Phó Chủ tịch Hội LHPN Tỉnh Long An thì lại chia sẻ những cảm xúc của mình khi nhìn thấy hình ảnh các mẹ Việt Nam anh hùng: Nhìn hình ảnh các mẹ tôi đã hiểu thêm về câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Sống trong cát chết vùi trong cát/ Những trái tim như ngọc sáng ngời”. Soi mình vào trái tim của mẹ, tôi thấy cần phải sống tốt hơn để cuộc đời luôn đẹp như sự mong đợi của các mẹ.

Chuyến tham quan khép lại, mỗi người mang trong mình những suy nghĩ, tình cảm riêng tuy nhiên, chắc chắn rằng sau chuyến đi này các chị sẽ thu nhận được nhiều kiến thức lịch sử phục vụ tốt hơn cho công tác Hội.