Những ngày đầu năm 2016, Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức đưa cán bộ, nhân viên về nguồn tại Côn Đảo. Đó là lần đầu tiên tôi đến với Côn Đảo. Theo lẽ thường tôi phải bắt đầu bài viết là “Đến Côn Đảo”, nhưng với những cảm xúc đặc biệt, với lòng thành kính và tình cảm vô hạn dành cho các anh hùng liệt sĩ, tôi đã coi lần viếng thăm đầu tiên này như là trở về nơi thân thuộc gần gũi và gắn bó từ thủa nào.
Vâng, trở về Côn Đảo, Đoàn chúng tôi được đưa đi tham quan theo chương trình định sẵn: thăm “chuồng cọp”, thăm các trại giam, các “sở” – mà thực chất là nơi giam cầm, hành hạ tinh thần và thể xác tù nhân từ thời Pháp thuộc, đến thời ngụy quyền Sài Gòn – tay sai đế quốc Mỹ và chỉ chấm dứt khi miền nam hoàn toàn giải phóng năm 1975. Đúng như những gì chúng tôi được nghe, được thấy, đây thực sự là chốn giam cầm lý tưởng của chính quyền thực dân và tay sai, nhất là đối với tù nhân chính trị. Tính khốc liệt, tàn bạo, dã man nơi đây không có ngòi bút nào có thể mô tả được cho hết, cho đầy đủ theo cách gọi của các tù nhân về chốn này: “địa ngục nơi trần gian” thậm chí là: “địa ngục trong địa ngục”. Vì thế nên ở Côn Đảo, mỗi lá cây, ngọn cỏ, nhành hoa, viên đá, thậm chí từng hạt cát đều chứng kiến và góp phần vào cuộc đấu tranh kiên cường, sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ cách mạng nơi đây!
Trong Đoàn có Bà Đặng Hồng Nhật – cựu tù Côn Đảo, bà nguyên là Hiệu trưởng trường Lê Thị Riêng, nay là Phân hiệu Học viện phụ nữ Việt Nam. Bà là kho sử sống về Côn Đảo, những mảnh ghép ký ức của Bà đã cho chúng tôi rất nhiều thông tin bổ ích và sâu sắc về những nữ tù nhân tại Côn Đảo trong suốt chuyến đi.
Ngoài ra, thật may mắn cho tôi khi được làm quen với chú Bảy – công dân của Côn Đảo. Chú Bảy không chỉ là Đảng viên, cán bộ lão thành công tác ở huyện đảo Côn Lôn trước đây, mà chú còn là cựu tù nhân chính trị bị giam cầm nơi đây trong thời gian dài cho đến ngày giải phóng. Chú kể rằng, trước khi giải phóng, huyện đảo này chỉ có 14 hòn đảo gần kề, nhưng sau giải phóng có thêm 2 hòn đảo nổi lên, và chú có vinh dự tham gia đoàn công tác của Quốc Hội đi cắm cờ và đặt bia chủ quyền trên những đảo mới này.
Trong suốt chặng đường từ sân bay Cỏ Ống về nơi đoàn nghỉ, anh lái xe của Ban quản lý khu Di tích đã nhiệt tình giới thiệu cho chúng tôi rất nhiều khu tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ và dành cho Đoàn chúng tôi nghỉ tại khu dinh thự, nơi ở và làm việc của gần 30 chúa Đảo – là những tên thực dân, hoặc tay sai, đã góp phần làm nên “thương hiệu” có một không hai cho Côn Đảo: “Địa ngục nơi trần gian”. Những ngày ở Côn Đảo, Đoàn chúng tôi viếng Đài tưởng niệm nghĩa trang Hàng Dương, viếng mộ đồng chí Lê Hồng Phong, mộ nhà chí sĩ yêu nước Nguyễn An Ninh, mộ nhà cách mạng lừng danh Lưu Chí Hiếu và nhiều mộ anh hùng liệt sĩ khuyết danh. Sau đó chúng tôi di chuyển về nhà tưởng niệm Võ Thị Sáu, nơi đang thực hiện các nghi lễ nhân ngày giỗ của Chị và rất nhiều nơi giam cầm các chiến sỹ yêu nước.
Trong bài viết này, tôi muốn dành thời lượng nhiều hơn để nói về những con người tuy không phải là Đảng viên cộng sản, nhưng họ là những chiến sĩ anh hùng. Họ không chỉ được nhà nước truy tặng, mà còn là người anh hùng mãi mãi trong lòng nhân dân. Mặc dù trong hoàn cảnh bị tù đày, giam cầm hành hạ đến chết hoặc bị kết án tử hình, chờ ngày ra pháp trường nhưng những ngày, những giờ phút cuối cùng của cuộc đời mình, họ đã thể hiện tính chiến đấu quyết liệt, khí phách và sự không khoan nhượng trước kẻ thù, làm cho kẻ thù – với súng đạn đầy mình vẫn phải run sợ và khâm phục.
Trước chuyến tham quan, tôi đã được nghe rất nhiều về huyền thoại Võ Thị Sáu. Khi đặt chân đến Côn Đảo thì những điều trông thấy càng khiến tôi cảm phục về tinh thần bất khuất, anh hùng và sự linh thiêng của chị Võ Thị Sáu sau khi bị Thực dân Pháp tử hình tại Côn Đảo ngày 23/1/1952.
Những ngày cuối cùng của cuộc đời Chị là những ngày ở Côn Đảo, trong một “địa ngục trần gian khét tiếng”, nhưng phẩm chất anh hùng cách mạng của Chị đã được thể hiện mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Phẩm chất kiên cường, trong sáng ấy chẳng những góp phần cổ vũ động viên phong trào đấu tranh cách mạng, mà còn củng cố niềm tin cho hàng ngàn người tù Côn Đảo.
Nơi giam cầm anh hùng Võ Thị Sáu trước khi ra pháp trường
Ngay sau khi thi hành án tử hình chị Sáu, sáng ngày 24/1/1952 có người lính lê dương già trong đội bắn đã khóc ngồi trên phiến đá cả đêm, bỏ ăn cả ngày vì ông không ngủ được, đôi mắt của cô gái ấy đã không ngừng ám ảnh ông.
Sau khi chị Sáu bị hành hình, những người tù đã bí mật đắp mộ, dựng bia nơi chôn cất chị Sáu. Mỗi khi địch tổ chức đập phá bia mộ và khủng bố tù nhân, truy tìm người đúc bia mộ thì vợ con gác ngục lại đồn ầm lên là cô Sáu hiện về. Chuyện cô Sáu hiện về lan đi rất nhanh, nhiều gia đình gác ngục lập bàn thờ cô Sáu. Họ tin rằng một người con gái chết trẻ và chết thiêng như vậy ắt sẽ hóa thần.
Những câu chuyện kể trên đã lan truyền và từ lâu đi vào tâm thức của từng người dân Côn Đảo cũng như du khách đến với Côn Đảo. Trái lại với khung cảnh lạnh lẽo của những nghĩa trang thông thường, với nghĩa trang Hàng Dương lúc 11h đêm vẫn rực sáng đèn, vẫn lặng thầm những bóng người đến thắp hương tưởng nhớ làm ấm lòng của những chiến sỹ đã anh dũng hy sinh cho tổ quốc.
Trong chuyến hành trình này, người tiếp theo mà tôi muốn kể đến là “Ông già chuồng cọp”: Anh hùng LLVT Cao Văn Ngọc. Cũng như chị Sáu, Ông chưa ngày nào là Đảng viên Cộng sản.
Ông Cao Văn Ngọc sinh năm 1897 tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Thời Pháp thuộc ông làm Hương quản, năm 1945 tham gia cách mạng. Sau năm 1955, ông là cơ sở liên lạc của cách mạng, bị tay chân Ngô Đình Diệm bắt. Địch tìm thấy tài liệu ở nhà ông, mặc dù bị tra tấn dã man, ông vẫn không nhận. Vào tù, ông chống chào cờ suy tôn, chống học ‘tố Cộng’. Bị đày ra Côn Đảo năm 1959, ông chống chế độ lao tù khắc nghiệt. Ông nổi tiếng với biệt danh ‘ông già chuồng cọp’, một ông già quắc thước, luôn luôn đấu tranh với địch. Ông thường nói: ‘Tôi nay ngoài 60 rồi, cực khổ đã lắm, đau thương đã nhiều và cũng đã có lúc sung sướng. Bây giờ tôi chỉ cần sao được chết quang vinh là không hổ thẹn. Mà chết cho dân cho nước là quang vinh nhất trần đời rồi còn gì‘. Khi bị giặc dụ dỗ ly khai, Ông đã viết trên mảnh giấy, được hiểu là Đơn xác định lập trường: “Tôi tên Cao Văn Ngọc, 64 tuổi vì già và dốt, học tập không được nên không ly khai. Và xin ở đây đến ngày chết thôi.”. Hiện văn bản này vẫn lưu giữ nơi trang trọng trong bảo tàng Côn Đảo. Ông hy sinh năm 1962, sau một trận đòn ác liệt nhất, dã man nhất ở Côn Đảo.
Chuồng cọp – Nơi các chiến sĩ cộng sản bị giam cầm
Cuộc đời họat động cách mạng nói chung, cũng như những cuộc chiến đấu một mất một còn, không một tấc vũ khí trên tay đến giây phút cuối cùng trong phong trào chống ly khai (1957-1961) tại Chuồng cọp Côn Đảo của anh hùng Cao Văn Ngọc và nhiều chiến sĩ cách mạng là trang sử sáng ngời trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Vâng, họ xứng đáng là những tượng đài vĩnh cửu trong lòng dân tộc.
Điều gì đã khiến những người như chị Sáu, ông Ngọc và biết bao anh hùng liệt sĩ có được những hành động phi thường như thế? Vâng, đó chính là lòng yêu nước, truyền thống bất khuất của dân tộc, nó được hun đúc trong suốt chiều dài lịch sử hơn 4000 năm của đất nước.
Hiện nay, ngày hy sinh của chị Sáu, của ông Ngọc, của nhiều anh hùng liệt sĩ đã trở thành lễ lớn của huyện đảo Côn Lôn. Những con người này đã hóa thành bất tử, đã trở thành huyền thoại gắn liền với đất trời Côn Đảo, đất trời Việt Nam. Những chiến sĩ anh hùng không còn nữa, nhưng họ đã, đang và mãi mãi đi chung con đường cùng một Việt Nam hội nhập và phồn vinh.
Chia tay với Côn Đảo, khi máy bay đã cất cánh, nhìn lại đảo, tôi khe khẽ vẫy tay chào mà lòng thấy bồi hồi, xúc động. Khâm phục biết bao, kính trọng và tự hào biết mấy về những người con anh hùng của dân tộc Việt Nam vĩ đại đã nằm lại nơi đây vì độc lập, tự do và hạnh phúc. Họ có thể là Đảng viên hoặc chưa một ngày là Đảng viên cộng sản, nhưng khí phách, phẩm chất anh hùng, đạo đức lối sống đáng để tất cả chúng ta học tập.
Chào Côn Đảo thân yêu, hẹn ngày trở về!