Hội thảo có sự tham gia của hơn 80 đại biểu từ các cơ quan quản lý nhà nước, trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ trong nước và 20 đại biểu từ các nước trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Nam Phi, Indonesia, Lào . Nội dung hội thảo tập trung vào bốn nhóm chủ đề chính: Phát triển doanh nghiệp xã hội; Phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Giới trong lãnh đạo doanh nghiệp và Lao động, việc làm trong cách mạng công nghiệp 4.0. Hội thảo đã nhận được 42 báo cáo khoa học tập hợp trong Kỷ yếu hội thảo và gần 30 ý kiến trao đổi, chia sẻ và thảo luận tâm huyết của các đại biểu tham dự. Bài viết này sẽ điểm lại một vài kết quả nổi bật ở từng nhóm chủ đề của hội thảo.

Chủ đề 1. Phát triển doanh nghiệp xã hội

Trong chủ đề phát triển doanh nghiệp xã hội, có bảy bài tham luận từ các tác giả đã bàn đến các khía cạnh khác nhau như khung lý thuyết nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng tới tính bền vững của doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam; vai trò của doanh nghiệp xã hội trong giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường và trao quyền cho phụ nữ; một số rào cản đối với phụ nữ khởi nghiệp bằng mô hình doanh nghiệp. Theo Khoản 1, Điều 10 của Luật Doanh nghiệp 2014, doanh nghiệp xã hội là doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí: a) Là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định của Luật này; b) Mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng; c) Sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký.

Doanh nghiệp xã hội được khẳng định có vai trò lớn trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích của cộng đồng. Đặc biệt, doanh nghiệp xã hội có thể tạo ra cơ hội trao quyền cho phụ nữ như trường hợp doanh nghiệp sản xuất bánh mỳ Lijjat Ấn Độ (Nguyễn Thị Thu Hương, 2018). Việc tham gia của phụ nữ trong doanh nghiệp sản xuất bánh mỳ đã góp phần nâng cao vị thế của họ trong gia đình và cộng đồng ở Ấn Độ – nơi tồn tại sự bất bình đẳng giới một cách nặng nề.

Bài tham luận “Sự phát triển của doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam” của ThS. Hoàng Thị Phương Loan và ThS. Nguyễn Lam Hạnh và bài tham luận “Rào cản đối với phụ nữ khởi nghiệp bằng mô hình doanh nghiệp xã hội” của TS. Vũ Thị Minh Hiền và ThS. Nguyễn Lan Phương đã chỉ ra một số thuận lợi và khó khăn đối với các doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam hiện nay, bao gồm doanh nghiệp xã hội do nữ làm chủ. Về thuận lợi, các doanh nghiệp xã hội được tạo điều kiện về hành làng pháp lý, được hỗ trợ tài chính từ các nguồn viện trợ theo quy định của pháp luật. Khi doanh nghiệp xã hội đầu tư kinh doanh vào những lĩnh vực, địa bàn hoặc cho đối tượng được khuyến khích thì được hưởng các chính sách ưu đãi đặc thù như đầu tư trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ công, bảo vệ môi trường, đầu tư tại địa bàn miền núi, hay cho nhóm đối tượng yếu thế (người nghèo, người khuyết tật, đồng bào vùng sâu, vùng xa…). Tuy nhiên, các quy định luật pháp về doanh nghiệp xã hội chưa cụ thể và chi tiết. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xã hội gặp phải một số khó khăn như: khả năng tiếp cận nguồn vốn tài chính hạn chế, ý thức xã hội khó thống nhất giữa các cổ đông trong doanh nghiệp. Ngoài khó khăn về tiếp cận vốn tài chính, các doanh nghiệp của phụ nữ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn nữa: cạnh tranh gay gắt; bản thân họ thiếu đào tạo; thiếu khả năng đương đầu với rủi ro, quan hệ gia đình, nhận thức về doanh nghiệp hạn chế; năng lực quản lý điều hành hạn chế; thiếu hụt dịch vụ hỗ trợ nâng cao năng lực phù hợp cho doanh nghiệp. Các đại biểu cũng đưa ra một số giải pháp góp phần thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam như: Xây dựng khung pháp lý dành riêng cho doanh nghiệp xã hội cùng với các quy định hướng dẫn thi hành cụ thể hơn; Có chính sách khuyến khích, ưu đãi và hỗ trợ chung cho doanh nghiệp xã hội, huy động vốn đối với doanh nghiệp để phát triển nguồn tài chính bền vững; Nâng cao nhận thức xã hội về loại hình doanh nghiệp xã hội qua hoạt động truyền thông…

Chủ đề 2. Phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Một trong những vấn đề được các nhà khoa học tại hội thảo khá quan tâm đó là những yếu tố ảnh hưởng đặc biệt là tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến phụ nữ khởi nghiệp thành công và phát triển doanh nghiệp. Bài tham luận “Tinh thần sẵn sàng khởi nghiệp kinh doanh của phụ nữ các tỉnh miền Bắc Việt Nam” của ThS. Hà Thị Thúy đã khẳng định phụ nữ có nhu cầu, mong muốn khởi nghiệp kinh doanh cao. Tuy nhiên, khởi nghiệp có thành công hay không phụ thuộc vào cả yếu tố chủ quan và khách quan. Trước hết, yếu tố cá nhân của phụ nữ như các loại năng lực, cảm xúc cần thiết cho kinh doanh vừa chứa đựng những khía cạnh tích cực nhưng đồng thời đặt ra những thách thức cho nữ doanh nhân. Quan điểm của nhiều người dân ở nhiều quốc gia và nền văn hóa cho rằng phụ nữ không có những năng lực, tính cách, cảm xúc phù hợp với kinh doanh. Chẳng hạn, những tính cách cần có trong kinh doanh như hiếu thắng, tham vọng, ưa thành tích nổi bật ở nam giới hơn là nữ. Trong khi đó, tính cách phụ nữ được đặc trưng bởi sự ấm áp, quan tâm, có tính hợp tác (Mazura, 2018). Những khuôn mẫu về tính cách được phụ nữ tiếp nhận thông qua các quá trình xã hội hóa từ khi họ sinh ra. Tuy nhiên, một số đại biểu hội thảo cho rằng phụ nữ có thể học hỏi những năng lực, cảm xúc mới phù hợp với kinh doanh. Bên cạnh đó, họ nên tận dụng những năng lực, tính cách được cho là đặc trưng của giới nữ như tình cảm, quan tâm đến người khác… để đạt được các mục tiêu. Nhóm tác giả Trương Minh Đức, Phạm Thị Hạnh (2018) cũng đã nghiên cứu các yếu tố tác động đến việc khởi nghiệp thành công của doanh nhân nữ bao gồm: mối quan hệ, sự hỗ trợ của gia đình, động lực thúc đẩy khởi nghiệp, kiến thức và kinh nghiệm kinh doanh, niềm tin vào chính bản thân mình và dám chấp nhận mạo hiểm, đổi mới sáng tạo và nền tảng kiến thức công nghệ thông tin.  Tuy nhiên, nhân tố mối quan hệ đang là yếu tố quan trọng nhất, các nhân tố đổi mới sáng tạo, nền tảng kiến thức công nghệ thông tin đang bị xem nhẹ (Trương Minh Đức, Phạm Thị Hạnh, 2018). Mặc dù vậy, một số nghiên cứu đã chỉ ra tận dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt ứng dụng công nghệ thông tin là một hướng khởi nghiệp cho phụ nữ. Ví dụ, phụ nữ có thể sử dụng các mạng xã hội để kinh doanh như bán hàng online nhằm tạo dựng nền tảng kinh tế ổn định cho bản thân và gia đình (Vũ Thị Minh Ngọc & Lê Hồng Việt, 2018). Không chỉ có vậy, tận dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 còn giúp phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế và xã hội. Chia sẻ của TS. Elizabeth Dewi – đại biểu đến từ Indonesia cho thấy công nghệ thông tin đã góp phần làm giảm tỷ lệ bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở vùng Bandung, Indonesia. Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến phụ nữ bị chồng bạo hành là tình trạng phụ thuộc về kinh tế của họ. Mạng internet đã trao cho phụ nữ Bandung cơ hội tham gia kinh doanh, từng bước độc lập về kinh tế và khẳng định được tiếng nói trong gia đình (Dewi, 2018). Tuy vậy, quá trình khởi nghiệp của phụ nữ phải vượt qua nhiều thách thức dưới sự tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đặc biệt khi vẫn tồn tại quan niệm xã hội truyền thống về vai trò giới. Để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp thành công, một số tác giả tập trung vào giải pháp hoàn thiện pháp luật dành riêng cho đối tượng này cũng như khuyến khích các mô hình kinh doanh phù hợp với phụ nữ.

Chủ đề 3. Giới trong lãnh đạo doanh nghiệp

Bàn về chủ đề “giới trong lãnh đạo doanh nghiệp”, các nhà khoa học đã khẳng định tăng cường vai trò lãnh đạo của nữ giới trong doanh nghiệp là cách thức đề thúc đẩy hiệu quả kinh doanh. Bài tham luận  của TS.Trần Quang Tiến và TS.Phùng Thị Quỳnh Trang (2018) cho thấy, doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo đã có những kết quả hoạt động ấn tượng không thua kém gì nam giới. Mặc dù khó khăn về vốn, quy mô sản xuất kinh doanh nhỏ nhưng kết quả mà họ đạt được rất ấn tượng, đặc biệt đối với những doanh nghiệp được niêm yết. Các con số thống kê về doanh thu, lợi nhuận sau thuế và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu phản ánh kết quả hoạt động tốt hơn hẳn các doanh nghiệp do nam lãnh đạo. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nữ còn thực hiện tốt các trách nhiệm xã hội về thuế, bảo hiểm xã hội, thu hút lao động nữ và các trách nhiệm khác. Tuy nhiên, TS/ThS Trần Minh Đức lại cho rằng các doanh nghiệp có nữ làm chủ ở Việt Nam hiện nay phải đối mặt với nhiều rào cản và khó khăn. Trước hết, họ khó tiếp cận vốn tài chính vì không có tài sản thế chấp phù hợp, không có sự ủng hộ của chồng và gia đình trong quá trình vay vốn. Các ngân hàng chưa xem xét áp dụng một chiến lược riêng cho phân khúc doanh nghiệp nhỏ và vừado phụ nữ làm chủ. Ngay cả đối với doanh nhân nữ đủ điều kiện vay vốn, họ có xu hướng nhận được ít hơn những gì họ yêu cầu và số tiền thấp hơn nam giới. Họ cũng ít được tham gia các chương trình xúc tiến thương mại của trung ương và địa phương vì phụ nữ không có nhiều mối quan hệ nên có tiếp cận thông tin ít hơn nam giới. Đó cũng là một lý do khiến phụ nữ gặp bất lợi trong xây dựng và phát triển mạng lưới kinh doanh. Bên cạnh đó, định kiến giới về phẩm chất, vai trò lãnh đạo doanh nghiệp khiến phụ nữ không tự tin vào bản thân khi lãnh đạo doanh nghiệp như: Phụ nữ thường khó làm tốt vai trò lãnh đạo do vướng bận công việc gia đình; Phụ nữ không phù hợp với vai trò là người lãnh đạo doanh nghiệp do không có những phẩm chất, đặc điểm cần có ở người lãnh đạo (Trần Thị Hồng, 2018) ; Kỹ năng tài chính kém hơn so với nam giới (Trần Minh Đức, 2018). Do đó, để phụ nữ có thể làm tốt vai trò lãnh đạo doanh nghiệp, cần thực hiện một số giải pháp: Chính sách tạo điều kiện để phụ nữ dễ tiếp cận vốn tài chính; Bồi dưỡng và nâng cao khả năng quản trị doanh nghiệp; Cung cấp thông tin nguồn lực, chính sách và thị trường cho phụ nữ là chủ doanh nghiệp; Hỗ trợ xây dựng mạng lưới kinh doanh và thực hiện xúc tiến thương mại; Tăng cường vai trò của các hiệp hội doanh nhân nữ, câu lạc bộ doanh nhân. Về các biện pháp hỗ trợ phụ nữ là chủ doanh nghiệp, hội thảo đã nhận được sự chia sẻ từ các đại biểu quốc tế và Việt Nam về các mô hình hỗ trợ phụ nữ kinh doanh của Nhật Bản (chương trình EDGE-NEXT), chương trình hành động tích cực của Hàn Quốc (AA) và các biện pháp về bình đẳng giới của Na-Uy (Miura, 2018; Tống Thùy Linh, 2018; Đoàn Thị Thu Hằng, 2018). Đó là những bài học kinh nghiệm mà Việt Nam có thể học hỏi và tiếp thu cho trường hợp của mình. 

Chủ đề 4. Lao động, việc làm trong cách mạng công nghiệp 4.0

Đối với chủ đề này, , nội dung bàn luận của hội thảo tập trung vào tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đối với vấn đề việc làm của lao động nữ. Các đại biểu tham dự đều khẳng định cuộc cách mạng 4.0 mang đến cho lao động nữ nhiều cơ hội mới. Mặt khác, nó cũng đặt ra cho họ những thách thức mà nếu không vượt qua được, lao động nữ sẽ là đối tượng thiệt thòi.. Về cơ hội đối với lao động nữ, lao động nữ có thể tiếp cận với ngành nghề mới, việc làm mới, cơ hội tăng năng suất lao động, tăng thu nhập và cơ hội nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển với lao động nữ trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, lao động nữ là đối tượng có trình độ, kỹ năng, tay nghề thấp nên họ có nguy cơ bị thay thế bởi tự động hóa, nguy cơ mất việc làm và những tác động đến con cái, gia đình, đời sống, những hạn chế về trình độ chuyên môn, kỹ thật làm mất đi cơ hội phát triển nghề nghiệp (Phan Thế Công, Ngô Thị Huyền, 2018). Phụ nữ tham gia nhiều trong một số lĩnh vực như sản xuất dệt may, da giầy, điện tử… Đây là những lĩnh vực được dự báo sẽ áp dụng công nghệ tự động hóa trong thời gian tới. Do vậy, nhiều lao động nữ có khả năng thất nghiệp khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chính thức diễn ra ở Việt Nam. Theo các tác giả, để giúp lao động nữ tiếp cận với các thành tựu, vượt qua các thách thức mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra, bản thân họ, nhà nước và xã hội cần thực hiện các biện pháp như sau. Lao động nữ cần tự trang bị những kỹ năng cao (nâng cao trình độ, tay nghề). Bên cạnh đó, phát huy vai trò của nhà nước và sự chung tay của các tổ chức xã hội đối với vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội. Ngoài ra, phát triển kỹ năng mềm cho lao động nữ để đáp ứng nhu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0 (Phan Thế Công, Ngô Thị Huyền, 2018).

Tóm lại, các báo cáo khoa học và ý kiến tham luận, trao đổi của đại biểu trong hội thảo khá đa dạng từ vấn đề lý luận cho đến các bài học kinh nghiệm trên thực tiễn. Qua đó, chúng ta có thể thấy rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động kinh doanh,việc làm và sự phát triển nói chung của phụ nữ Doanh nghiệp nữ và lao động nữ cần biết nắm bắt các cơ hội mà các cuộc cách mạng này mang tới đồng thời xác định các biện pháp khắc phục rào cản, khó khăn để phát triển. Bên cạnh đó, gia đình, các tổ chức xã hội, nhà nước có vai trò hỗ trợ quan trọng để giúp phụ nữ tận dụng được thành tựu và vượt qua các thách thức khi cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra. Kết quả hội thảo đã gợi mở cho các nhà khoa học những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu và bàn luận trong thời gian tới.

Các bài tham luận hội thảo được trích dẫn trong bài viết

  1. Phan Thế Công, Ngô Thị Huyền (2018). Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 – Những cơ hội và thách thúc đối với lao động nữ trong các doanh nghiệp ở Việt Nam.
  2. Dewi E., Yazid S., Apresian S. (2018). The usage of 4th industrial revolution for social and economic empowerment of women domestic violence survivor: A study from Bandung, Indonesia.
  3. Trần Minh Đức (2018). Cần thiết khuyến khích mô hình doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ ở Việt Nam trong kỷ nguyên 4.0
  4. Trương Minh Đức, Phạm Thị Hạnh (2018). Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 tới các yếu tố khởi nghiệp thành công của các doanh nhân nữ Việt Nam
  5. Phạm Hồng Hải (2018). Khung lý thuyết nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng tới tính bền vững của doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam
  6. Đoàn Thị Thu Hằng (2018). Institutional solutions on gender equality in businesses: Experiences and lessons from Norway.
  7. Vũ Thị Minh Hiền, Nguyễn Lan Phương (2018). Rào cản đối với phụ nữ khởi nghiệp bằng mô hình doanh nghiệp xã hội
  8. Trần Thị Hồng (2018). Định kiến giới về phẩm chất, vai trò lãnh đạo doanh nghiệp ở nhóm dân tộc thiểu số
  9. Nguyễn Thị Thu Hương (2018). Trao quyền cho phụ nữ thông qua doanh nghiệp xã hội: Bài học từ Ấn Độ.
  10. Hoàng Thị Phương Loan, Nguyễn Lam Hạnh (2018). Sự phát triển của doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam. Tống Thùy Linh (2018). Biện pháp cải thiện việc làm tích cực ở Hàn Quốc và sự tăng tỷ lệ nữ trong lãnh đạo doanh nghiệp.
  11. Mazura M. (2018). The strategic use of emotions for female entrepreneurs.
  12. Miura T., Yokota K. (2018). Fostering women’s entrepreneurship in Japan: Ochanomizu university attempt in Edge-Next program consortium.
  13.  Vũ Thị Minh Ngọc, Lê Hồng Việt (2018). Xu hướng sử dụng mạng xã hội để khởi nghiệp của phụ nữ Việt Nam
  14. Hà Thị Thúy (2018). Tinh thần sẵn sàng khởi nghiệp kinh doanh của phụ nữ các tỉnh miền Bắc Việt Nam
  15. Tien T. Q., Trang P.T.Q. (2018). Gender diversity in enterprise’s leadership and Vietnamese firm performance.