Trong xu thế toàn cầu hóa kinh tế hiện nay, muốn đảm bảo sự phát triển bền vững cho hoạt động kinh doanh của một quốc gia, một doanh nghiệp, hơn lúc nào hết, càng cần có sự tìm hiểu và nghiên cứu thấu đáo về văn hóa kinh doanh, để góp phần định hướng đúng đắn cho hoạt động kinh tế, kinh doanh. Nghiên cứu, giảng dạy và học tập văn hóa kinh doanh là một biện pháp thiết thực để nâng cao nhận thức về vai trò của văn hóa trong hoạt động kinh tế, kinh doanh, tạo dựng những kỹ năng cần thiết để vận dụng các nhân tố văn hóa vào trong hoạt động kinh tế và kinh doanh.
“Giáo trình Văn hóa kinh doanh” nhằm trang bị cho người học:
– Nắm vững những kiến thức cơ bản và kinh nghiệm trên thế giới về văn hóa kinh doanh và nhận thức được vai trò, ảnh hưởng của văn hóa kinh doanh như một nhân tố quan trọng đối với sự phát triển kinh doanh, nâng cao tầm nhìn quản lý .
– Hiểu sự phong phú, đa dạng và vai trò của các nhân tố văn hóa kết tinh trong hoạt động kinh doanh để xây dựng các mối quan hệ kinh doanh lành mạnh, hướng đến những lợi ích bền vững.
– Nắm vững được phương pháp xây dựng văn hóa kinh doanh ở một chủ thể kinh doanh cụ thể, góp phần làm cho kinh doanh đạt được kết quả cao và phát triển bền vững.
Với mục tiêu trên, Giáo trình văn hóa kinh doanh được biên soạn thành 5 chương với nội dung chính như sau:
Chương 1: Trình bày kiến thức tổng quan về văn hóa kinh doanh như: khái niệm, đặc điểm, vai trò, các nhân tố tác động… làm nền tảng kiến thức cho các chương sau.
Chương 2: Trình bày các yếu tố cấu thành văn hóa kinh doanh bao gồm triết lý kinh doanh, đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa ứng xử trong kinh doanh. Chương này củng cố thêm cho sinh viên những kỹ năng cần thiết để tổ chức, ứng dụng và phát triển các kiến thức về văn hóa kinh doanh trong quá trình kinh doanh
Chương 3: Phân tích sự đa dạng, phong phú của văn hóa kinh doanh quốc tế trong điều kiện toàn cầu hóa kinh tế, cung cấp những kỹ năng cần thiết để xây dựng văn hóa kinh doanh trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Chương 4: Phác thảo đời sống văn hóa kinh doanh Việt Nam, đặt ra các vấn đề cần suy ngẫm, lý giải văn hóa kinh doanh Việt Nam đương đại
Chương 5: Tập hợp các tình huống văn hóa kinh doanh
Nội dung của 5 chương trên được thể hiện bằng các hình thức diễn giải, phân tích kết hợp với các minh họa, mô hình, biểu, bảng. Cuối mỗi chương đều có phần tóm lược và câu hỏi ôn tập nhằm giúp người học củng cố lại và phát triển các kiến thức đã học
Thư viện Học viện Phụ nữ Việt Nam mời các bạn đón đọc.