Khác với nội dung hai tác phẩm nổi tiếng được bạn đọc săn tìm vừa qua là Sapiens lược sử về loài người và Homo Deus lược sử tương lai, lần này là một quyển sách đề cập trực diện những vấn đề có tính toàn cầu nhưng rất sát sườn với số đông người đọc.

21 bài học cho thế kỷ 21 là phần việc như chính tác giả bộc bạch: ‘Tôi muốn xoáy ống kính vào vấn đề ‘ngay tại đây’ và ‘ngay lúc này’. Tiêu điểm của tôi đặt ở các sự kiện hiện tại và tương lai gần nhất của xã hội loài người. Điều gì đang xảy ra ngay lúc này? Những thách thức lớn nhất và những lựa chọn quan trọng nhất của ngày nay là gì? Ta cần chú ý đến điều gì? Ta nên dạy con cái ta những gì?’.

Sự sát hợp của quyển sách này còn ở chỗ: bản thảo được bắt đầu từ những thắc mắc của độc giả và các đồng nghiệp mà tác giả có điều kiện ghi nhận được.

Nhưng điều đặc biệt quan trọng chính là khả năng của tác giả trong nhìn nhận bao quát vấn đề và trình bày trong phương pháp biện giải nhân quả, cùng với phân tích định lượng các biến cố xã hội đang xảy ra.

Có thể hình dung công chúng đang nhìn thấy cây, còn Noah Harari chỉ ra đây là một khu rừng loại gì, đang ở đâu trên bản đồ toàn cầu, nó vừa bị cơn bão nào tràn qua và sắp sửa có những cơn lũ nào quét tới.

Quan trọng hơn nữa, Harari không đơn thuần chỉ ra một cách xác đáng những vấn đề mà nhiều người còn chưa tường tận, vị giáo sư năm nay ở tuổi 43 còn đề xuất các hướng tiếp cận chuyên biệt để cải thiện tình hình.

Đơn cử một phát biểu của Harari về chủ nghĩa khủng bố: ‘Chủ nghĩa khủng bố vừa là một vấn đề chính trị toàn cầu vừa là một cơ chế tâm lý học nội tại. Chủ nghĩa khủng bố hoạt động bằng cách nhấn một cái nút sợ hãi thẳm sâu trong tâm trí ta và cướp đi những tưởng tượng riêng tư của hàng triệu người’.

Với cách hiểu như vậy, có lẽ phải cần một ít thời gian nữa, để những ai ngày ngày theo dõi tin tức qua tivi và cả những nhà làm chính sách của các quốc gia ‘đàn anh thế giới’ đang thương lượng các khoản ngân sách để chi cho công cuộc chống khủng bố có thể đồng cảm và nhìn thấy từ đó một hướng ra bền vững hơn.

 

Trở lại với 21 bài học cho thế kỷ 21, ở đây công chúng sẽ được dịp nghe đề cập hàng loạt câu chuyện tối quan trọng đang diễn ra, đang song hành với con người và còn có nguy cơ tiếp diễn trong tương lai.

Trong ngồn ngộn dữ kiện và chằng chịt các mối quan hệ, bạn đọc vẫn tìm được cảm giác thích thú và bị hấp dẫn do lẽ tác giả đã rất tài tình trong sử dụng ngôn ngữ diễn đạt: trong sáng, logic và cả dí dỏm hồn nhiên.

Cho nên những vấn đề to tát được trình thuật một cách rất giản dị, ‘sự nổi lên của Donald Trump nói lên điều gì? Ta có thể làm gì với vấn nạn ‘tin giả’? Tại sao nền dân chủ tự do lại lâm vào khủng hoảng? Chúa đã trở lại rồi chăng?

Một cuộc thế chiến mới đang đến? Nền văn minh nào thống trị thế giới: Phương Tây, Trung Quốc hay Hồi giáo? Châu Âu có nên mở cửa cho người nhập cư? Chủ nghĩa dân tộc có giải quyết đươc các vấn đề bất bình đẳng và biến đổi khí hậu không? Ta nên làm gì với chủ nghĩa khủng bố’.

Nhưng có những dự liệu của Harari có thể khiến người đọc rùng mình: ‘Các thuật toán Big Data có thể tạo ra những ‘nền độc tài số’, mọi quyền lực tập trung trong tay một nhóm tinh hoa cực nhỏ trong khi hầu hết những người khác phải gánh chịu, không phải sự bóc lột mà là một thứ tồi tệ hơn: sự vô dụng’.

Và như thế, những trang viết của Harari có thể cùng cư dân toàn cầu mở rộng vấn đề đến vô lượng vô biên…

‘Không phớt lờ góc độ cá nhân’

Noah Harari khẳng định mình đề cập đến các vấn đề có tính toàn cầu nhưng ‘không phớt lờ góc độ cá nhân’.

Và một trong những điều bất ngờ là ông bằng kinh nghiệm thiền tập Vipassana, đã đề xuất phương pháp để con người kiểm soát mình tốt hơn trong thế giới hiện tại: ‘Ngay cả khi chúng ta nghĩ mình phản ứng với việc một người khác đã làm, với dòng tweet mới nhất của Tổng thống Trump chẳng hạn, hay một ký ức thơ ấu xa lắc, sự thật là chúng ta luôn phản ứng với các cảm giác cơ thể tức thời của mình… Dân tộc của chúng ta chẳng cảm thấy gì hết, nhưng cơ thể chúng ta thì đau thực sự