“Vĩ đại” và “hỗn loạn” có lẽ là hai tính từ phù hợp nhất để miêu tả di sản của vị triết gia người Đức. Vì lẽ này, các bạn độc giả trẻ có lẽ sẽ thích thú với tuyển tập hai cuốn Lời của Nietzsche cho người trẻ (Nhã Nam, NXB Thế Giới, Nguyễn Đỗ An Nhiên dịch), trong đó hệ thống tư tưởng của Nietzsche được tác giả Shiratori Haruhiko trình bày lại thành những tuyên ngôn súc tích, giản dị và dễ hiểu.
Bộ sách chia làm hai phần với tiêu chí rõ rệt. Cuốn thứ nhất mang chủ đề “Tình yêu – Ý chí – Khát vọng” còn cuốn thứ hai là “Tri thức – Nghệ thuật – Lối sống.” Bạn sẽ thấy đây hoàn toàn không hề là những chủ đề mới.
Vì suy cho cùng, có gì là mới dưới ánh mặt trời đâu. Nhưng Nietzsche kiến giải những chủ đề này bằng sự thông thái và sâu sắc rút tỉa từ chính bản thân ông. Vì tuổi thọ con người là có hạn, nên chỉ kẻ may mắn mới học hỏi được từ kinh nghiệm của người khác. Và trong trường hợp này, chúng ta, nhất là những người trẻ, những người còn có cả một tương lai thênh thang trước mắt, đang có cơ hội học được từ không ai khác ngoài Nietzsche.
|
Bìa sách Lời của Nietzsche cho người trẻ. |
Khác với sự “vĩ đại” và “hỗn độn” trong nhiều tác phẩm của mình, bạn đọc sẽ được nhận những lời dạy thực tế và dung dị đến đáng ngạc nhiên, như thể ta đang được nghe một bài học “phát triển bản thân” từ một ông giáo làng tận tụy chứ không phải một “gã điên” như Nietzsche, chẳng hạn như “Suy nghĩ về cuộc đời thì tốt đấy, nhưng chỉ nên suy nghĩ khi bạn đang nghỉ ngơi, rảnh rỗi thôi. Lúc bình thường, hãy chuyên tâm làm việc. Hãy dốc toàn bộ sức lực vào công việc mình phải làm. Hãy nỗ lực cho các vấn đề cần giải quyết. Bởi đó là sống một cách vững chắc trong cuộc đời thực này.” (Sự thuần khiết của sinh thành, “Về bản thân Nietzsche”).
Tương tự, Nietzsche khuyên ta “Chẳng nên quá yêu quá khứ. Bởi nếu cứ mãi trói buộc tâm hồn bởi những luyến thương quá mức dành cho quá khứ, chúng ta sẽ hoàn toàn không hiểu ý nghĩa và giá trị mới mẻ của nhiều sự vật liên tục được nảy sinh trong cuộc đời con người (Sự thuần khiết của sinh thành, “Gửi Zarathustra”).
Tiếp tục, Nietzsche bàn đến tầm quan trọng của âm nhạc trong đời sống: “Âm nhạc có đầy đủ tác dụng điều hòa của cảm quan và tôn giáo. Nó khiến người ta đắm chìm và say mê. Điều đó có nghĩa rằng âm nhạc tuyệt hơn nữ nhân”. (Sự thuần khiết của sinh thành, “Nữ giới/Kết hôn”). Thật tình cờ, việc định hướng thanh niên, nhất là thanh niên nam giới, đầu tư cho bản thân trên nền tảng của văn thể mỹ và hạn chế sa đà vào những cám dỗ của dục tình và chất kích thích cũng là chủ đề nổi trội trong chương trình nghị luận của biết bao nhà giáo dục và bậc phụ huynh của thế giới ngày nay.
Cũng như ông bà mình có câu Nhàn cư vi bất thiện, Nietzsche nêu bật tầm quan trọng của việc có cho mình một việc gì đó để làm như sau: “Người mạnh mẽ là người thường xuyên đắm mình trong công việc. Với họ, dù có xảy ra chuyện gì cũng không chùn bước. Không vội vã. Không dao động. Không hoang mang. Không bất an. Không lo lắng. Bởi nhờ công việc, tâm hồn và nhân cách được rèn giũa, họ trở thành những người vượt ra khỏi thế gian.” (Tri thức hân hoan).
Và cứ như vậy, tuy không nhất thiết phải đồng ý 100% với tác giả, bạn đọc sẽ tìm thấy hết những lời khuyên này đến lời khuyên khác với sắc thái và tinh thần tương tự. Quả là những quan điểm giàu tính thực tế, có thể áp dụng vào ngay trong cuộc sống hàng ngày, và khác xa những lời lẽ đao to búa lớn mà phần nhiều vẫn bị gán ghép một cách thiếu công bằng cho những triết gia và tư tưởng của họ.
Với những ai đã có phần quen thuộc với Nietzsche, những lời khuyên dành cho người trẻ trong tuyển tập này không có gì lạ lẫm, vì suy cho cùng chính ông là người đã phát minh và nêu cao những khái niệm như Selbstuberwindung (Sự vượt lên chính mình) và Ubermensch (Siêu nhân) – những khái niệm đề cao tầm quan trọng và sự cao quý của “hành trình” liên tục và phát triển và cải thiện bản thân. Và trên hành trình kéo dài cả đời người đó, tuyển tập hai cuốn Lời của Nietzsche cho người trẻ có thể là một cuốn sổ ghi chép đắc lực cho bạn.