Kính thưa các đồng chí lãnh đạo,

Kính thưa Bà Phan Kiều Thu – Tổng Thư ký Kế hoạch Colombo, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Sri Lanka và Maldives

Kính thưa các nhà khoa học,

Kính thưa các quý vị đại biểu trong nước và quốc tế,

          Gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng để hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống tốt đẹp, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua các thời kỳ, cấu trúc và quan hệ giới trong gia đình có thay đổi, nhưng gia đình vẫn luôn là một thiết chế xã hội quan trọng, không thể thiếu trong sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Bên cạnh việc tiếp nhận những tác động tích cực về kinh tế xã hội do quá trình đổi mới mang lại, gia đình Việt Nam đang phải đối mặt với không ít thách thức như dịch bệnh, biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai, thiếu việc làm, di cư lao động trong nước và quốc tế… Phụ nữ và các thành viên gia đình, vì vậy, phải đương đầu với những khó khăn trong thực hiện vai trò và chức năng gia đình.

Vai trò giới trong gia đình được hiểu là các công việc và hành vi cụ thể mà xã hội trông chờ ở mỗi thành viên gia đình với tư cách là nam giới hoặc nữ giới. Vai trò giới khác nhau ở các bối cảnh xã hội, bối cảnh lịch sử. Vai trò giới trong gia đình thể hiện qua các vai trò sản xuất (sản xuất tạo ra thu nhập bằng tiền, sản xuất tạo ra hiện vật), vai trò tái sản xuất (tái sản xuất sinh học, tái sản xuất sức lao động) và vai trò cộng đồng (tham gia cộng đồng, lãnh đạo cộng đồng). Vai trò này thể hiện rõ qua việc thực hiện các chức năng quan trọng trong gia đình như chức năng kinh tế, chức năng giáo dục, chức năng tâm lý, tình cảm, chức năng sinh sản, tái sản xuất sức lao động.

Việc quan tâm thúc đẩy thực hiện tốt vai trò giới trong gia đình, chính là thúc đẩy bình đẳng giới, thực hiện tốt các quy định luật pháp, chính sách quốc gia và quốc tế. Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) nhấn mạnh việc các nước cần thúc đẩy việc cung cấp các dịch vụ xã hội để cha mẹ có thể kết hợp tốt nghĩa vụ chăm sóc gia đình với trách nhiệm công việc ở cơ quan và tham gia đầy đủ vào đời sống cộng động. Điều 16 Công ước CEDAW nhấn mạnh trách nhiệm của phụ nữ và nam giới trong gia đình, nghiêm cấm các phân biệt đối xử trong tất cả các vấn đề liên quan đến hôn nhân và quan hệ gia đình. Điều 16 Công ước CEDAW cũng quy định quyền và trách nhiệm như nhau trong vai trò làm cha mẹ, trong nuôi dưỡng, chăm sóc con cái. Tiếp đó, Cương lĩnh hành động Bắc Kinh đề cập đến gánh nặng công việc chăm sóc không lương chính là rào cản đối với việc hiện thực hoá các quyền của phụ nữ; khuyến nghị các nước cộng nhận đầy đủ những đóng góp của phụ nữ đối với nền kinh tế quốc gia.

Gần đây nhất, Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững do Liên Hợp Quốc ban hành năm 2015, với 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và 169 chỉ tiêu, trong đó chỉ tiêu 5.4 thuộc Mục tiêu SDG5 nhấn mạnh sự cần thiết phải ghi nhận và đánh giá công việc gia đình và chăm sóc không lương thông qua chia sẻ trách nhiệm trong gia đình; phát triển các dịch vụ công và các chính sách bảo trợ xã hội. Tại Việt Nam, Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (được Chính phủ ban hành năm 2017), cũng như Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 (ban hành năm 2019) đều quan tâm thúc đẩy bình đẳng giới trong gia đình. Đặc biệt, Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 lựa chọn chỉ tiêu 5.4 để cụ thể hóa lộ trình hiện thực hóa chỉ tiêu này. Theo đó, đến năm 2025, tỷ lệ thời gian làm công việc nội trợ và chăm sóc gia đình không được trả công đạt ở mức 1,4 lần ở phụ nữ so với nam giới; phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ này đạt 1,3 lần ở phụ nữ so với nam giới; từng bước thu hẹp khoảng cách giới trong thực hiện công việc chăm sóc không được trả công.

Trên thực tế, còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập liên quan đến viêc thực hiện vai trò giới trong gia đình như sự tham gia không bình đẳng vào công việc gia đình; định kiến giới gắn phụ nữ với vai trò gia đình, coi việc nội trợ, chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái là của phụ nữ; bất bình đẳng giới trong lao động, việc làm, thu nhập; quyền quyết định của phụ nữ trong gia đình còn hạn chế; tồn tại bạo lực gia đình và các hình thức bạo lực trên cơ sở giới khác v.v. Bất bình đẳng trong thực hiện vai trò giới có ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của gia đình, hạn chế tiến bộ bình đẳng giới. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khoảng trống trong nghiên cứu cần được bàn luận, đào sâu thêm.

Kính thưa các quý vị đại biểu tham dự Hội thảo,

Hội thảo khoa học quốc tế “Vai trò giới trong gia đình hiện đại” là một trong những hoạt động chính thuộc khuôn khổ Dự án Nâng cao năng lực Khoa Giới và Phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam được thực hiện trong 18 tháng, kể từ tháng 8 năm 2019. Hội thảo nhằm trao đổi, chia sẻ và công bố các kết quả nghiên cứu khoa học, tạo diễn đàn học thuật để thảo luận các vấn đề liên quan đến vai trò giới trong thực hiện các chức năng cơ bản của gia đình, các vấn đề giới trong gia đình, đưa ra các giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới và sự bền vững của gia đình trong xã hội hiện đại. Đây là một hoạt động trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 60 năm truyền thống vẻ vang của các thế hệ thầy và trò nhà trường, đồng thời kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam (20/10/1930 – 20/10/2020).

Sau thời gian công bố tiếp nhận báo cáo khoa học, Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được hơn 70 bài viết. Trải qua quá trình phản biện độc lập, gần 40 báo cáo khoa học của các học giả, các nhà khoa học trong nước và quốc tế được lựa chọn đăng trong Kỷ yếu Hội thảo. Các tác giả không chỉ khai thác các vấn đề liên quan đến vai trò giới trong gia đình Việt Nam, mà còn khai thác vấn đề giới trong gia đình Ba Lan, gia đình ở các nước In-đô-nê-xia, Băngladét, Áp-ga-ni-xtan. Bên cạnh đó, việc thực hiện vai trò giới trong các gia đình dân tộc người Nùng Phàn Slình, người Khmer, người Ê-đê được các tác giả mô tả và phân tích thấu đáo. Rất nhiều vấn đề thú vị được các tác giả nghiên cứu, thảo luận sâu như tác động của di cư tới đời sống gia đình, quyền ra quyết định của phụ nữ trong gia đình, sự chia sẻ việc nhà của nam giới, phân công lao động theo giới trong gia đình, v.v…   

Các bài viết phản ánh chân thực, chính xác kết quả nghiên cứu của các tác giả, các nhà khoa học; tập trung vào các chủ đề trọng tâm, bao gồm: (1) Nâng cao quyền năng của phụ nữ trong gia đình; (2) Thực hiện chức năng kinh tế trong gia đình hiện đại; (3) Vai trò giới trong chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em; (4) Thúc đẩy bình đẳng giới trong gia đình. Ban Tổ chức Hội thảo trân trọng cảm ơn các nhà khoa học đã đầu tư công sức, trí tuệ để viết bài gửi Hội thảo. Để có thể tổ chức được Hội thảo khoa học quốc tế này, không thể thiếu được sự đóng góp tâm huyết của các tác giả, sự tham gia đông đủ của các quý vị đại biểu.

Kính thưa các quý vị đại biểu, các nhà khoa học,

Để Hội thảo thành công, đạt được các mục tiêu đề ra, Ban Tổ chức Hội thảo mong muốn nhận được sự tham gia, thảo luận nhiệt tình, tâm huyết của các quý vị trong suốt thời gian diễn ra Hội thảo. Bên cạnh việc lắng nghe các kết quả nghiên cứu khoa học được trình bày, rất mong các nhà khoa học và quý vị đại biểu chia sẻ thêm thông tin, tri thức liên quan đến các chủ đề của Hội thảo, trọng tâm vào các vấn đề sau:

  1. Những điểm mới đáng chú ý trong cơ sở lý luận về bình đẳng giới trong gia đình, vai trò giới trong gia đình.
  2. Việc nâng cao quyền năng, đặc biệt là quyền năng kinh tế cho phụ nữ có tác động như thế nào tới sự phát triển bền vững của gia đình.
  3. Các ý tưởng, sáng kiến thúc đẩy sự chia sẻ công việc nhà, chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em của nam giới.
  4. Các giải pháp chính sách thúc đẩy bình đẳng giới trong gia đình.

Xin trân trọng cám ơn các đồng chí lãnh đạo, các đồng chí đại diện các cơ quan, tổ chức, các nhà trường, viện nghiên cứu, các chuyên gia trong nước và quốc tế dành thời gian và trí tuệ tham dự Hội thảo ngày hôm nay. Học viện Phụ nữ Việt Nam kính mong các quý vị tiếp tục cộng tác, hỗ trợ Học viện trong các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học trong thời gian tới.

Cuối cùng, xin kính chúc sức khỏe các đồng chí Lãnh đạo, các Quý vị đại biểu và các vị khách quý, các nhà khoa học trong và ngoài nước. Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.

Một lần nữa, xin trân trọng cảm ơn.