Chủ trì hội thảo là TS. Dương Kim Anh – Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam (Học viện), Trưởng Khoa Giới & Phát triển. Đây là một trong những hoạt động nhằm hưởng ứng Tháng hành động vì Bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới (từ 15/11/2021- 15/12/2021); đồng thời hưởng ứng Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (25/11) và ngày Nhân quyền quốc tế (10/12).

Khách mời tham dự Hội thảo có ThS. Hà Thị Thanh Vân- Phó Giám đốc Học viện cùng các lãnh đạo, giảng viên, nghiên cứu viên thuộc các đơn vị của Học viện. Hội thảo thu hút sự quan tâm, tham gia tích cực của sinh viên và cựu sinh viên Khoa Giới và Phát triển các khóa 3, 4, 5, 6,7,8,9, các sinh viên thuộc ngành học khác của Học viện và sinh viên một số trường đại học trên địa bàn Hà Nội. Ngoài ra, hội thảo còn có sự tham dự của các phụ huynh sinh viên ngành Giới và phát triển.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Dương Kim Anh khẳng định tầm quan trọng của NCKH đối với sinh viên và nhấn mạnh: “Bạo lực trên cơ sở giới là tội ác, vi phạm quyền con người và nhân phẩm con người. Tội ác này cần được đẩy lùi bằng nhiều biện pháp, trong đó thực hiện NCKH và đưa ra các khuyến nghị, giải pháp là biện pháp phù hợp trong môi trường giáo dục. Vì vậy, các em sinh viên ngành Giới và Phát triển cũng như sinh viên Học viện cần xem NCKH là trách nhiệm của sinh viên để giải quyết các vấn đề giới, vấn đề bạo lực trên cơ sở giới”.

Hội thảo gồm hai phiên chính kết hợp cùng hai phần trao đổi kinh nghiệm, hỏi-đáp.05 bài trình bày đến từ sinh viên Khoa Giới và Phát triển, với hai bài thuộc đề tài NCKH có thành tích nổi bật. Một bài trình bày là kết quả NCKH đạt giải 3 NCKH sinh viên cấp Bộ năm 2020 và một đề tài lọt vào vòng Chung kết giải thưởng NCKH Euréka năm 2021. Các bài trình bày đã làm nổi bật một số kết quả nghiên cứu, những thuận lợi, khó khăn và những bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình nghiên cứu với các chủ đề: (1) Phân biệt đối xử theo Giới trong gia đình người dân tộc K’Ho (Nghiên cứu tại xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng); (2) Các góc độ luật pháp và thủ phạm của tội phạm mua bán người; (3) Phân công lao động theo giới trong gia đình dân tộc Ê-đê (Nghiên cứu trường hợp tại xã CưM’ta- huyện M’Đrăk- tỉnh ĐăkLăk); (4) Bất bình đẳng giới trong tham chính ở Việt Nam; (5) Thực trạng bất bình đẳng giới trong chăm sóc sức khỏe sinh sản của dân tộc Hà Nhì tại xã Ka Lăng- huyện Mường Tè- tỉnh Lai Châu.

Các diễn giả sinh viên đã nhận được sự quan tâm, chia sẻ, đánh giá chuyên môn từ các Thầy/Cô, các chuyên gia và sinh viên tham gia với không khí trao đổi nghiêm túc, cởi mở, đảm bảo tính học thuật. Đây chính là cơ hội để các em được trau dồi kiến thức, bổ sung các kỹ năng trong NCKH. Đồng thời, những gợi ý, định hướng của các Thầy/Cô đã giúp sinh viên nhận thấy tầm quan trọng của NCKH trong chương trình ngành học Giới và Phát triển cũng như cho công việc của sinh viên sau này sau khi ra trường.  

Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp. Thay mặt Ban tổ chức, TS. Trần Thị Thu Hiền, Phó trưởng Khoa gửi lời cảm ơn tới Ban Giám đốc, đại diện các Khoa/Phòng/Trung tâm và toàn thể giảng viên, sinh viên, đại diện phụ huynh tham dự hội thảo. Thông qua hội thảo, Khoa Giới và Phát triển hy vọng truyền được cảm hứng, khơi nguồn đam mê NCKH, phát huy tinh thần NCKH của sinh viên Khoa thực hiện những nghiên cứu tiếp theo để giải quyết các vấn đề giới, vấn đề bạo lực trên cơ sở giới.