Tham dự sự kiện có đông đảo các đại biểu, nhà khoa học trong và ngoài Học viện.
Về phía đại biểu đối tác có bà Đỗ Thị Thanh Huyền – Quản lý chương trình, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam.; Bà Trần Thị Minh Nguyệt – Cán bộ chương trình về Giới, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam. Đại diện Ban Quản lý dự án Thanh niên và Bình đẳng giới, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam; Viện tư vấn phát triển kinh tế – xã hội nông thôn và miền núi Cisdoma; Đại diện Batik International tại Việt Nam.
Về phía đại biểu khách mời có TS. Vương Thị Hanh – Nguyên Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; GS.TS Nguyễn Hữu Minh – Chủ tịch Hội xã hội học Việt Nam; PGS.TS. Trần Thị Thanh Thủy – Phó viện trưởng Viện Lãnh đạo học và Chính sách công, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Về phía Học viện Phụ nữ Việt Nam PGS.TS. Trần Quang Tiến – Giám đốc Học viện; ThS. Hà Thị Thanh Vân, Uỷ viên Ban chấp hành TƯ Hội LHPN Việt Nam, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam; PGS.TS. Dương Kim Anh – Phó Giám đốc Học viện; Th.S Nguyễn Thị Thu Hương – Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam – Giám đốc Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam, cùng lãnh đạo, cán bộ giảng viên, nghiên cứu viên thuộc các đơn vị, sinh viên các ngành của Học viện.
Ngoài ra, hội thảo còn có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học đến từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Viện Nghiên cứu con người, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Tâm lý học, Viện HLKHXH VN, Viện chăn nuôi quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia HCM, Học viện hành chính quốc gia, Học viện Bưu chính viễn thông, Học viện chính trị khu vực 1, Trường đại học Giao thông vận tải, Trường đại học Ngoại Thương cùng các chuyên gia là tác giả của các bài viết đăng trong kỷ yếu hội thảo tham gia trực tiếp và trực tuyến.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Trần Quang Tiến chia sẻ: Trong giai đoạn hiện nay, các nhà lãnh đạo, quản lý khu vực công đang phải đối diện với các thách thức ngày càng lớn, bao gồm sự tiến bộ như vũ bão của công nghệ, sự thay đổi trong nhận thức của công chúng, nhu cầu và nguyện vọng của xã hội. Vì vậy, các nhà lãnh đạo quản lý khu vực công ngày càng được kỳ vọng đạt được những yêu cầu, tiêu chuẩn cao hơn, toàn diện hơn. Trong hoạt động nghiên cứu lãnh đạo khu vực công, vấn đề bình đẳng giới trong lãnh đạo khu vực công rất cần được phân tích, đề xuất chính sách thúc đẩy, cải thiện. Hội thảo “Lãnh đạo, quản lý khu vực công trong bối cảnh chuyển đổi số” là diễn đàn để các nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, nhà quản lý lãnh đạo chia sẻ, trao đổi thông tin, công bố kết quả nghiên cứu khoa học về vấn đề này. Hội thảo cũng góp phần thúc đẩy quan hệ giao lưu, hợp tác giữa các nhà khoa học, các tổ chức, trường đại học trên cả nước. Thay mặt Ban tổ chức hội thảo, PGS.TS. Trần Quang Tiến cũng mong muốn nhận được sự tham gia, thảo luận và trao đổi nhiệt tình, tâm huyết của các nhà nghiên cứu thông qua việc trình bày kết quả nghiên cứu khoa học và chia sẻ thêm tri thức, thông tin, dữ liệu liên quan đến chủ đề của Hội thảo.
Đại diện UNDP, bà Trần Thị Minh Nguyệt chia sẻ về nội dung “Những bước chuẩn bị cho lãnh đạo trong bối cảnh chuyển đổi số”. Ngoài thực trạng nói chung về sự tham gia của phụ nữ trong lãnh đạo quản lý tại Việt Nam hiện nay bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt còn đặc biệt nhấn mạnh những con số khảo sát cụ thể về sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực công nghệ (lao động nữ chiếm khoảng 37% lực lượng lao động trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam). Đối chiếu với mục tiêu giới trong quản lý lãnh đạo tại Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới từ 2020-2030; Quyết định 2282/QĐTTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chương trình “Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021 – 2030” với chỉ số xếp hạng bình đẳng giới của Việt Nam hiện nay đặt ra nhiều thách thức về vấn đề mà phụ nữ đang phải đối mặt như vấn đề: Định kiến giới; Vấn đề công việc chăm sóc không được trả lương; Chính sách lao động và tuyển dụng trung tính giới; Quy tắc ứng xử nơi làm việc…đặc biệt là tình trạng thiếu hoặc khó thu thập thông tin phân tách theo giới tính. Trước tình hình đó, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt cũng nêu những khuyến nghị cụ thể như: Cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để giải quyết các khó khăn, thách thức trên nhằm đảm bảo chính sách dịch vụ công bằng đối với nữ giới từ đó góp phần thay đổi định kiến, chuẩn mực, thói quen của xã hội về các vấn đề liên quan đến lãnh đạo quản lý khu vực công trong bối cảnh hiện nay.
Trải qua quá trình chọn lọc và quá trình phản biện độc lập, 27 báo cáo khoa học của các học giả, các nhà khoa học được lựa chọn đăng trong Kỷ yếu Hội thảo. Các bài viết được chọn đăng đều bám sát chủ đề hội thảo, có hàm lượng khoa học, có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn.
Ban điều hành hội thảo
Tại hội thảo, các diễn giả, đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về hai nội dung chính: Thực trạng lãnh đạo khu vực công ở Việt Nam, trong đó bao gồm những vấn đề giới trong lãnh đạo, quản lý khu vực công; Năng lực lãnh đạo, quản lý trong bối cảnh chuyển đổi số; trong đó phân tích được các yêu cầu, phẩm chất, năng lực thay đổi dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 và yêu cầu chuyển đổi số cấp quốc gia, ngành và tổ chức.
Cụ thể, tại phiên 1 với chủ đề: “Rào cản giới trong lãnh đạo, quản lý khu vực công” các diễn giả của hội thảo đã chia sẻ kết quả nghiên cứu về chủ đề hội thảo thông qua các tham luận: “Những rào cản khi thực hiện chỉ tiêu BĐG đối với cán bộ công chức tham gia lãnh đạo, quản lý ở cơ quan hành chính nhà nước địa phương (nghiên cứu thực tế tại tỉnh Thái Nguyên)” (TS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Học viện Chính trị Khu vực 1); “Vai trò chủ thể của phụ nữ trong lãnh đạo, quản lý khu vực công: nhìn từ cách tiêp cận năng lực của Amartya Sen” (TS. Nguyễn Trung Thành, Trường Đại học Giao thông vận tải).
Tại phiên 2: Thực trạng lãnh đạo, quản lý khu vực công các tham luận cũng được các diễn giả trình bày chi tiết về các nội dung: “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ nữ lãnh đạo quản lý nhà nước trong thời đại công nghệ số” (TS. Vương Thị Hanh, Nguyên PCT Hội LHPN Việt Nam); “Quản lý khu vực công, thành phố thông minh và yếu tố con người trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia” (GS.TS Trịnh Duy Luân, Viện hàn lâm KHXH Việt Nam).
Tại phiên 3 với chủ đề: Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý khu vực công trong bối cảnh chuyển đổi số các đại biểu tập trung trao đổi về nội dung “Phát triển nguồn nhân lực nữ lãnh đạo quản lý khu vực công trong bối cảnh chuyển đổi số” (TS. Trần Thị Thu Hiền, Học viện Phụ nữ Việt Nam); “Một số giải pháp thực hiện bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý trong khu vực công ở Việt Nam hiện nay” (TS. Lương Thu Hiền Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).
Phiên 4 với chủ đề: Các vấn đề khác liên quan đến lãnh đạo, quản lý khu vực công trong bối cảnh chuyển đổi sốcó 2 tham luận: “Tác động của sự liêm chính lãnh đạo đến hiệu quả làm việc của nhân viên trong khu vực công ở TP. HCM” (Trần Tuấn Ngọc, Đoàn Bảo Sơn, Trường Đại học Mở thành phố HCM); “Giá trị của mô hình dân chủ điện tử đối với lãnh đạo quản lý khu vực công trong bối cảnh chuyển đổi số” (TS. Cao Tiến Sỹ, Học viện Phụ nữ Việt Nam).
Các diễn giả và đại biểu chia sẻ tại hội thảo
Tại mỗi phiên của hội thảo, các đại biểu tham dự đã cùng trao đổi, thảo luận và đặt câu hỏi nhằm tìm hiểu sâu hơn về các nội dung trình bày nhằm xác định cụ thể hơn về thực trạng thách thức đặt ra đối với vấn đề Giới trong lãnh đạo, quản lý khu vực công từ đó cụ thể hoá những giải pháp, khuyến nghị nhằm nâng cao số lượng, chất lượng nữ giới lãnh đạo, quản lý khu vực công đáp ứng yêu cầu của thời đại bùng nổ công nghệ số. Đồng thời, hội thảo cũng chia sẻ những vấn đề khác có liên quan, ảnh hưởng, tác động, đặt chủ đề của hội thảo trong bối cảnh chung của thời đại nhằm đề xuất những phương án, giải pháp tối ưu nhất cho tiến trình phát triển nguồn nhân lực nữ trong lãnh đạo, quản lý khu vực công hướng đến mục tiêu xây dựng một xã hội bình đẳng, tiến bộ về mọi mặt.
Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm