Không chỉ là chương trình nghệ thuật, “Bài ca thống nhất” là một hành trình trở về quá khứ, kết nối trực tiếp giữa thế hệ trẻ với những nhân chứng lịch sử – những người từng cầm súng, giữ vững lý tưởng và đánh đổi tuổi xuân để đất nước có được hòa bình hôm nay.

Khán phòng lặng đi khi lắng nghe những câu chuyện của cựu chiến binh Nguyễn Tài Triệu – người viết đơn tình nguyện nhập ngũ bằng máu, từng bị địch tra tấn, cụt chân, tù đày tại nhà lao Phú Quốc; cô Nguyễn Thị Sang – nguyên trưởng tàu “Ba đảm đang” ngành đường sắt; ông Nguyễn Văn Thiện – tác giả cuốn nhật ký chiến trường mang theo ước nguyện truyền lại lịch sử cho thế hệ sau; và Đại úy Nguyễn Đình Thi, người tham gia chiến dịch đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu và sân bay Tân Sơn Nhất ngày 30/4/1975.

Không chỉ lắng nghe, thế hệ trẻ còn được tương tác, trao đổi trực tiếp với những người từng đi qua chiến tranh. Sinh viên Nguyễn Cẩm Tú –  Học viện Phụ nữ Việt Nam – chia sẻ: “Em cảm phục và biết ơn vô cùng. Nếu không có các cô, chú ngày ấy, làm sao chúng em có được cuộc sống hòa bình hôm nay.”

Cùng góp mặt tại buổi tọa đàm là những gương mặt trẻ tiêu biểu – Thượng úy Nguyễn Viết Quân, đồng chí Nguyễn Việt Hoàng, đại diện cho tinh thần dấn thân, sống đẹp của thế hệ hôm nay.

Chương trình còn có sự đan xen của những tiết mục văn nghệ sâu lắng, khơi gợi ký ức hào hùng: “Tự nguyện”, “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, “Cô gái mở đường”, “Giai điệu Tổ quốc”… Những ca khúc ấy không chỉ làm sống lại một thời hoa lửa, mà còn khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong trái tim người trẻ.

Bài ca thống nhất khép lại trong sự lắng đọng và tự hào. Nhưng thông điệp mà chương trình để lại sẽ còn vang mãi: Hòa bình hôm nay là kết quả của biết bao mất mát và hy sinh. Thế hệ trẻ hôm nay có trách nhiệm gìn giữ, tiếp bước và viết tiếp bài ca ấy – bằng tri thức, lòng yêu nước và những cống hiến không ngừng cho đất nước.

Cùng nhìn lại những hình ảnh ấn tượng từ chương trình: