Căn cứ Luật Giáo dục đại học ngày 18/6/2012 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học ngày 19/11/2018; Căn cứ Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT ngày 14/3/2016 của Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học; Căn cứ Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT  ngày 19/5/2017 của Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học; Căn cứ Quyết định số 479/QĐ-ĐCT ngày 16/7/2013 của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về việc ban hành Quy chế Tổ chức và Hoạt động của Học viện Phụ nữ Việt Nam. 

Nhằm cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo và hoạt động quản lý của Học viện. Ngày 19/5/2021, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã ra quyết định số 315/QĐ-HVPNVN ban hành Quy chế khảo sát, lấy ý kiến các bên liên quan. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện các hoạt động khảo sát và lấy ý kiến một cách thường xuyên, khoa học và hiệu quả. Động thái này thể hiện nỗ lực của Học viện trong việc nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo và quản lý.

Theo Quy chế, Học viện sẽ tiến hành các cuộc điều tra, khảo sát ý kiến từ sinh viên, cựu sinh viên, nhà tuyển dụng, giảng viên và các bên liên quan khác. Các hoạt động này nhằm thu thập phản hồi về chất lượng chương trình đào tạo, hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học, cơ sở vật chất, môi trường học tập… tại Học viện. Kết quả của các cuộc khảo sát sẽ được phân tích, đánh giá, từ đó có những điều chỉnh kịp thời, cải tiến liên tục phục vụ công tác nâng cao chất lượng đào tạo và hoạt động quản lý tại trường.

Quy chế khảo sát các bên liên quan thể hiện sự quan tâm của Học viện đến việc xây dựng môi trường học tập lý tưởng, đáp ứng tốt nhất nhu cầu và nguyện vọng của sinh viên. Đồng thời, Quy chế cũng tạo cơ hội để các bên liên quan đóng góp vào sự phát triển chung của nhà trường. Đây cũng là một trong những tiêu chí quan trọng liên quan đến sứ mạng, tầm nhìn, giá trị cốt lõi, triết lý giáo dục và các mục tiêu phát triển của Học viện.

Hy vọng rằng với sự quyết liệt của Lãnh đạo Học viện cùng với sự phối hợp từ các đơn vị, Quy chế khảo sát các bên liên quan sẽ đóng góp vào việc nâng cao chất lượng đào tạo và không ngừng cải thiện công tác quản lý của Học viện. Điều này sẽ hỗ trợ nguồn nhân lực của Học viện Phụ nữ Việt Nam đáp ứng được nhu cầu xã hội và hiện thực hoá Tầm nhìn: “Đến năm 2030, Học viện Phụ nữ Việt Nam trở thành một cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng được xếp hạng 1 trong khung xếp hạng của Chính phủ Việt Nam; là một trung tâm uy tín trong việc đào tạo cán bộ Hội LHPN Việt Nam và cán bộ nữ trong hệ thống chính trị”.