Dự và chỉ đạo hội nghị tại điểm cầu Trường Đại học Mở Hà Nội có đồng chí Phạm Ngọc Thưởng – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT.
Tại điểm cầu Học viện Phụ nữ Việt Nam nhằm đảm bảo tập trung không quá 10 người trong giai đoạn phòng chống Covid nên tham dự hội nghị có lãnh đạo Phòng Đào tạo, Phòng Tổ chức hành chính, bộ phận Thanh tra – Pháp chế, Phòng Khảo thí và Bảo đảm chất lượng tham gia Hội nghị.
Mục đích của việc kiểm tra công tác coi thi nhằm giúp cơ quan quản lý, tổ chức, cá nhân tham gia kỳ thi thực hiện đúng Quy chế thi, các văn bản liên quan đến việc tổ chức Kỳ thi và chỉ đạo của Bộ GDĐT ; Kịp thời nắm bắt thông tin, phản ánh về Kỳ thi; phòng ngừa, phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý sai phạm (nếu có) ; Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện Quy chế thi, hướng dẫn tổ chức Kỳ thi và cơ chế, chính sách liên quan đến Kỳ thi trong những năm tiếp theo.
Bộ phận thanh tra có trách nhiệm kiểm tra tất cả các khâu của Kỳ thi Phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của Bộ GDĐT, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và sở GDĐT trong hoạt động thanh tra/ kiểm tra các khâu của Kỳ thi; Tuân thủ các quy định của pháp luật; không làm thay đổi nhiệm vụ của Hội đồng thi, không làm cản trở hoạt động bình thường của đơn vị, tổ chức và các nhân tham gia Kỳ thi.
Tại hội nghị, các cán bộ đã được phổ biến nội dung và cách thức tổ chức kiểm tra công tác coi thi tại kỳ thi tốt nghiệp năm 2021 gồm: Công tác kiểm tra coi thi; nghiệp vụ coi thi; việc xử lý các bài thi vi phạm quy chế thi; đánh giá nghiệp vụ cán bộ, công chức, viên chức tham gia đoàn kiểm tra coi thi… Các đại biểu cũng được phổ biến các kỹ năng nhận diện thiết bị công nghệ cao có thể được các thí sinh sử dụng để gian lận trong quá trình dự thi.
Để hoạt động kiểm tra coi thi tốt nghiệp THPT năm 2021 được đảm bảo diễn ra nghiêm túc, an toàn và hiệu quả, các cán bộ tham gia Hội nghị cũng đã trao đổi thẳng thắn công tác kiểm tra coi thi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế, giải đáp các thắc mắc trong quy chế thi. Rút kinh nghiệm từ công tác coi thi, kiểm tra thi năm 2020, hội nghị được tổ chức nhằm hạn chế tối đa những sai sót đã từng xảy ra ở kỳ thi trước đồng thời có các phương án dự phòng chủ động, linh hoạt phục vụ công tác kiểm tra thi năm 2021.
Năm 2021, hơn 1 triệu thí sinh đăng ký sẽ tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT trong 2 ngày, từ ngày 7 – 8/7/2021. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi được tiến hành đúng tiến độ. Để ứng phó với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ GD&ĐT đã xây dựng các kịch bản tổ chức kỳ thi đảm bảo các tiêu chí phòng chống dịch, nghiêm túc, an toàn.
Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị lực lượng, các điều kiện cần thiết để thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất ở tất cả khâu của kỳ thi; xây dựng phương án dự phòng xử lý tình huống khi có thông tin phản ánh tiêu cực, sai phạm trong công tác tổ chức kỳ thi… Theo kế hoạch dự kiến, sẽ có hơn 8.000 cán bộ, giảng viên của 200 cơ sở giáo dục đại học được huy động tham gia công tác thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Học viện Phụ nữ Việt Nam hiện đã triển khai công tác lập danh sách đề xuất cán bộ đạt đủ điều kiện tham gia thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi. Các cán bộ sẽ được tập huấn, kiểm tra nghiệp vụ trước khi chính thức tham gia công tác kiểm tra tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.