Là thành viên đoàn khảo sát tại Cao Bằng, với góc nhìn khách quan, đúc rút từ thực tiễn phong trào phụ nữ và kết quả công tác của Hội phụ nữ xã chỉ đạo điểm, tác giả xin nêu một số bài học kinh nghiệm về chỉ đạo điểm của TW Hội LHPN Việt Nam như sau:

Thứ nhất, mục tiêu, các nhiệm vụ trọng tâm, các phong trào thi đua, cuộc vận động và giải pháp chỉ đạo điểm của TW Hội LHPN Việt Nam nhiệm kỳ XIcó những đột phá, bắt kịp với xu thế của tình hình và phong trào phụ nữ nói chung; phù hợp định hướng của Đảng-Nhà nước, đồng thời rất tương đồng với định hướng chỉ đạo chung về phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh ủy Cao Bằng; đặc biệt cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không-3 sạch đáp ứng khá nhiều các tiêu chí trong phong trào xây dựng nông thôn mới của Cao Bằng. Khâu then chốt là chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cả ba cấp (tỉnh, huyện, cơ sở) và cán bộ chi hội/tổ phụ nữ, góp phần thúc đẩy phong trào Hội phát triển bền vững.

Mặc dù Bế Triều là một xã khá trong phát triển kinh tế – xã hội, nhưng đời sống của đa số người dân nói chung và phụ nữ nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn. Thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp (trồng trọt và chăn nuôi), chịu tác động của thời tiết, mùa vụ, dịch bệnh, giá cả thị trường… nên số hộ nghèo gặp nhiều khó khăn trong việc thoát nghèo, nhiều hộ dễ rơi vào diện cận nghèo. Vì vậy,  nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững là bài toán khó giải, rất cần sự hỗ trợ của các ngành, các cấp và đặc biệt là của Hội phụ nữ cấp Trung ương.

Thứ hai, lựa chọn xã làm điểm chỉ đạo của Trung ương Hội tại Bế Triều, Hòa An – cũng là xã cũng được Huyện ủy và Ủy ban nhân dân Huyện Hòa An chọn làm điểm về xây dựng nông thôn mới. Điều này vừa có mặt tác động tích cực cho chỉ đạo điểm của Trung ương Hội, nhưng cũng có tác động ngược lại. Cùng một điểm xã, cùng đối tượng hội viên phụ nữ nhưng phải vừa thực hiện các nhiệm vụ làm điểm của tổ chức Hội Phụ nữ lại vừa làm điểm xây dựng nông thôn mới của Huyện. Mặc dù hai nhiệm vụ này có những điểm song trùng về mục tiêu, chỉ tiêu nhưng cũng có những nhiệm vụ không song trùng nên tạo áp lực cho đội ngũ cán bộ và hội viên. Đặc biệt là yêu cầu về kinh phí, sức người, sức của để thực hiện “nông thôn mới” và “Xây dựng gia đình 5 không- 3 sạch” là khó khăn rất lớn của người dân. Chỉ tiêu khó thực hiệnlà xây dựng gia đìnhkhông có tệ nạn xã hội là chỉ tiêu khó vì không lường trước được tình hình phát sinh xảy ra trên địa bàn. Tệ nạn hiện có tại địa phương cụ thể là:rượu, thuốc lá, cờ bạc, lô đề, trộm cắp, lừa đảo dân mua bảo hiểm điện lực của Công ty Sông Hồng. Một số hộ khó khăn trong việc xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh do không có kinh phí và chưa thay đổi thói quen, tập tục đầu tư làm nhà vệ sinh tách riêng với chuồng lợn. Tại xã Bế Triều,muốn đạt chuẩn về đường giao thông nội bộ trong xã thì đường cần mở rộng 3 mét, nhưng hiện tại các xóm thôn của xã lại có nhiều nhánh đường đất quá nhỏ, chỉ 1,5 mét. Sạch ngõ khó thực hiện vì trâu bò đi lại nhiều, cây cối rậm rạp. Với phương thức “nhà nước và nhân dân cùng làm” để bê tông hóa đường làng, ngõ xóm gặp phải nhữngkhó khăn do kinh phí ngân sách của Ủy ban nhân dân xã eo hẹp; việc đóng góp của người dân lại càng khó khăn.

Chọn xã Bế Triều làm điểm chỉ đạo của Hội liên hiệp phụ nữ Cao Bằng nhưng về tính đại diện của xãđể sau đó có thể nhân rộnglà chưa thực sự đầy đủ. Chẳng hạn như, phong tục tập quán của đa số đồng bào Dao, Nùng của các huyện, xã vùng cao của Cao Bằng là làm lúa nương, sinh sống trên nhà sàn, bếp lửa để ở giữa nhà sàn; làm chuồng chăn nuôi gia súc, gia cầm ở gầm nhà sàn… nhưng xã Bế Triều lại là xã vùng thấp, làm lúa nước, đời sống kinh tế phát triển đa dạng cả trồng trọt hoa màu và chăn nuôi, buôn bán, dịch vụ…; nhà và bếp, chuồng trại chăn nuôi xây riêng do đó việc thực hiện “5 không- 3 sạch” ở Bế Triều dễ vận động và thực hiện hơn ở các xã vùng cao khác.  So sánh với xã Cách Linh (huyện Phục Hòa) khi vận động “3 sạch” có thể thấy rõ sự khác nhau này. Ở Cách Linh, nếu không chăn nuôi gia súc, gia cầm trong gầm nhà sàn thì rất khó khăn vì 2 lý do: thứ nhất, các hộ gia đình không muốn và không có đất, cũng nhưkhông có tiền xây dựng chuồng trại ở ngoài gầm nhà (tính trung bình, chi phí để có một chuồng trâu/bò hoặc chuồng lợn đảm bảo vệ sinh, an toàn cần có khoảng 10-15 triệu để xây dựng). Thứ hai, xây chuồng trại tách xa nhà dẫn đến việc bảo vệ an toàn cho gia súc là khó khăn, nạn bắt trộm trâu, bò, dê, ngựa… xảy ra nhiều. Bị mất trộm gia súc đồng nghĩa với việc cả sản nghiệp của gia đình bị mất.   

Thứ ba, các văn bản chỉ đạo các hoạt động công tác Hội được triển khai từ Hội LHPN cấp trên xuống Hội LHPN cấp dưới rất nhiều; gửi về cơ sở thì cán bộ cơ sở không thể đọc hết, nhớ hết. Trong đó có cả những văn bản chỉ đạo – yêu cầu Hội cấp dưới báo cáo hoặc cung cấp thông tin, số liệu lên Hội cấp trên gây khó khăn cho cán bộ Hội cấp cơ sở. Đồng thời, việc phổ biến các hoạt động công tác Hội đến hội viên tại xã điểm là rất nhiều, bao gồm các nhiệm vụ trọng tâm, các phong trào thi đua, các cuộc vận động… nhưng tên gọi của các nhiệm vụ, tên phong trào thi đua thì dài và khó nhớ, việc phổ biến lại chỉ làm một lần. Hàng năm chi hội sinh hoạt theo quý (mỗi năm 3 hoặc 4 kỳ sinh hoạt); thời gian sinh hoạt định kỳ hạn hẹp mà nội dung phổ biến mới lại nhiều nên các nội dung đã phổ biến kỳ trước thường là không hoặc rất ít khi được nhắc lại. Do vậy, để hội viên ghi nhớ và thực hiện theo các nội dung công tác, các phong trào thi đua, các cuộc vận động của tổ chức Hội là vô cùng khó khăn.

Trong khi đó,tài liệu sử dụng để phổ biến, tuyên truyền đến hội viên cũng rất thiếu. Hầu hết tài liệu triển khai bị đọng lại ở chủ tịch Hội LHPN xã, kể cả báo Phụ nữ Việt Nam.Vì vậy, cán bộ chi hội rất thiếu thông tin, tài liệu để tuyên truyền, phổ biến đến hội viên. Tài liệu phát tay cho hội viên chỉ có tờ rơi về “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”. Hội phụ nữ xã chưa có câu lạc bộ. Hoạt động xây dựng tủ sách và phong trào đọc sách, báo hầu như không được triển khai vì xã không xây dựng được tủ sách, chỉ có ngăn sách (do các đoàn thể ngồi cùng phòng làm việc, không có diện tích để kê tủ sách);hơn nữa hội viên cũng không đến ngăn sách của xã để mượn sách. Xã không bố trí được kinh phí để mua báo PNVN triển khai sinh hoạt tại các chi hội. Bên cạnh đó, các chi hội không có tài liệu sinh hoạt hội viên để tuyên truyền cho hội viên. Công tác tuyên truyền các hoạt động trọng tâm của Hộicòn hạn chế vì xã không có hệ thống loa phát thanh. Cán bộ Hội LHPN xã Bế Triều đề xuất Hội cấp trên cung cấp các tài liệu phát tay, nội dung về kiến thức luật pháp chính sách liên quan đến phụ nữ; gia đình; xây dựng gia đình, nuôi dạy con cái, chăm sóc sức khỏe; kinh nghiệm sản xuất, trồng trọt chăn nuôi, phát triển kinh tế…

Thứ tư, trình độ và kỹ năng nghiệp vụ công tác Hội của đội ngũ cán bộ Hội cấp cơ sở – các ủy viên Ban chấp hành Hội LHPN xã và các cán bộ chi hội/tổ phụ nữ chưa đáp ứng yêu cầu.

Đa số cán bộ chi hội thực hiện công việc điều hành hoạt động của chi hội bằng kinh nghiệm, sự nhiệt tình là chủ yếu, hầu hết chưa được đào tạo bài bản về kỹ năng nghiệp vụ công tác Hội. Cách thức tổ chức sinh hoạt: Chi hội trưởng thông báo cuộc họp qua điện thoại cho tổ trưởng, tổ trưởng thông báo đến hội viên hoặc qua bản tin thông báo. Số lượng hội viên dự sinh hoạt đạt 80%; ở hai kỳ vào đợt 8/3 và 20/10 thì đến dự đông đủ hơn, có khi đạt 100% vì chị em đến được vui chơi thoải mái, gặp mặt nói chuyện vui vẻ, được liên hoan. Tại buổi sinh hoạt,chi hội trưởng đọcvàphổ biến nội dung của buổi sinh hoạt bằng miệng.

Để đáp ứng yêu cầu thực hiện làm điểm chỉ đạo của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, đội ngũ cán bộHội LHPNxãcó nguyện vọng được Hội cấp trênđầu tư tập huấn cho tất cả cán bộ Ban chấp hành. Tập huấn nghiệp vụ công tác Hội cho các cán bộ chi hội về kỹ năng tuyên truyền, vận động, tập hợp phụ nữ, kỹ năng viết báo cáo, kỹ năng lập kế hoạch hoạt động, kỹ năng xây dựng hội viên nòng cốt, kỹ năng điều hành sinh hoạt chi, tổ… Tổ chức cho đội ngũ cán bộ của xã và các chi hội được tham quan, học hỏi kinh nghiệm, giao lưu với các xã hoặc chi hội cũng là điểm chỉ đạo của Trung ương Hội hoặc có phong trào Hội phát triển mạnh.

Trên đây là một số kinh nghiệm từ góc nhìn của đoàn khảo sát đánh giá phong trào Hội phụ nữ tại xã Bế Triều, huyện Hòa An, Cao Bằng. Tác giả xin mạnh dạn tổng hợp và nêu ra để mỗi chúng ta tự nhìn nhận trách nhiệm của bản thân để góp phần nâng cao chất lượng chỉ đạo điểm của Trung ương Hội trong thời gian tới.