Trong những năm qua, thực hiện Thỏa thuận và Kế hoạch hợp tác giữa Chính phủ hai nước Việt Nam – Lào, Hội LHPN hai nước Việt Nam – Lào cũng đã có nhiều hoạt động trao đổi, chia sẻ liên quan đến công tác bồi dưỡng qua nhiều giai đoạn và phối hợp tổ chức nhiều hoạt động như trao đổi đoàn cấp cao và đoàn tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm về nhiều lĩnh vực, đặc biệt là hoạt động hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ phụ nữ Lào. Và góp phần đóng góp tích cực vào việc xây dựng mối quan hệ “Hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào”. Từ nhiều năm qua, hàng năm, Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức 01 lớp bồi dưỡng cho 15-20 học viên là cán bộ nữ, cán bộ Hội LHPN Lào trong đó có nhiều học viên là Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng, Chủ tịch Hội LHPN các Bộ, ngành của nước CHDCND Lào, lãnh đạo các Ban và tương đương của Trung ương Hội LHPN Lào.
Nội dung chương trình của 01 khoá học trong thời gian 02 tháng là một hệ thống kiến thức được thiết kế theo hướng “mở”, linh hoạt với từng nhóm đối tượng học viên, các chương trình được xây dựng chủ yếu tập trung vào các nhóm chủ đề liên quan đến vấn đề lý luận về bình đẳng giới, công tác phụ nữ, lãnh đạo quản lý, chính sách, pháp luật Việt Nam về công tác phụ nữ, bình đẳng giới và vị trí, vai trò của Hội LHPN Việt Nam trong hệ thống chính trị và Học viên có thể thực hành một số nghiệp vụ cơ bản của công tác phụ nữ, bao gồm: công tác tuyên truyền vận động phụ nữ, giám sát và phản biện xã hội, phân tích và lồng ghép giới, tham mưu đề xuất; cũng như cải thiện được một số kỹ năng lãnh đạo: trình bày thuyết phục, ứng xử với truyền thông, lựa chọn ưu tiên và lập kế hoạch, ra quyết định, tạo ra sự thay đổi trong tổ chức… Bên cạnh đó, học viên sẽ có hiểu biết sâu hơn về văn hóa, con người Việt Nam nói chung cũng như lịch sử, truyền thống phụ nữ Việt Nam nói riêng, chương trình được thiết kế với các phần:
Phần thứ nhất: Lý luận chung về công tác phụ nữ và bình đẳng giới.
Phần thứ hai: Nghiệp vụ công tác Hội LHPN Phụ nữ.
Phần thứ ba: Một số kỹ năng lãnh đạo, quản lý.
Phần thứ tư: Nghiên cứu các mô hình và tham quan thực tế.
Phần thứ năm: Tiếng Việt thực hành.
Nhìn chung học viên các khoá bồi dưỡng đều đánh giá cơ sở đào tạo là Học viện Phụ nữ Việt Nam luôn chuẩn bị chu đáo và đảm bảo tốt nhất các điều kiện về sinh hoạt, học tập như phòng ở, phòng học, ký túc xá, y tế…cho các học viên. Nội dung các chuyên đề trong chương trình được xây dựng khoa học, logic, bổ ích và trực tiếp liên quan tới công việc của học viên. Các khoá học được tổ chức ngày càng chuyên nghiệp, có sự thống nhất, quan tâm chỉ đạo từ Chính phủ, lãnh đạo Hội LHPN hai nước, đặc biệt được Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện và hỗ trợ 100% kinh phí tổ chức lớp.