Nhằm tận dụng các nguồn lực để triển khai các hoạt động hướng đến mục tiêu phát triển Học viện, trong thời gian vừa qua, các cán bộ Học viện đã luôn tích cực, chủ động khai thác các chương trình, dự án có nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Các chương trình, dự án quốc tế tập trung vào 3 mảng nội dung chính, tương đương với sứ mệnh của Học viện bao gồm: (1) đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho sinh viên nữ, phụ nữ và cán bộ nữ các cấp; (2) đào tạo, nâng cao năng lực cho giảng viên, sinh viên, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước; biên soạn giáo trình, nâng cấp, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho quá trình đào tạo và (3) thực hiện các đề tài, khảo sát, nghiên cứu khoa học và tổ chức các hội thảo quốc tế. Cụ thể:

(1)  Các chương trình, dự án về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho sinh viên nữ, phụ nữ và cán bộ nữ các cấp:

  • Dự án Đào tạo Khởi nghiệp thông minh dành cho Phụ nữ (STARTUP SMART FOR WOMEN) với sự tài trợ của Trung tâm Hoa Kỳ, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam. Dự án đã được triển khai từ tháng 12/2017 đến tháng 5/2023 với 25 khóa học được tổ chức tại 18 tỉnh và thành phố khu vực phía Bắc; nhận được hơn 1500 đăng ký và khoảng 900 học viên đã được lựa chọn để tham gia khóa học.

  • Dự án đào tạo tài chính vi mô do Ngân hàng Tiết kiệm Đức (SBFIC, nay là Quỹ Hợp tác Quốc tế các Ngân hàng Tiết kiệm Đức DSIK) tài trợ nhằm nâng cao năng lực về tài chính cá nhân cho sinh viên Học viện và các đối tượng phụ nữ. Trong giai đoạn 2015-2017, dự án đã tổ chức 06 khóa tập huấn cho 208 học viên, trong giai đoạn 2018-2021, dự án đã tổ chức 16 khóa tập huấn cho phụ nữ (472 học viên), tập huấn Kỹ năng quản lý tài chính cá nhân cho sinh viên K5 Học viện (9 lớp-700 sinh viên) và K6 Học viện (660 sinh viên); tổ chức Hội thảo chuẩn hóa

 

chương trình giáo dục tài chính cho 03 đối tượng: sinh viên, hội viên PN/KH TCVM, người đi làm (40 đại biểu tham dự).

  • Chương trình “Tập huấn nâng cao năng lực về bình đẳng giới” hàng năm cho giảng viên, cán bộ và sinh viên của Học viện và lãnh đạo một số Hội LHPN cấp Tỉnh/ Thành do Học viện phối hợp với Viện Giáo dục và Thúc đẩy Bình đẳng giới Hàn Quốc (KIGEPE) tổ chức. Đến nay, chương trình đã tổ chức 14 khoá Tập huấn cho hơn 140 sinh viên, cán bộ, giảng viên của Học viện và hơn 30 lãnh đạo Hội LHPN cấp tỉnh/ thành. Trong đó có 11 khoá được trực tiếp tổ chức tại Seoul, Hàn Quốc, 01 khoá tổ chức trực tiếp tại Học viện và 02 khoá đào tạo trực tuyến (2015-2023).

Ngoài ra, Học viện cũng triển khai rất nhiều chương trình, dự án với quy mô nhỏ hơn nhằm nâng cao năng lực cho phụ nữ và cán bộ nữ các cấp như:

  • Dự án “Biên soạn giáo trình Giới trong An sinh xã hội cho sinh viên hệ cử nhân và Xây dựng Sổ tay về Lồng ghép Giới trong An sinh xã hội cho cán bộ Hội LHPN Việt Nam cấp cơ sở” do UN Women tài trợ, với sản phẩm là 01 cuốn Sổ tay về Lồng ghép Giới trong An sinh xã hội cho cán bộ Hội LHPN Việt Nam cấp cơ sở và 01 giáo trình Giới trong An sinh Xã hội, ngoài ra dự án cũng tổ chức 01 khoá tập huấn cho 40 phụ nữ về an sinh xã hội (2016).

  • Chương trình Tập huấn về kỹ năng lãnh đạo cho cán bộ nữ cấp cơ sở, cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số do UNDP tài trợ đã tổ chức 02 lớp tập huấn về bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý đã được tổ chức cho 60 cán bộ lãnh đạo nữ cấp cơ sở và cán bộ lãnh đạo nữ là người dân tộc thiểu số tại Lào Cai và Yên Bái (2018).

  • Các chương trình do Tổ chức tình nguyện viên quốc tế Úc AVI tài trợ đã tổ chức tập huấn về khởi sự kinh doanh cho 20 phụ nữ khuyết tật tại tỉnh Thái Bình và trang bị 06 máy tính xách tay có cài đặt phần mềm cho người khiếm thị (2019); Biên soạn Sổ tay và tổ chức 02 khoá học cho hơn 90 học viên về Chuyển đổi Số vì Sự Phát triển Bền vững cho các Doanh nghiệp vừa và nhỏ do Phụ nữ làm chủ và trao 20 suất học bổng cho sinh viên nữ của Học viện có hoàn cảnh khó khăn do chịu tác động của dịch COVID-19 (2021).

  • Chương trình Go Digital ASEAN do Quỹ Châu Á tài trợ đã tổ chức 02 khoá học nhằm nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho hơn 100 cán bộ của Tổ chức Tài chính vi mô TNHH MTV Tình Thương (TYM), Hội LHPN Việt Nam và tổ chức 01 Hội thảo kết hợp trực tiếp và trực tuyến về “Chuyển đổi số trong trường Đại học” (2022).

(2)  Các chương trình, dự án về đào tạo, nâng cao năng lực cho giảng viên, sinh viên, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đa ngành cho đất nước; biên soạn giáo trình; nâng cấp, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho quá trình đào tạo; và tổ chức các hội thảo quốc tế.

  • Chương trình “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế” phối hợp với Unilever Việt Nam tổ chức”. Trong năm 2023, chương trình đã tuyển sinh 11.536 học viên là nữ doanh nhân, sinh viên nữ và phụ nữ có ý tưởng kinh doanh/ nhu cầu bồi dưỡng về kỹ năng khởi sự kinh doanh. Trong năm 2024, chương trình dự kiến tuyển sinh thêm 20.000 học viên tham gia học tập các bài giảng số trên nền tảng LMS của Học viện.
  • Dự án “Nâng cao năng lưc khoa Giới và Phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam” do Tổ chức Kế hoạch Cô-lôm-bô tài trợ. Dự án đã triển khai rất nhiều hoạt động hướng tới sự phát triển bền vững, lâu dài của khoa Giới và Phát triển nói riêng và Học viện nói chung, bao gồm: Trang bị 70 máy tính để bàn cùng một số phần mềm phục vụ quá trình dạy và học; Trao 36 suất học bổng cho sinh viên Học viện; Thành lập 01 phòng đọc về giới và phát triển, cũng là nơi sinh hoạt của CLB Hành Động Vì Bình Đẳng Giới Và Phát Triển Bền Vững; Tổ chức 01 khóa học về phương pháp nghiên cứu với sự tham gia của 30 học viên là cán bộ, giảng viên Học viện và 01 khóa học về phương pháp sư phạm tích cực với sự tham gia của 20 Học viên; Tổ chức 01 Hội thảo quốc tế về Vai trò giới trong gia đình hiện đại với sự tham gia của 120 đại biểu trong nước và quốc tế, xuất bản Kỷ yếu với gần 40 bài viết chất lượng; Biên soạn và xuất bản 03 giáo trình sử dụng cho chương trình đào tạo cử nhân của Học viện gồm Giáo trình Giới trong Văn hoá và Phát triển, Giới trong Dân số và Gia đình, Giới trong Giáo dục và Đào tạo (2019-2021).

  • Dự án “Biên soạn 02 giáo trình “Giới trong Kinh tế và Quản trị”, “Giới trong Chính sách Công” và xây dựng bài giảng trực tuyến “Khởi nghiệp và Phát triển cho Doanh nghiệp nữ” do Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng Giới và trao quyền cho phụ nữ UN Women Việt Nam tài trợ đã triển khai các hoạt động gồm: Biên soạn và xuất bản 02 giáo trình Giới trong kinh tế và quản trị và Giới trong Chính sách công; Tổ chức 01 Hội thảo Quốc tế với chủ đề “Phụ nữ sáng tạọ, khởi nghiệp trong bối cảnh bình thường mới” với hơn 100 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự trực tuyến và hơn 60 đại biểu tham dự trực tiếp; Xây dựng chương trình đào tạo trực tuyến “Khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp nữ” trên nền tảng LMS của Học viện gồm 10 học phần gồm công cụ và chuyên môn phù hợp để giúp phụ nữ khởi nghiệp thành công; Xây dựng 01 ứng dụng đào tạo trực tuyến sử dụng trên điện thoại; Triển khai 02 đợt tập huấn với khoá học trực tuyến “Khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ” với sự tham gia của hơn 260 học viên là các doanh nhân nữ, phụ nữ và sinh viên nữ muốn khởi nghiệp kinh doanh hoặc phát triển doanh nghiệp; Tổ chức 01 Talkshow: CEO Talks: Phụ nữ khởi nghiệp chọn lối đi riêng (2020-2022).

  • Dự án “Phát triển tài liệu đào tạo của Học viện Phụ nữ Việt Nam về giới trong biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai” do Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng Giới và trao quyền cho phụ nữ UN Women Việt Nam tài trợ đã triển khai các hoạt động gồm: Tổ chức 01 Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Giới trong biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai”, với 37 báo cáo khoa học thuộc 4 chủ đề khác nhau đã được lựa chọn đăng trong Kỷ yếu Hội thảo; và Xuất bản 01 giáo trình Giới trong Biến đổi Khí hậu.

(3)  Thực hiện các đề tài, khảo sát, nghiên cứu khoa học.

  • Dự án “Nghiên cứu xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực nữ chất lượng cao trong hệ thống Hội LHPN Việt Nam (giai đoạn 2016-2020)” do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc – KOICA tài trợ đã thực hiện các hoạt động: Khảo sát thực địa tại 05 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Ninh Bình và Quảng Ninh; Tổ chức 03 lớp tập huấn cho cán bộ TW Hội LHPNVN và Học viện về phân tích số liệu định lượng, định tính; kỹ năng đề xuất chính sách; tập huấn nâng cao năng lực xây dựng chiến lược; Tổ chức các hội thảo chuyên đề tại Hàn Quốc và Việt Nam; Tổ chức Hội thảo khoa học Báo cáo cuối kỳ Dự án “Nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch Chiến lược đào tạo nguồn nhân lực nữ chất lượng cao giai đoạn 2016-2020 ở miền Bắc Việt Nam” (2015-2017).

 

  • Dự án “Nghiên cứu về bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái ở nơi công cộng và phát triển chương trình Thành phố An toàn tại thành phố Hồ Chí Minh” do UN Women tài trợ, với các hoạt động tiến hành nghiên cứu vấn đề quấy rối tình dục và các hình thức khác của bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái ở nơi công cộng tại thành phố Hồ Chí Minh; hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho sự phát triển chương trình Thành phố An toàn cùng với sự tư vấn từ các bên liên quan.
  • Ngoài ra còn một số nghiên cứu như Nghiên cứu về Công việc chăm sóc không lương: Thực trạng và lượng hóa giá trị do Oxfarm Việt Nam tài trợ (2018); Nghiên cứu đầu vào về tình trạng quấy rối tình dục tại các nhà máy may ở Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh do Tổ chức ActionAid tại Việt Nam tài trợ (2018); Nghiên cứu về Thực trạng giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải ở cơ sở (trường hợp tại Hà Giang, Kiên Giang và Đăk Nông) do Cơ quan phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tài trợ, …