Hội thảo có sự tham dự của trên 150 đại biểu là các học giả, chuyên gia, nhà nghiên cứu đến từ Việt Nam và các quốc gia: Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore…
Về phía Đại học Chonnam, Hàn Quốc – đơn vị đồng tổ chức hội thảo có sự tham dự của: GS. Julia Jiwon Shin, Trưởng Ban Đối ngoại, Đại học Quốc gia Chon nam, Giám đốc Trung tâm Di cư, Di dân quốc tế và Tài năng sáng tạo BK21; GS Young-Shin Kang, GS. Daniel Hyunchae Park cùng các cán bộ, chuyên gia, học viên của trường.
Đại diện Học viện Phụ nữ Việt Nam tham gia hội thảo có: PGS.TS Trần Quang Tiến, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam; TS. Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, trưởng Khoa Giới và Phát triển, đại diện các khoa/phòng/viện thuộc Học viện Phụ nữ Việt Nam, đại diện học viên Cao học của 2 ngành CTXH và QTKD của Học viện Phụ nữ Việt Nam.
Hội thảo còn đón tiếp hơn 100 nhà khoa học, nhà quản lý đến từ các ban TW Đảng, các cơ quan Chính phủ, đại diện các bộ: Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động, TB&XH…., đại diện các ban, đơn vị TW Hội LHPN Việt Nam, các viện nghiên cứu, trường Đại học Lao động &XH, Đại học Công đoàn, Đại học Luật,….. các tổ chức phi chính phủ quốc tế và trong nước quan tâm đến vấn đề di cư như: Tổ chức di cư quốc tế IOM, Tổ chức Lao động quốc tế ILO, Action Aid, OXFAM, Tổ chức nhân dân Úc vì y tế, giáo dục và phát triển hải ngoại APHEDA, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong phát triển, Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng LIGHT,…; Các cơ quan thông tin đại chúng đến dự và đưa tin về Hội thảo.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS.TS. Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam khẳng đinh: Di cư đóng góp quan trọng vào sinh kế hộ gia đình. Tham gia di cư lao động giúp cho người di cư có những trải nghiệm sự khác biệt về lối sống, văn hóa, góp phần thay đổi để thích nghi với môi trường sống mới, với công việc tại nơi đến. Di cư cũng góp phần làm thay đổi vai trò giới trong gia đình. Phụ nữ di cư ngày càng đóng góp quan trọng vào sinh kế của hộ gia đình, cải thiện kinh tế, thu nhập của gia đình. Vị thế, tiếng nói, quyền ra các quyết định trong gia đình của phụ nữ đã có nhiều thay đổi. Sự thay đổi trong phân công lao động gia đình cũng tác động tích cực tới các mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Bên cạnh đó còn rất nhiều vấn đề liên quan đến di cư như an sinh xã hội, an toàn trong di cư và an toàn lao động cho người di cư,… là các vấn đề cần được quan tâm nghiên cứu nhiều hơn. Việc phối hợp tổ chức hội thảo “Di cư quốc tế và Hội nhập xã hội: Hòa nhập và Phát triển bao trùm” là một hoạt động hợp tác liên quốc gia hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Giám đốc Trần Quang Tiến gửi lời cảm ơn đến trường đại học Chonnam, Hàn Quốc và các đại biểu từ nhiều quốc gia khác nhau đã có mặt tại Học viện để tham dự diễn đàn khoa học ý nghĩa này và hi vọng hội thảo sẽ đạt được những kết quả như mong đợi, đóng góp những giá trị thiết thực về mặt khoa học, thực tiễn.
Đại diện trường Đại học Chonnam, Hàn Quốc, GS. Julia Jiwon Shin, Trưởng Ban Đối ngoại, Đại học Quốc gia Chonnam, Giám đốc Chương trình Trung tâm Di cư, Di dân quốc tế và Tài năng sáng tạo BK21 đã phát biểu tại hội thảo và bày tỏ sự vui mừng trước mối quan hệ, hợp tác ngày càng phát triển giữa hai nhà trường. GS. Julia Jiwon Shin hi vọng hội thảo sẽ là một diễn đàn ý nghĩa trao đổi kết quả nghiên cứu khoa học, tạo diễn đàn học thuật thảo luận các vấn đề liên quan đến sự thay đổi, thích ứng và các vấn đề về di cư quốc tế và hòa nhập xã hội diễn ra tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc. Từ đó đề xuất các giải pháp hạn chế mặt trái của di cư, tăng cường sự thích ứng của người di cư trong quá trình hòa nhập, hội nhập xã hội, thông qua đó thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển bền vững.
Hội thảo được diễn ra với 2 phiên sáng và chiều với sự chủ trì của các nhà khoa học uy tín: PGS.TS. Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, GS. Gowoon Noh, Đại học Quốc gia Chơn nam và GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (chủ trì phiên 1); TS. Dương Kim Anh – Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, GS. Young-Shin Kang, Đại học Quốc gia Chonnam và GS.TS Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch Hội Xã hội học Việt Nam (chủ trì phiên 2).
Ban tổ chức đã nhận được hơn 80 bài báo viết bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Qua quá trình phản biện độc lập, 38 bài viết khoa học quốc tế và trong nước đã được chọn đăng tại Kỷ yếu của Hội thảo. Tại hội thảo, 12 tham luận tiêu biểu được lựa chọn từ 38 bài nghiên cứu in tại kỷ yếu được các tác giả trình bày tập trung vào 4 chủ đề chính: (1) Di cư và các vấn đề Giới (Migration and Gender issues); (2) Di cư và Chăm sóc sức khoẻ (Migration and Health Care); (3) Di cư và Bảo trợ xã hội (Migration and Social Protection); (4) Vấn đề khác liên quan đến di cư (Other Migration-related Issues).
Cụ thể, các tác giả đã trao đổi về những vấn đề trọng tâm liên quan đến di cư và hội nhập quốc tế: Giới và di cư: Tiếp cận lý thuyết và những vấn đề thực tiễn (GS.TS. Đặng Nguyên Anh, TS. Nghiêm Thị Thủy); Hồi hương từ Hà Lan về Thái Lan của các cặp vợ chồng Thái Lan – Hà Lan: Cuộc đàm phán của họ về giới và quan hệ gia đình (PGS. Panitee Brown, Thái Lan); Mạng lưới xã hội của phụ nữ dân tộc thiểu số Việt Nam di cư (TS. Phùng Thị Quỳnh Trang, ThS. Nguyễn Chiến Thắng, ThS. Vũ Thị Hương); Lao động nữ di cư quốc tế: Đặc điểm và thách thức. Bài học rút ra cho lao động nữ di cư Việt Nam (TS. Khuất Thị Thu Hiền, ThS. Hà Thị Thúy); Điều kiện sống và chăm sóc sức khỏe của lao động di cư tại các khu công nghiệp hiện nay (PGS.TS. Hoàng Thị Nga, TS. Dương Thị Thanh Xuân); Sức khỏe tự đánh giá và các yếu tố liên quan của người Việt Nam di trú tại Hàn Quốc (GS. Duckhee Chae, Nakyung Kim, Keiko Asami); Hòa nhập xã hội của lao động nữ di cư hồi hương ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức (TS. Trương Thúy Hằng); Trở lại sau nghỉ hưu: Những thay đổi xã hội đã phá vỡ giấc mơ của những người Na-uy nghỉ hưu tại Thái Lan (PGS. TS. Chantanee Charoensri, PGS. TS. Wilasinee Pananakhonsab, Thái Lan); So sánh pháp luật về quyền an sinh xã hội của người lao động nước ngoài di trú tại Việt Nam và người lao động Việt Nam (TS. Nguyễn Thị Thanh, ThS. Nguyễn Thị Hồng Thắng); Di cư quốc tế và hội nhập xã hội qua doanh nghiệp: Trường hợp doanh nhân Nepal nhập cư tại Hàn Quốc (NCS. Aashiq Lama, GS. Daniel Hyunchae Park, Hàn Quốc); Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản lý di cư (ThS. Nguyễn Quỳnh Trang); Chương trình dạy tiếng Hàn cho thanh niên nhập cư tại gia đình đa văn hóa ở Hàn Quốc: Cụ thể trong gia đình đa văn hóa Việt – Hàn (Ha Jin I, Nindya Dhaneswara, Hàn Quốc).
Các tham luận đã nhận được sự trao đổi, phản hồi, chia sẻ sôi nổi của các đại biểu tham gia hội thảo nhằm tập trung làm rõ nguyên nhân, lý do, hình thức, đặc điểm của các loại hình, đối tượng di cư kèm theo những mục đích cụ thể đặt trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.
Hội thảo “Di cư quốc tế và Hội nhập xã hội: Hòa nhập và Phát triển bao trùm” đã diễn ra thành công tốt đẹp với những trao đổi ý nghĩa, thiết thực có hàm lượng khoa học cao đóng góp vào mục tiêu chung vì ‘một thế giới công bằng, bình đẳng, khoan dung, cởi mở và toàn diện về xã hội, trong đó đáp ứng ứng được nhu cầu của những người dễ bị tổn thương nhất’ và vì ‘một thế giới trong đó tất cả các quốc gia đều tăng trưởng liên tục, toàn diện và bền vững, có việc làm bền vững cho tất cả mọi người’ (UNDP, 2016). Đồng thời, góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác học thuật chặt chẽ và hiệu quả giữa Học viện Phụ nữ Việt Nam và Đại học Quốc gia Chonnam, Hàn Quốc, gợi mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới về di cư, về giới và phát triển và các chủ đề liên quan khác.
Các cơ quan truyền thông, báo chí đưa tin về hội thảo: