Hôm nay, Học viện Phụ nữ Việt Nam long trọng tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Lãnh đạo, quản lý khu vực công trong bối cảnh chuyển đổi số”. Lời đầu tiên, thay mặt Học viện Phụ nữ Việt Nam xin gửi tới các quý vị đại biểu, các nhà khoa học và các bạn sinh viên lời kính chúc sức khỏe, lời chào mừng nồng nhiệt nhất; kính chúc hội thảo thành công tốt đẹp.
Kính thưa các nhà khoa học!
Khoa học về lãnh đạo đã có lịch sử gần 200 năm nhưng hoạt động lãnh đạo đã xuất hiện từ khi xã hội loài người hình thành và là một trong những nhân tố đóng vai trò quyết định đối với sự ổn định và phát triển của các tổ chức, doanh nghiệp, của quốc gia cũng như toàn bộ xã hội loài người. Trong bối cảnh thế giới hội nhập sâu rộng, biến đổi nhanh, phức tạp và đa chiều; người lãnh đạo sẽ đối mặt với những thách thức ngày càng to lớn, liên tục và nhiều rủi ro.
Có thể hiểu khu vực công là khu vực hoạt động do nhà nước làm chủ sở hữu, nhà nước đầu tư vốn, trực tiếp thực hiện hoặc một phần do tư nhân đầu tư, tiến hành nhưng có sự trợ giúp tài chính của nhà nước và được nhà nước quản lý nhằm tạo ra các sản phẩm và dịch vụ phục vụ các nhu cầu chung thiết yếu của xã hội. Phạm vi hoạt động của khu vực công rất rộng từ việc thực hiện quyền quản lý nhà nước tới việc cung cấp các hàng hóa và dịch vụ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của công dân và các tổ chức trong xã hội. Có thể khái quát không đầy đủ, khu vực công sẽ bao gồm các cơ quan thuộc hệ thống chính trị, các đơn vị sự nghiệp công và các doanh nghiệp nhà nước.
Trong giai đoạn hiện nay, các nhà lãnh đạo, quản lý khu vực công đang phải đối diện với các thách thức ngày càng lớn, bao gồm sự tiến bộ như vũ bão của công nghệ, sự thay đổi trong nhận thức của công chúng và xã hội, nhu cầu và nguyện vọng (của công dân, của công chức) ngày càng cao, tính đa dạng trong lực lượng lao động, và sự thay đổi trong môi trường công tác. Vì vậy, các nhà lãnh đạo quản lý khu vực công ngày càng được kỳ vọng đạt được những yêu cầu, tiêu chuẩn cao hơn, toàn diện hơn. Nhiều nghiên cứu chỉ ra các nhóm năng lực cốt lõi của lãnh đạo khu vực công như: nhóm năng lực tư duy, sáng tạo; Nhóm năng lực tổ chức; nhóm năng lực khuyến khích, tạo động lực làm việc. Mặc dù vậy, vấn đề quan trọng nhất đối với lãnh đạo khu vực công là phải hội tụ được các yêu cầu, phẩm chất, năng lực theo quy định của Đảng, của từng tổ chức, cơ quan nhà nước; những quy định ngày càng rõ ràng, định lượng, chặt chẽ; đảm bảo cho hoạt động lãnh đạo khu vực công đúng đường lối, chính sách và ngày càng hiệu quả.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 gắn với yêu cầu Chuyển đổi số ở phạm vi quốc gia, phạm vi khu vực và phạm vi tổ chức đặt ra những yêu cầu mới, nhận thức mới và phương thức hành động mới của lãnh đạo khu vực công. Có nhiều cách hiểu khác nhau về chuyển đổi số; tuy nhiên, chuyển đổi số thực chất là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của con người về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số và những vấn đề mới của khoa học và công nghệ. Chuyển đổi số không đơn thuần là vấn đề công nghệ mà còn là vấn đề liên quan đến thay đổi nhận thức và thói quen. Chuyển đổi số làm thay đổi các mối liên kết và cấu trúc xã hội, tạo ra các mảng và các tổ chức liên kết xã hội rộng lớn không phân biệt tầng bậc hay địa vị xã hội, tạo ra sự công bằng xã hội. Chuyển đổi số giúp thay đổi cách tư duy, làm việc và học tập, thay đổi hình thức giáo dục, giao tiếp, giúp những người dễ bị tổn thương nói lên tiếng nói của mình.
Trong hoạt động nghiên cứu lãnh đạo khu vực công, vấn đề bình đẳng giới trong lãnh đạo khu vực công rất cần được phân tích, đề xuất chính sách thúc đẩy, cải thiện. Trên thực tế, càng ở vị trí cao, số lượng và tỷ lệ phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý càng thấp dần và rất ít phụ nữ giữ vị trí đứng đầu tổ chức, doanh nghiệp. Điều đó đồng nghĩa với sự hạn chế vai trò của phụ nữ trong ra quyết định, chủ yếu đảm nhận vai trò giúp việc, tham mưu. Trong bối cảnh chuyển đối số, phụ nữ nói chung và phụ nữ lãnh đạo, quản lý khu vực công nói riêng vẫn gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận với công nghệ, thiếu kiến thức, kỹ năng; hạn chế hơn về điều kiện học tập và được đào tạo bài bản để nâng cao năng lực số. Các lĩnh vực công nghệ hiện nay vẫn còn rất ít phụ nữ tham gia học tập và tìm hiểu. Trong các lĩnh vực, dịch vụ, trung tâm về công nghệ số còn thiếu đại diện của phụ nữ lãnh đạo, quản lý vào việc hoạch định chính sách và chiến lược phát triển.
Học viện Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Lãnh đạo, quản lý khu vực công trong bối cảnh chuyển đổi số”. Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, nhà quản lý lãnh đạo chia sẻ, trao đổi thông tin, công bố kết quả nghiên cứu khoa học. Hội thảo cũng góp phần thúc đẩy quan hệ giao lưu, hợp tác giữa các nhà khoa học, các tổ chức, trường đại học trên cả nước. Trải qua quá trình chọn lọc và quá trình phản biện độc lập, 27 báo cáo khoa học của các học giả, các nhà khoa học được lựa chọn đăng trong Kỷ yếu Hội thảo. Các bài viết được chọn đăng đều bám sát chủ đề hội thảo, có hàm lượng khoa học, có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn.
Kính thưa các quý vị đại biểu, thưa các nhà khoa học!
Để Hội thảo đạt được mục tiêu, Ban tổ chức hội thảo mong muốn nhận được sự tham gia, thảo luận và trao đổi nhiệt tình, tâm huyết của các quý vị. Bên cạnh việc lắng nghe phần trình bày các kết quả nghiên cứu khoa học, rất mong các quý vị đại biểu, các nhà khoa học sẽ chia sẻ thêm tri thức, thông tin, dữ liệu liên quan đến chủ đề của Hội thảo, tập trung vào các vấn đề sau:
– Thực trạng lãnh đạo khu vực công ở Việt Nam, trong đó bao gồm những vấn đề giới trong lãnh đạo, quản lý khu vực công;
– Năng lực lãnh đạo, quản lý trong bối cảnh chuyển đổi số; trong đó phân tích được các yêu cầu, phẩm chất, năng lực thay đổi dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 và yêu cầu chuyển đổi số cấp quốc gia, ngành và tổ chức.
Thay mặt Học viện Phụ nữ Việt Nam, trân trọng cám ơn Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam và Đại sứ quán Ailen tại Việt Nam đã tài trợ cho hoạt động này. Xin cám ơn các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học, các quý vị đại biểu đã dành thời gian, trí tuệ viết bài cho Hội thảo và tham gia Hội thảo ngày hôm nay. Học viện Phụ nữ Việt Nam kính mong quý vị tiếp tục cộng tác, hợp tác trong các hoạt động giảng dạy, hoạt động khoa học trong thời gian tới.
Cuối cùng, xin kính chúc sức khoẻ, thành công đến các đồng chí lãnh đạo, quý vị đại biểu, khách quý và các nhà khoa học. Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.
Trân trọng cảm ơn!
PGS.TS. Trần Quang Tiến – Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam