Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Bác Hồ đặc biệt quan tâm tới việc giáo dục, xây dựng lực lượng phụ nữ ta. Trong đó Người thường lấy truyền thống dựng nước oanh liệt của Hai Bà Trưng để khích lệ và xây dựng lòng tự hào chính đáng của các thế hệ phụ nữ Việt Nam.

Ngay năm 1922, khi vua bù nhìn Khải Định sang sự hội chợ thuộc địa ở Pháp, trong báo L’Humanité, ngày 24-6-1922, Bác Hồ đã mượn lời Bà Trưng Trắc xỉ vả Khải Định ớn hèn phản bội lại sự nghiệp của các tiên liệt dựng nền độc lập tự do mà nay triều đình của y cam phận làm tay sai cho thực dân Pháp, bắt dân ta chịu phận nô lệ, đất nước ta lâm vào cảnh nô dịch. Sự phản bội ấy “thật là nhục nhã thậm tệ, thật là chán ngán ghê gớm, thật là cay đắng ê chề xiết bao”. Bác Hồ mượn lời của Bà Trưng mắng nhiếc Khải Định: “Giờ thế mi lại sắp làm tệ hại hơn nữa. Mi sắp ca ngợi công đức của những đứa bóc lột và hiếp đáp dân mi. Mi sắp phô trương sự thịnh vượng của đất nước mi, cái thịnh vượng được sắp đặt đâu ra đấy trong trí tưởng tượng quá giàu của bọn bóc lột. Mi sắp tâng bốc công ơn vô ngần và tưởng tượng của nền văn minh đã thâm nhập sơn hà xã tắc của mi bằng mũi nhọn của lưỡi lê và bằng họng súng ca-nông”.

Ngược lại, trên báo Thanh niên, số 73, ngày 12-12-1926, Bác Hồ lại nói với phụ nữ Việt Nam  về sự nghiệp dựng nước oanh liệt của Hai Bà Trưng: “Năm thứ 40 Bà vừa 17 tuổi. Lúc ấy nước ta bị quân Tàu cai trị, chính sách rất bạo ngược như Pháp cai trị bây giờ. Bà thấy cảnh nước suy vi, đồng bào khốn khổ, bèn quên thân bồ liễu phận hèn, liền ra cứu nước cứu dân. Lúc bấy giờ cùng với em là Trưng Nhị khởi binh lên đánh giặc. Dân Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng nổi lên cả. Chẳng bao lâu đánh đuổi ngay Tô Định, lấy được 65 thành, dựng lên cờ độc lập”. Từ sự nghiệp oanh liệt chưa từng có của Hai Bà Trưng, Bác Hồ nói với chị em phụ nữ nước ta: “Như buổi ấy là buổi phong kiến mà đàn bà con gái còn biết cách mệnh. Huống chi bây giờ hai chữ “nữ quyền” đã rầm rầm khắp thế giới, chị em ta lại gặp cảnh nước suy vi, nỡ lòng nào ngồi yên được! Chik em ơi! Mau mau điều kiện lại”.

Năm 1941, sau 30 năm hoạt động cách mạng ở trên thế giới, Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng nước ta. Người viết báo kêu gọi chị em phụ nữ noi gương bà Trưng, bà Triệu, chị Nguyễn Thị Minh Khai hãy đứng dậy điều kiện lại mà “đánh Tây, đánh Nhật, cứu dân cứu nhà”. Hãy “làm cho thiên hạ biết tên”. “Làm cho rõ mặt cháu Tiên, con Rồng”.

Những mong phụ nữ nước ta noi gương, tiếp bước xứng đáng với tiền nhân mà Bác Hồ rất hài lòng, sung sướng khi thấy: Nhờ có phụ nữ tham gia mà cách mạng Tháng Tám đã thành công. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta lần thứ hai, Bác Hồ nhận thấy: Trong cuộc kháng chiến to lớn của dân tộc ta, phụ nữ ta gánh một phần quan trọng. Nhiều bà cụ ngoài bảy mươi tuổi, chẳng những đã xung phong đi dân công, mà còn thách thức thi đua với các cụ ông và con cháu. Các bà mẹ chiến sĩ và các chị em giúp thương binh đã hoà lẫn lòng yêu nước, yêu con, yêu chiến sĩ và săn sóc thương binh như con em ruột thịt của mình. Hàng vạn phụ nữ Kinh, Thổ, Nùng, Mán, Mèo xung phong tham gia dân công, trèo đèo, lội suối, ăn gió nằm sương. Phụ nữ ở xí nghiệp, nông thôn, ở cơ quan hăng hái tham gia thi đua ái quốc, thành tích không kém đàn ông. Bác Hồ rất vui lòng thấy rằng trong mọi hoạt động, các cháu nữ thanh niên xung phong, đều có thành tích khá. Trong phong trào bình dân học vụ, phụ nữ chiếm một phần lớn trong số người dạy cũng như trong số người học. Nhiều chị em tiểu tư sản, trước kia quen đời sống phong lưu, nay cũng chịu khó làm lụng, tăng gia sản xuất.

Nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam (10-10-1966), Bác Hồ lại khẳng định: “Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghía, đánh giặc, cứu dân. Cho đến ngày nay mỗi khi nước nhà gặp nguy nan, thì phụ nữ ta đều hăng hái đứng lên, góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Do đó, có câu tục ngữ rất hùng hồn: “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bác Hồ đánh giá cao những tấm gương phụ nữ – như mẹ Suốt ở Quảng Bình; mẹ Cán, người Thái ở Sơn La; mẹ Đích ở Thái Bình… đã ngày đêm xông pha bom đạn giúp đỡ bộ đội, động viên con cái vào bộ đội, hăng hái chiến đấu và công tác, bản thyân các mẹ cũng hăng hái vào bạch đầu quân, lo toan việc nhà, giúp đỡ gia đình chiến sĩ. “Nước ta tự hào có hàng ngàn, hàng vạn bà mẹ quý báu như vậy”.

Phong trào “năm tốt” của phụ nữ miền Nam, phong trào “Ba đảm đang” của phụ nữ miền Bắc được Bác Hồ đánh giá là phong trào yêu nước nồng nàn và rộng khắp, lôi cuốn đông đảo phụ nữ hai miền tham gia tích cực vào sự nghiệp cách mạng của đất nước. Phong trào đó đã tao ra hàng vạn phụ nữ trở thành can bộ chuyên môn các ngành, cán bộ lãnh đạo các cấp ở miền Bắc, đã tạo ra “đội quân tóc dài” mưu trí, dũng cảm làm cho quân địch khiếp sợ miền Nam, mà tiêu biểu như chị Út Tịch, Tạ Thị Kiều, Trần Thị Vân… và Phó Tổng tư lệnh Quân giải phóng là Nguyễn Thị Định. Bác Hồ cho rằng: “Cả thế giới chỉ có nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta”.

Rất tự hào khi Bác Hồ khẳng định: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.

Trước đây, Bác Hồ xác định nhiệm vụ chính trị của phụ nữ ta là:

– “Thắt chặt mối đoàn kết giữa các tầng lớp phụ nữ trong nước, giúp phụ nữ Việt Nam và phụ nữ các nước bạn cùng phụ nữ dân chủ thế giới”.

– Thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm, hăng hái tham gia phong trào chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu.

– Hăng hái tham gia chính quyền

– Giúp đỡ bộ đội

– Bảo vệ nhi đồng

– Chị em kiều bào ở nước ngoài thì ủng hộ đồng bào trong nước về mọi mặt.

Ngày nay, phụ nữ hăng hái tham gia đổi mới, phấn đấu xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, thì những nhiệm vụ trên Bác Hồ trao cho vẫn còn nguyên tính thời sự.